Phụ nữ khổ vì HIV hơn đàn ông
HGĐT- Cùng một hành vi nguy cơ cao nhưng phụ nữ dễ nhiễm HIV gấp 2-4 lần so với nam giới. Và khi có bệnh, họ cũng bị kỳ thị, hắt hủi nhiều hơn đàn ông. Đó là nguyên nhân khiến Ngày thế giới phòng chống AIDS năm nay có chủ đề “Phụ nữ, trẻ em gái và HIV/AIDS”.
Bà Nancy Fee, điều phối viên chương trình phòng, chống AIDS Liên Hợp Quốc, cho biết, tỷ lệ nữ giới có HIV tăng nhanh trong mấy năm gần đây, nhất là ở Đông á (tăng 56% chỉ trong hai năm 2002-2004). Bà Nancy Fee cho biết, nếu như trước đây, phần lớn người có HIV là nam giới thì nay tương quan này đã cân bằng. Thậm chí ở vùng hạ Sahara của châu Phi, phụ nữ chiếm đến 3/4 số người có HIV ở độ tuổi 15-24. Kiến thức về HIV/AIDS của phụ nữ cũng ít hơn đàn ông.
Tại Việt Nam, nam giới vẫn chiếm phần đông trong số người nhiễm virus gây bệnh AIDS, nhưng tỷ lệ thai phụ có HIV gần đây có xu hướng tăng nhanh, khiến nguy cơ bệnh lan ra cộng đồng ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Các chuyên gia cho biết, do nhiều nguyên nhân nên cùng một hành vi, phụ nữ có khả năng nhiễm HIV cao gấp 2-4 lần so với nam giới. Thứ nhất, diện tích niêm mạc âm đạo rộng hơn niêm mạc dương vật, hơn nữa lượng virus HIV trong tinh dịch lại nhiều hơn trong dịch âm đạo. Phụ nữ lại có nhiều lý do để truyền máu hơn như lúc mang thai, sinh nở.
Một nguyên nhân quan trọng là phụ nữ thường bị động trong tình dục và do đó khó thực hiện các biện pháp phòng chống hơn, nhất là ở các nước đang phát triển. Khi quan hệ tình dục, nếu người nam từ chối dùng bao cao su thì thường người nữ phải chấp nhận, dù họ là vợ, người tình hay gái mại dâm. Vì vậy, trong số phụ nữ có HIV, phần lớn đã lây bệnh từ chồng hoặc bạn tình.
Khi đã có HIV, phụ nữ lại bị kỳ thị nhiều hơn nam giới. Xuất phát từ thành kiến: Có chơi bời dâm đãng mới nhiễm HIV, người đời thường tỏ ý khinh bỉ những phụ nữ không may nhiễm bệnh. Ngay cả những người cùng giới với họ cũng thiếu sự thông cảm. Chị Nguyễn Hồng Vân, làm nghề uốn tóc ở quận Hoàng Mai, nói về một cô gái có HIV sống cùng khu dân cư: “Người nhà bảo nó nhiễm do tai nạn, nhưng chắc là giấu thôi. Không lẳng lơ nay thằng này mai thằng khác thì sao lây được?”. Còn bà Trần Thị Lan, công chức về hưu sống ở tập thể Hào Nam thì nói: “Đàn ông có bồ bịch, chơi bời mà nhiễm HIV thì đáng trách thật, nhưng dù sao nó cũng là đàn ông, dính vào chuyện đó là thường. Chứ đàn bà mà dính AIDS thì đúng là loại quạ mổ, xã hội chẳng ai dung thứ được. Con cái cũng không thể chấp nhận người mẹ như thế”.
Chính vì vậy mà trong khi nam giới có bệnh vẫn được vợ và cha mẹ chăm sóc thì những phụ nữ cùng cảnh lại thường bị ngay chính gia đình mình hắt hủi, bỏ bê, thậm chí bắt sinh hoạt riêng, không cho tiếp xúc với con cái. Cả cha mẹ đẻ đôi khi cũng chối bỏ. Ông Nguyễn Thanh Tâm ở Vinh (Nghệ An) hầu như không muốn ai nhắc đến đứa con gái có HIV của mình: “Vợ chồng tôi coi như nó đã chết rồi, vì nó bôi tro trát trấu vào mặt gia đình, dòng họ”. Chính vì vậy mà con gái ông bà phải vào tận Bình Dương, giấu kín thân phận kiếm sống. Và biết đâu cô sẽ làm nhiều người lây bệnh từ sự giấu giếm đó?
Sự kỳ thị khiến phụ nữ có HIV ít có cơ hội tiếp cận với dịch vụ y tế hơn, cũng ít được chăm sóc sức khỏe. Điều này không chỉ làm khổ họ mà còn tác hại nặng nề đến toàn xã hội, bởi phụ nữ đóng một vai trò quá lớn trong cuộc sống: Là người lao động kiếm tiền, chăm sóc con cái và cha mẹ già, lo loan vun đắp cho tổ ấm...
Chính vì vậy mà các chương trình phòng chống AIDS đang kêu họi cộng đồng thông cảm và quan tâm hơn đối với phụ nữ. Bản thân chị em phải biết tự giúp mình bằng cách trang bị kiến thức phòng chống căn bệnh này vì khi tự bảo vệ mình, họ đã góp phần bảo vệ các thế hệ tương lai.
Ý kiến bạn đọc