Sau 2 năm triển khai đề án “Nâng cao hiệu quả sử dụng giường bệnh tại Trạm y tế xã” ở Yên Minh
HGĐT- Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, của huyện và các ban, ngành chức năng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ làm công tác y tế...; công tác chăm sóc, khám, chữa bệnh của huyện Yên Minh nói chung, của các trạm y tế xã trên địa bàn huyện nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Minh. Ảnh: tuyên bình
|
Nhìn lại 2 năm trở về trước, trên địa bàn huyện Yên Minh ngoài Trung tâm Y tế huyện còn có 3 Phòng khám Đa khoa khu vực (PKĐKKV) với 35 giường bệnh; 15 trạm y tế xã với 48 giường bệnh; mới có 12/18 trạm được xây dựng kiên cố 2 tầng. Biên chế cán bộ y tế cấp xã chỉ có 102 cán bộ, trong đó có 9/18 trạm có bác sỹ; 255/268 thôn bản có cán bộ y tế. Trang thiết bị cho các trạm y tế xã từng bước được đầu tư mua sắm, bước đầu đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên so với thực tế nhu cầu chăm sóc, khám, chữa bệnh của nhân dân thì cơ sở vật chất hiện tại của các trạm y tế xã, đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc, khám, chữa bệnh vẫn còn nhiều hạn chế như: Tổng số giường bệnh của các PKĐKKV, các trạm y tế xã còn ít, trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh còn thiếu, đội ngũ cán bộ y tế xã vừa thiếu, vừa yếu và chưa có nhiều cán bộ có trình độ chuyên môn tay nghề cao. Mặt khác, phần lớn dân cư sống ở các xóm, bản xa, địa bàn rộng, địa hình phức tạp, giao thông đi lại vất vả, vì vậy việc đến Trung tâm Y tế huyện để khám, chữa bệnh là hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, tập quán sinh hoạt, lao động sản xuất của nhân dân còn nhiều lạc hậu, đây cũng chính là nguyên nhân tiềm ẩn phát sinh những dịch bệnh nguy hiểm, dễ bùng phát như: Sốt rét, viêm màng não, sởi, lao... Đời sống kinh tế của đại đa số nhân dân còn thiếu thốn; việc tiếp cận với công tác chăm sóc, khám, chữa bệnh chưa được nhiều; tư tưởng, thói quen ốm đau, sinh đẻ đến trạm y tế còn nhiều hạn chế...
Để nâng cao công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, huyện Yên Minh đã xây dựng Đề án “Nâng cao hiệu suất sử dụng các trạm y tế xã giai đoạn 2006 - 2008” với mục tiêu chính là nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, khám, chữa bệnh cho nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa; giảm thiểu tối đa những khó khăn về kinh phí, đi lại và sinh hoạt cho người bệnh và nhân dân trong huyện, đặc biệt nhân dân tại các thôn bản xa; đảm bảo đến hết năm 2008, 100% số PKĐKKV, trạm y tế sử dụng hết công suất giường bệnh, đồng thời giảm thiểu sức ép cho Trung tâm Y tế huyện; để mọi người dân được hưởng các dịch vụ khám, chữa bệnh, dịch vụ y tế có chất lượng cao; giảm thiểu các ca tử vong đáng tiếc xảy ra do hạn chế về trình độ, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc men như những năm trước đây tại các trạm y tế xã; 100% phụ nữ mang thai đều đến trạm y tế sinh đẻ, 100% người bệnh đến điều trị tại các PKĐKKV và trạm y tế xã. Nhiệm vụ cụ thể là làm thế nào để nâng cao công suất sử dụng giường bệnh của các PKĐKKV và các trạm y tế xã; đảm bảo cho nhân dân các dân tộc trong xã được khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế gần nhất, xóa bỏ tâm lý lo lắng, ngại ngùng khi đến trạm y tế để khám (vì lo tuyến xã không đủ điều kiện về vật chất, thuốc men, trang thiết bị kỹ thuật...); giảm thiểu những khó khăn về kinh tế, về đi lại cho nhân dân, khắc phục tình trạng khó khăn về sinh hoạt cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong qúa trình điều trị và sự qúa tải của Trung tâm Y tế huyện; giúp các trạm y tế xã có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ số, chủng loại thuốc để phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân; các trạm y tế xã có đội ngũ cán bộ y, bác sỹ có đủ trình độ, năng lực đáp ứng công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong xã mà không phải chuyển vượt tuyến; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ y tế, đảm bảo 12 điều y đức, có lòng nhiệt tình với công việc, thái độ tận tình, chu đáo gây được sự thân thiện với nhân dân khi đến khám, chữa bệnh; thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh ngay tại xóm bản; tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân nhận thức rõ việc ốm đau, bệnh tật cần phải đến khám, điều trị tại các trạm y tế xã...
Qua 2 năm triển khai Đề án, cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến các xã, Trung tâm Y tế huyện, các trạm y tế xã đã tập trung làm tốt các biện pháp như: Các xã đều có BCĐ thực hiện Đề án với sự tham gia của Phó Chủ tịch xã, Trưởng trạm y tế xã và các ban, ngành, đoàn thể. Đã tiến hành xây dựng bếp ăn tình thương tại các trạm y tế xã để giảm bớt khó khăn cho nhân dân khi đến khám, chữa bệnh tại các trạm y tế xã (hiện tại cơ bản các trạm y tế xã có bếp ăn tình thương) với hình thức nhân dân đóng góp ngày công lao động và cây que, huyện hỗ trợ tấm lợp. Kinh phí để duy trì bếp ăn tình thương từ nguồn kinh phí đóng góp, ủng hộ của nhân dân và cá nhân, tổ chức hoạt động trên địa bàn và cán bộ y tế sẽ phân nhau nấu cơm khi có bệnh nhân... Bố trí, sắp xếp và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế xã bằng các hình thức học chuyên tu, bồi dưỡng hàng năm; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh... Cụ thể đến nay, cơ bản các trạm y tế đã được xây dựng kiên cố 2 tầng; các trạm y tế có đủ giường, chiếu, chăn, màn và các trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho những bệnh nhân điều trị nội trú; từng bước đa dạng hóa các chủng loại thuốc (cả về chất lượng và số lượng). Đã tiến hành xây dựng được nhà lưu trú cho cán bộ y tế với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; mỗi thôn bản có một cán bộ y tế có đủ năng lực, trình độ phục vụ công tác tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân bằng cách củng cố đội ngũ cán bộ y tế thôn bản sẵn có; các trạm y tế đều xây dựng quy chế hoạt động khám, chữa bệnh tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận với việc khám, chữa bệnh một cách nhanh chóng, kịp thời...
Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu suất sử dụng giường bệnh tại các trạm y tế xã”, cơ bản các mục tiêu đã hoàn thành và phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn. Với những nỗ lực đó mà đến nay Yên Minh được coi là một trong những huyện đi đầu của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh và công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn và là một trong những huyện ít có dịch bệnh xảy ra trong thời gian qua.
Ý kiến bạn đọc