Công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản ở Na Khê còn nhiều khó khăn
HGĐT- Na Khê là một trong những xã có điều kiện KT-XH khá hơn so với nhiều địa phương vùng sâu, xa của huyện Yên Minh. Tuy nhiên, công tác dân số - chăm sóc sức khoẻ sinh sản (DS/CSSKSS) lại gặp rất nhiều khó khăn.
Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực phục vụ cho công tác này đã được Dự án CSSKSS và một số dự án khác của ngành Y tế đầu tư hỗ trợ, đào tạo đầy đủ, bài bản; nhưng kết quả các chỉ tiêu trong lĩnh vực DS/CSSKSS đều ở mức thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh.
Xã có 684 hộ, 3.704 khẩu sinh sống ở 10 thôn, bản; tỷ lệ phụ nữ trong tuổi sinh đẻ 848 người. Là một trong những điểm thực hiện Dự án, Trạm y tế Na Khê được đầu tư khá tốt các trang, thiết bị. Bàn đẻ, khám phụ khoa, dụng cụ khám phụ khoa, bộ đặt vòng; nồi hấp dụng cụ... Ngoài ra, hàng năm Dự án còn đầu tư thường xuyên gói đẻ sạch, các dụng cụ tránh thai hiện đại... Cán bộ y tế xã thực hiện công tác này được tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ do Dự án tổ chức. Đội ngũ cán bộ y tế thôn, bản được kiện toàn vàđược tham gia các lớp đào tạo do Dự án cũng như ngành Y tế tổ chức. Thông qua đó, họ có thể thực hiện tốt công tác ở tuyến cơ sở.
Song, kết quả đạt được những năm qua lại đạt thấp, thể hiện thông qua Báo cáo năm 2008 của Tram Y tế xã, với phần tồn tại có 3 nội dungđều liên quan đến công tác DS/CSSKSS, cụ thể: Tỷ lệ sinh còn tới 22,14%; tỷ lệ sinh con thứ 3 cao, 18% tổng số sinh trong năm; tỷ lệ khám phụ khoa chỉ 24%, tỷ lệ phụ nữ khám thai định kỳ 3 lần là 50%, tỷ lệ phụ nữ sinh đẻ tại Trạm và có cán bộ y tế đỡ 74%, tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 81% kế hoạch…
Theo chị Hoàng Thị Thương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Na Khê: Nguyên nhân do bà con ở đây vẫn còn những phong tục, tập quán lạc hậu đối với vấn đề DS/SKSS. Mặc dù cán bộ y tế xã, thôn đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện thường xuyên việc tuyên truyền, có khi phải 3 đến 4 buổi tuyên truyền tại một điểm nhưng nhận thức của người dân về vấn đề này vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Mặt khác, khi tổ chức chiến dịch khám phụ khoa (2 đợt/năm) thường vào những ngày mùa nên tỷ lệ chị em đến khám đạt thấp. Cũng theo cán bộ y tế xã, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh con thứ 3 tại xã khá cao là do bà con người dân tộc Dao có quan điểm sinh 3 con rồi tự giác không sinh thêm...
Năm 2009, mục tiêu trong công tác DS/CSSKSS ở xã là: 90% phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ và chăm sóc; 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được khám phụ khoa; 98% cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Đây là chỉ tiêu rất cao so với thực tế kết quả mà xã đã đạt được trong năm 2008. Do đó, để đạt được đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của những người làm công tác y tế xã, thôn cũng như cần có sự phối hợp của chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong xã. Cùng với đó, phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân cần được thực hiện mạnh,nắm bắt tốt tâm lý, tập quán của người dân để có giải pháp tuyên truyền hiệu quả hơn. Mặt khác, chiến dịch khám phụ khoa cần được tổ chức vào thời gian hợp lý, tránh những ngày mùa, bà con bận việc không đến khám…
Ý kiến bạn đọc