Người dân đổ xô đi mua thuốc TAMIFLU ngừa cúm A (H1N1): Lợi ít, hại nhiều

09:51, 22/06/2009

Lo ngại dịch cúm A (H1N1) có thể gõ cửa nhà mình bất cứ lúc nào, nhiều người dân đã đi tìm mua cho bằng được loại thuốc kháng virut tamiflu để dự trữ trong nhà với bất cứ giá nào.


 Người dân tìm mua khẩu trang và các thuốc phòng chống cúm. Ảnh TM

Hiện tượng này không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến thị trường thuốc liên tục "dập dềnh, chìm nổi" mà còn có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng hơn là virut cúm A (H1N1) có thể kháng thuốc từ việc sử dụng bừa bãi loại thuốc này.

"Truy tìm" tamiflu

Trước thông tin có nhiều người đang đổ xô đi lùng mua tamiflu để dự trữ, phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống đã có mặt ở chợ thuốc Ngọc Khánh, một trong những trung tâm bán buôn, bán lẻ thuốc và trang thiết bị y tế lớn nhất Hà Nội để ghi nhận hiện tượng này.

Trong vai người đi tìm mua tamiflu, tôi đến một quầy thuốc giữa chợ. Sau khi nghe khách hàng trình bày việc mua tamiflu để "dự trữ trong nhà cho yên tâm", người bán hàng ở một quầy thuốc ngay giữa phố Ngọc Khánh lúc đầu vẫn có vẻ thận trọng: "thuốc này Bộ Y tế quản lý, làm gì có ở ngoài mà bán". Cố gắng hỏi thêm một lúc nữa, thấy người bán hàng có vẻ do dự, cuối cùng sau khi quan sát kỹ người mua hàng, người bán hàng mới dè dặt hỏi khẽ "mua nhiều hay ít?". Giả bộ mừng như vớ được vàng, tôi nói mua số lượng nhiều vì còn có nhiều anh em, bạn bè gửi gắm, người bán hàng nhấc điện thoại lên gọi. Trò chuyện xong, người này quay ra phát giá: "Thuốc của chị là hàng xách tay, chất lượng đảm bảo nên giá hơi cao. Mua nhiều thì giảm cho tý chút". Mức giá được người bán hàng đưa ra là 45.000-50.000 đồng/viên tamiflu "xách tay" từ châu Á, còn hàng sản xuất tại châu Âu có giá 60.000-70.000 đồng/viên. Trong lúc tôi còn đang loay hoay "gọi điện hỏi người thân và bạn bè nên mua loại nào" thì có 2 người khách cũng bước vào cửa hàng hỏi tamiflu như tôi. Bà bán hàng cũng lại diễn lại vở như với tôi sau một hồi quan sát mà không có tín hiệu khả nghi. Thấy khách giở ví tiền ra đếm có vẻ định mua ngay số lượng nhiều, người bán hàng vội vã xua đi "Em cứ để số điện thoại lại đây, có hàng chị sẽ gọi, đây không phải là hàng bán tự do đâu nên không để ở cửa hàng". Hai người "cùng cảnh" vào hỏi mua tamiflu như tôi cũng được chị bán hàng "ghi lại số điện thoại để gọi khi có hàng". Chị Thu, nhà ở Láng Hạ, một trong 2 người vào mua hàng cùng tôi cho biết: Nghe báo đài nói số ca nhiễm cúm ngày càng tăng mà thuốc duy nhất trị được cúm A (H1N1) nên cứ đi tìm mua về cho chắc. Biết đâu một ngày nào đó có nhiều người bị bệnh, bệnh viện không đủ thuốc chữa thì mình còn có sẵn thuốc dự phòng đây". Bà bán hàng còn cho biết, những ngày qua có rất nhiều người hỏi mua thuốc tamiflu cũng có cùng tâm trạng như chị Thu.

Bình thường tamiflu tùy xuất xứ có giá trung bình khoảng 300.000-350.000 đồng/hộp 10 viên. Từ khi có dịch cúm xảy ra, giá thuốc bị đẩy lên liên tục. Hiện nhiều cửa hàng trong "thị trường ngầm" này đã không còn hàng để bán nhưng nếu có cũng phải từ 500.000 - 700.000 đồng/ hộp.

 Kiểm tra thuốc trước khi phát cho bệnh nhân tại bệnh viện. Ảnh: TM

Tự ý sử dụng tamiflu có thể gây kháng thuốc

Để chấm dứt hiện tượng người dân đổ xô tìm mua tamiflu dự trữ, ngày 17/6, Cục Quản lý Dược Việt Nam (Bộ Y tế) đã có công văn gửi các Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế về việc không tự ý mua thuốc kháng virut khi không có chỉ định của thầy thuốc.

Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc kháng virut và chỉ được mua thuốc khi có thăm khám và kê đơn của thầy thuốc. Công văn của Cục Quản lý Dược cũng nêu rõ, thuốc kháng virut đã được dự trữ và chuẩn bị sẵn tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các công ty sản xuất, kinh doanh dược theo sự phân công của Bộ Y tế để phục vụ nhu cầu điều trị và phòng bệnh của nhân dân. Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu các công ty xuất, nhập khẩu, kinh doanh dược phẩm, các nhà thuốc, hiệu thuốc trên địa bàn quản lý chỉ bán thuốc kháng virut cho các cơ sở khám, chữa bệnh, bệnh nhân có đơn của thầy thuốc; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc cung ứng, sử dụng thuốc kháng virut trên địa bàn. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã có cảnh báo về việc mua thuốc kháng virut không có đơn, trong đó có việc mua qua mạng Internet. WHO khuyến cáo người dân không mua thuốc để điều trị hoặc phòng virut cúm A (H1N1) trừ khi được thầy thuốc kê đơn, việc dùng bừa bãi thuốc phòng cúm dễ làm cho virut kháng thuốc. WHO nhấn mạnh rằng, ở một số quốc gia việc mua thuốc kháng virut qua Internet không được kiểm soát chặt chẽ khiến khách hàng có thể nhận được thuốc không đảm bảo chất lượng, thuốc giả dẫn đến hậu quả như tử vong, điều trị thất bại hoặc bị tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó ngoài sự cần thiết của việc mua thuốc theo đơn, người dân cần hết sức thận trọng với việc mua bán thuốc qua mạng internet.         

         Theo báo cáo giám sát của Cục Y tế dự phòng và môi trường, ngày 18/6, Việt Nam đã xác nhận thêm 4 ca dương tính với cúm A (H1N1). Trong đó 3 trường hợp là nữ tu, quốc tịch Canada, về Việt Nam ngày 12/6 trên chuyến bay CX765 tại sân bay Tân Sơn Nhất, quá cảnh tại Hồng Kông, hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM. Trường hợp còn lại là một bệnh nhân nữ 25 tuổi từ Mỹ về Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 15/6, hiện đang được cách ly và điều trị tại Nha Trang.

        Như vậy, tính đến ngày 19/6, Việt Nam đã xác định 32 trường hợp dương tính với cúm A (H1N1), trong đó có 19 trường hợp đã được xuất viện, các trường hợp còn lại đều đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.


suckhoedoisong.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đoàn giám sát các hoạt động Dự án ODA làm việc tại tỉnh ta
HGĐT- Vừa qua, Đoàn giám sát các hoạt động Dự án ODA, Bộ Y tế và ông Lok Ky Wai, quản lý chương trình Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, đã có buổi làm việc với dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống sốt rét tỉnh Hà Giang, để đánh giá kết quả hoạt động của dự án thực hiện trong năm qua và kế hoạch triển khai năm 2009.
29/05/2009
Hoàng Su Phì: Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên chỉ còn 1, 34%
HGĐT- Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì tiếp tục được nâng cao từ huyện tới các trạm y tế xã. Tính đến hết quý I/2009, đã có 6.522 lượt người đến khám và 1.767 lượt người được điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa huyện (chưa kể các phòng khám Đa khoa khu vực).
29/05/2009
Kiểm tra, phát hiện 647 cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm
HGĐT- Trong “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm 2009”, toàn tỉnh đã tổ chức được 53 đoàn kiểm tra và đã tiến hành kiểm tra được 3.706 cơ sở gồm: 2.345 cơ sở kinh doanh tiêu dùng, 1.057 cơ sở dịch vụ ăn uống; 140 bếp ăn tập thể; 164 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm.
27/05/2009
Trung tâm Y tế Dự phòng Hoàng Su Phì: Chủ động đối phó với dịch bệnh mùa hè
HGĐT- Thời gian vừa qua, tại huyện vùng cao Hoàng Su Phì, các loại dịch bệnh như tiêu chảy, dịch lỵ có xu hướng giảm so với các năm trước. Để có được kết quả đó, Trung tâm Y tế Dự phòng (TTYTDP) huyện đã có những biện pháp tích cực tuyên truyền đến nhân dân về ý thức phòng, chống dịch bệnh.
27/05/2009