Hội thảo đại biểu dân cử khu vực miền núi phía Bắc với chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá và dân số
HGĐT- Trong 2 ngày 7 – 8.4, ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khoá XII phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tổ chức khảo sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về dân số và Hội thảo đại biểu dân cử các tỉnh miền núi phía Bắc với chính sách về phòng, chống tác hại thuốc lá và dân số.
Các đồng chí: Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Trần Thị Bình, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Thào Hồng Sơn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội thảo.
Trong chuyên đề về phòng, chống tác hại của thuốc lá, hội thảo đã đưa ra những con số của Tổ chức Y tế thế giới thống kê về thực trạng sử dụng thuốc lá ở nước ta hiện nay. Mỗi năm thuốc lá giết chết 40 nghìn người, mỗi ngày có hơn 100 người chết vì những bệnh do hút thuốc gây nên. Con số này sẽ tăng lên thành 70 nghìn người một năm vào năm 2030. Các hộ nghèo tại Việt Nam phải tiêu tốn khoảng 5% thu nhập của gia đình mỗi năm vào thuốc lá; thậm chí khoản tiền dành để mua thuốc lá cao hơn cả khoản tiền chi cho y tế hay giáo dục… Đại diện Tổ chức Y tế thế giới đã trình bày Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá (FCTC) và những kinh nghiệm của Thái Lan trong việc thực thi 6 biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả; đồng thời giới thiệu dự thảo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá của Việt Nam hiện nay.
Trong vấn đề thực hiện chính sách, pháp luật về dân số và chăm sóc SKSS, đại diện Tổng cục Dân số – KHHGĐ; Vụ Sức khoẻ bà mẹ trẻ em – Bộ Y tế; Ban VHXH – HĐND các tỉnh, thành; Chi cục Dân số – KHHGĐ tỉnh ta đã trình bày về thực trạng và những kiến nghị trước tình hình dân số và việc triển khai thực hiện Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số năm 2003; những thách thức về dân số và SKSS tại khu vực miền núi phía Bắc; tình hình ổn định bộ máy và công tác dân số - KHHGĐ tại tỉnh ta và một số tỉnh thành trong cả nước… Hàng loạt các vấn đề bất cập về: Quy mô, mật độ dân số giữa các địa phương; mức sinh giảm nhưng dân số vẫn tăng mạnh; tỷ lệ trẻ em giảm mạnh, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động và người cao tuổi tăng nhanh; sự mất cân đối giới tính và việc sử dụng các biện pháp tránh thai còn nhiều hạn chế… đang tạo ra những vận hội và thách thức đối với vấn đề dân số hiện nay trong cả nước nói chung và các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng.
Ở tỉnh ta, tại cuộc khảo sát tại Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, các đại biểu được nghe lãnh đạo Chi cục báo cáo về tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về dân số, việc ổn định bộ máy dân số, quy mô dân số, kết quả thực hiện mục tiêu giảm sinh, kết quả thực hiện biện pháp KHHGĐ, về cơ cấu, chất lượng dân số, kinh phí chương trình, mục tiêu phục vụ công tác dân số trên địa bàn tỉnh những năm gần đây…; nghe đại diện các sở, ban, ngành liên quan và đồng chí Hoàng Đình Châm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh bày tỏ những nỗ lực của tỉnh nhà trong việc thực thi nghiêm túc những chính sách, pháp luật về dân số tại địa phương những năm qua và các biện pháp nâng cao chất lượng dân số qua việc thực hiện lồng ghép với các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh… Công tác truyền thông DS-KHHGĐ thường xuyên được đẩy mạnh, đổi mới về hình thức, phong phú về nội dung, đa dạng hóa cách tiếp cận; tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở đã được thành lập và đi vào ổn định. Kết quả cụ thể: Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,54% năm 2007 xuống còn 1,486% năm 2008; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 64,1% năm 2007 lên 67,02% năm 2008...
Kết luận tại hội thảo, nhiều ý kiến, kiến nghị của các đại biểu về phòng, chống tác hại của thuốc lá và thực thi chính sách, pháp luật về dân số - KHHGĐ đã được đại diện ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khoá XII ghi nhận và trình Chính phủ.
Ý kiến bạn đọc