Trung tâm Y tế Dự phòng Hoàng Su Phì: Chủ động đối phó với dịch bệnh mùa hè
HGĐT- Thời gian vừa qua, tại huyện vùng cao Hoàng Su Phì, các loại dịch bệnh như tiêu chảy, dịch lỵ có xu hướng giảm so với các năm trước. Để có được kết quả đó, Trung tâm Y tế Dự phòng (TTYTDP) huyện đã có những biện pháp tích cực tuyên truyền đến nhân dân về ý thức phòng, chống dịch bệnh.
Theo ông Vương Văn Lăn, Giám đốc TTYTDP huyện, thời gian xảy ra dịch bệnh chủ yếu vào thời điểm tháng 5 tháng 6 - những tháng có nhiệt độ cao, diễn biến thờitiết bất thường. Chỉ tính riêng trong năm 2008, toàn huyện có gần 100 ca, chủ yếu ở các xã Pờ Ly Ngài, Nàng Đôn, Sán Xả Hồ... Những địa phương này có dịch bệnh tiềm ẩn từ những năm trước, do phong tục tập quán về ăn, ở cũng như ý thức vệ sinh môi trường chưa tốt.
Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay TTYTDP huyện đã tập trung vào 2 biện pháp tuyên truyền chủ yếu: Tuyên truyền trực tiếp (thông qua đội ngũ nhân viên y tế xã, thôn, bản) và tuyên truyền gián tiếp (thông qua các tờ rơi, áp phích)... với mục đích bao vây dập tắt dịch ngay khi phát hiện có dịch xảy ra, trong đó nâng cao ý thức của cán bộ tuyên truyền cũng là một trong những yếu tố góp phần giảm con số bệnh nhân mắc dịch bệnh. Theo ông Vương Văn Lăn, khâu tuyên truyền năm nay cũng được làm kỹ hơn, có trách nhiệm hơn khi gắn hoạt động của nhân viên y tế xã, thôn bản với trách nhiệm của các trưởng thôn. Chỉ khi có chữ ký, xác nhận của trưởng thôn vào sổ tay tuyên truyền của nhân viên y tế xã, thôn, bản thì buổi tuyên truyền mới được coi là hợp lệ. Từ đầu năm đến nay, TTYTDP huyện thường xuyên kiểm tra sổ tay tuyên truyền của nhân viên y tế tại tất cả các xã trong huyện. Tại các xã phát hiện ổ dịch năm trước, công tác tuyên truyền được đặc biệt quan tâm: Mật độ các buổi tuyên truyền thường xuyên hơn, các băng rôn, áp phích được treo nhiều hơn, các buổi tuyên truyền bằng tiếng dân tộc được ưu tiên. Đặc biệt, việc vận động nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước, tránh tập trung ăn uống nơi đông người, nơi không đảm bảo vệ sinh được quan tâm hàng đầu. Đối với các xã có dịch, do trình độ dân trí của nhân dân chưa cao, thời gian vừa qua, để công tác tuyên truyền tới nhân dân đạt hiệu, TTYTDP huyện đã dịch sang tiếng Nùng, quay ghi hình làm băng đĩa những tài liệu tuyên truyền để làm sao có được hiệu quả cao nhất vềmặt nhận thức cũng như có tác động sâu sắc đối với người được tuyên truyền. Theo ông Vương Văn Lăn, nhờ thay đổi phương thức tuyên truyền mà kết quả nhận thức được nâng lên rõ rệt. Trong năm 2008 và nửa đầu năm 2009 thực hiện tuyên truyền bằng tiếng dân tộc và băng băng đĩa hình, không có trường hợp nào ngộ độc nấm do thiếu kiến thức về nhận biết nấm độc (năm 2007, hơn chục trường hợp ngộ độc nấm, trong đó có 5 trường hợp tử vong), không có ca mắc bệnh tiêu chảy, dịch lỵ...
Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức cho người dân vùng cao trong việc tự bảo vệ chính mình cũng được TTYTDP huyện đặc biệt quan tâm. Bằng các biện pháp tuyên truyền tích cực, đến nay, trên địa bàn huyện, số hộ gia đình làm chuồng trại gia súc xa nhà đạt 50%, số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 60%, các hộ gia đình tự bảo vệ nguồn nước sinh hoạt bằng cách: Rào nguồn nước, lấy nước máng lần, lấy nước bằng ống nhựa... .
Không chỉ tập trung vào tuyên truyền phòng, chống dịch tiêu chảy, dịch lỵ, trong mỗi buổi tuyên truyền tại các xã, thôn, bản, cán bộ YTDP cũng như nhân viên y tế xã, thôn, bản thường lồng ghép nhiều chương trình tuyên truyền như: Chương trình phòng, chống sốt rét;chương trình sức khoẻ sinh sản; chương trình phòng, chống ngộ độc nấm... nhằm đạt được hiệu quả tuyên truyền cao nhất.
Ý kiến bạn đọc