Mô hình đào tạo “cô đỡ thôn bản”

20:05, 27/04/2009

HGĐT- Lớp đào tạo “Cô đỡ thôn bản do Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc UNFPA tài trợ kinh phí trong khuôn khổ Dự án VNM7PG0001, Sở Y tế Hà Giang trực tiếp là đơn vị tổ chức thực hiện. 14 học viên được tuyển chọn từ một số thôn bản ở 2 huyện Đồng Văn và Xín Mần.


Tiêu chí là phụ nữ trẻ, người dân tộc thiểu số, gắn bó với thôn, bản, biết chữ và tiếng phổ thông. Lớp học được tổ chức trong 18 tháng, do các giảng viên nòng cốt gồm 12 người là bác sĩ chuyên môn và các nữ hộ sinh của ngành y tế Hà Giang giảng dạy, hướng dẫn thực hành theo giáo trình đào tạo cơ bản của Bộ Y tế.


Đây là lớp đào tạo cô đỡ đầu tiêntrong cả nước về mô hình đào tạo, lấy chính người địa phương, đào tạo tại địa phương và trở về cơ sở phục vụ nhân dân nơi họ từng sinh ra, lớn lên và gắn bó. Vì vậy mà yếu tố “địa phương” luôn được coi trọng trong quá trình giảng dạy, không tách rời trong học lý thuyết cũng như thực hành, làm thế nào để luôn đảm bảo tiêu chí “thôn, bản”, gần gũi với cơ sở.


Lớp học là mô hình thử nghiệm ban đầu nên ban quản lý lớp cũng phải đối diện với những khó khăn, nhất là trong việc tổ chức chỗ ăn ở, xây dựng và duy trì nề nếp sinh hoạt, học tập đối với các học viên lần đầu tiên sống ở thị xã và tiếp xúc với những kiến thức hoàn toàn mới lạ. Không có gì hiệu quả hơn là bằng sự quan tâm chu đáo, gần gũi thân thiện trong cuộc sống và sự tận tình, nghiêm túc trong công việc giảng dạy, những người được giao quản lý lớp đã tạo cho các em nhanh chóng hòa nhập với môi trường học tập và sinh hoạt đi vào nề nếp. Cho dù đến với lớp học này, các học viên phải xa nhà, đi lại khó khăn, nhiều người phải vượt qua những hoàn cảnh, nỗi niềm riêng tư, nhưng qua một chặng đường, sỹ số của lớp vẫn đảm bảo và ngày càng gắn bó, tích cực học tập, đó chính là yếu tố thành công trong việc quản lý, tổ chức lớp. Bằng phương thức “cầm tay chỉ việc”, các giảng viên là những bác sĩ đã được tập huấn nghiệp vụ và tham khảo kinh nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (thành phố Hồ Chí Minh) đã truyền đạt kiến thức cho học viên. Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực phụ sản từ thành phố Hồ Chí Minh lên Hà Giang trực tiếp giảng dạy. Điều đó như một nguồn động viên, khích lệ tinh thần, giúp những người quản lý và giảng dạy của lớp càng cố gắng, tự tin hơn trong việc thực hiện mục tiêu, đó là đào tạo được những cô đỡ ở thôn bản năng động, có kiến thức và hiểu biết về sản khoa, về chăm sóc sức khỏe cộng đồng, khác với những bà “mụ vườn” tại thôn bản. 14 cô gái trẻ từ các thôn, bản về tham dự lớp học, phần lớn đã có chồng, có những trải nghiệm về chuyện sinh đẻ và hiểu rõ phong tục, thói quen sinh đẻ ở địa phương, mong muốn được góp phần cải thiện tình trạng đẻ tại nhà. Nhận thức được mục tiêu, ý nghĩa của khóa học đối với cả cộng đồng và bản thân, họ đã cố gắng làm quen với nếp sống mới, tập trung học tập và có những tiến bộ mà chính họ là người biết rõ nhất.


Đến khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nếu không nhìn thẻ thì khó có thể nhận ra được các cô đỡ đang thực tập. Họ cùng tham gia khám, hỗ trợ và tư vấn cho sản phụ như một nữ hộ sinh. Sự thành thục và tự tin của họ cho thấy kết quả thành công bước đầu của quá trình học tập, cố gắng của mỗi học viên cũng như sự nhiệt tình, chu đáo và tâm huyết của các bác sĩ, các nữ hộ sinh hướng dẫn. Bác sĩ Lương Thị Thu, Phó trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong những giảng viên quản lý và trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn các học viên của lớp học đã khẳng định: “Các em đã rất tự tin trong quá trình thực hành tại bệnh viện. Với sự nhiệt tình của các giảng viên và sự cố gắng của các em, chắc chắn về cơ sở các em sẽ làm tốt việc tuyên truyền, vận động, tư vấn, chăm sóc thai nghén và đỡ đẻ tại cộng đồng”.


T. Hằng (Đài PT - TH tỉnh)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cầu Truyền hình trực tiếp về phòng chống sốt rét
HGĐT- Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống sốt rét (25.4.2009), từ 16h đến 17h ngày 26.4, Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam (VTV2) đã tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp về công tác, phòng, chống sốt rét tại hai đầu cầu Hà Nội và Hà Giang.
27/04/2009
Đoàn công tác của Bộ Y tế thăm, kiểm tra thực hiện triển khai Đề án 1816 tại tỉnh ta
HGĐT- Sáng 24.4, Đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Phạm Ngọc Khánh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền dẫn đầu đến thăm, kiểm tra thực hiện Đề án 1816 tại tỉnh ta.
27/04/2009
Sau 2 năm triển khai đề án “Nâng cao hiệu quả sử dụng giường bệnh tại Trạm y tế xã” ở Yên Minh
HGĐT- Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, của huyện và các ban, ngành chức năng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ làm công tác y tế...; công tác chăm sóc, khám, chữa bệnh của huyện Yên Minh nói chung, của các trạm y tế xã trên địa bàn huyện nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực.
27/04/2009
Báo động bệnh cúm gây chết người
Một đại dịch cúm A/H1N1 nghi xuất phát từ lợn, có độc tính cao đã được cảnh báo trên toàn thế giới sau khi nó xuất hiện từ giữa tháng 3 khiến hơn 1.300 cư dân Mexico mắc phải, làm chết 81 người, sau đó lây nhanh sang Mỹ. Ngành Y tế Việt Nam đã có buổi họp khẩn hôm qua.
27/04/2009