Chuyên gia truyền nhiễm nói gì về bệnh cúm lợn?

08:29, 29/04/2009

Ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới thông báo về những trường hợp nhiễm cúm H1N1 ở Mexico từ lợn sang người, để có những thông tin khoa học về bệnh, ThS. Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia sẽ cung cấp cho độc giả báo Sức khỏe & Đời sống về căn bệnh này.


 

 ThS. Nguyễn Hồng Hà

Đây là bệnh cúm lưu hành thường xuyên và tản phát trên thế giới

Cúm H1N1 thuộc týp A, đây là chủng virut cúm từng gây ra đại dịch cúm năm 1918, khiến hàng chục triệu người tử vong, cả châu Âu lúc bấy giờ gần như bị chìm sâu trong đại dịch nguy hiểm này. Trải qua thời gian, virut cúm A H1N1 dần dần giảm bớt độc lực, một phần do cơ thể con người cũng tạo ra được miễn dịch rộng rãi trong cộng đồng. Hàng thế kỷ nay, virut này vẫn lưu hành thường xuyên và tản phát trên thế giới và hầu như không có tử vong sau đại dịch năm 1918. Tại Việt Nam, bệnh cúm xảy ra quanh năm và đều ở thể rất nhẹ, bệnh lây từ người sang người, các triệu chứng đến thoáng qua và tự khỏi, hiếm có bệnh nhân phải nhập viện điều trị.

Sự xuất hiện hàng loạt những ca bệnh nặng do virut này ở Mexico có những điểm trùng lặp với năm 1918 là gây ra những ca bệnh nặng, thậm chí tử vong, cũng lây từ lợn sang người. Chính vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới và các chuyên gia truyền nhiễm đang nghiên cứu xem xét liệu có phải virut này đã có sự biến đổi gen?

Bệnh cúm A H1N1 dễ lây lan?

Đây là bệnh lây qua đường hô hấp, khi người lành tiếp xúc với virut có trong chất tiết mũi, họng của người bệnh bắn ra. Khi nhiễm virut cúm H1N1, người bệnh thường sốt cao (từ 38oC trở lên), xuất tiết mũi họng, đau nhức cơ, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, tức ngực... Bình thường, diễn biến bệnh kéo dài khoảng 1 tuần và lui bệnh dần. Trong trường hợp có bội nhiễm có thể gây ra biến chứng viêm phổi, viêm cơ tim. Hiếm khi virut H1N1 là nguyên nhân tiên phát gây ra những biến chứng nặng. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là người già, trẻ em suy dinh dưỡng, người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch. Khác với cúm A H5N1 thì số người mắc ít nhưng tỷ lệ tử vong lại cao (khoảng 50-60%).

 Virut cúm A H1N1 trên kính hiển vi điện tử.

Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia luôn sẵn sàng với mọi tình huống

Mặc dù đến nay, Việt Nam chưa ghi  nhận một trường hợp cúm A H1N1 nào nguy hiểm như ở Mexico song với kinh nghiệm dày dạn điều trị SARS và cúm A H5N1, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới luôn sẵn sàng thuốc, các phòng xét nghiệm, các phương tiện phòng ngừa lây lan trong bệnh viện... để đối phó với những diễn biến bệnh phức tạp. Viện đang cùng với Chương trình cúm của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương giám sát diễn biến các loại cúm ở Việt Nam, đây cũng là hoạt động nằm trong Chương trình giám sát cúm toàn cầu.

Phòng bệnh là biện pháp quan trọng nhất

Do chỉ là những triệu chứng bệnh thoáng qua nên khi mắc bệnh cúm người dân thường tự điều trị tại nhà. Hiện nay đã có một số thuốc kháng virut điều trị hiệu quả nhưng phải ở chỉ định trong vòng 48 giờ mắc bệnh. Chính vì vậy, để phòng ngừa bệnh mọi người nên chú ý luôn giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, đảm bảo đầy đủ chế độ dinh dưỡng, hạn chế tối đa tiếp xúc với những nguồn lây bệnh, nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân cúm. Người bệnh cúm không nên đi đến những nơi đông người mà nên cách ly tại nhà. Trong trường hợp có những diễn biến bệnh nặng cần phải đến cơ sở y tế để được điều trị, đồng thời thông báo cho cơ quan phòng dịch địa phương để có biện pháp cách ly, bao vây dịch hiệu quả.

Bất kỳ một loại virut, vi khuẩn nào cũng có nguy cơ lây lan từ động vật sang người, vì vậy người dân không nên sử dụng bất kỳ loại thịt gia súc, gia cầm chết hoặc mắc bệnh làm thực phẩm. Quá trình xử lý tiêu hủy cũng phải đảm bảo vệ sinh.

Bộ Y tế khuyến cáo

1. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt khi tiếp xúc với dịch tiết hầu, họng.

2. Những người bị mắc bệnh đường hô hấp cấp tính, nên tránh nơi đông người và đeo khẩu trang.

3. Đối với những người cần thiết phải đến những vùng có dịch, tránh xa nơi đông người, tránh tiếp xúc với người bệnh và luôn thực hiện tốt vệ sinh cá nhân.

4. Những người đến Việt Nam từ vùng có dịch, trong vòng 7 ngày, nếu có biểu hiện như sốt, ho, đau họng, đau cơ, nhức đầu, rùng mình và mệt mỏi thì thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất về tình trạng bệnh và lịch trình đã đi, để được tư vấn, cách ly, điều trị và y tế triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống, không để lây lan ra cộng đồng.

5. Khi phát hiện có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính, đặc biệt các đối tượng về từ vùng dịch trong vòng 7 ngày; các ca bệnh bất thường, đề nghị thông báo ngay cho y tế địa phương, các Viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur để kịp thời phát hiện trường hợp đầu tiên, để bao vây dập dịch không để dịch lây lan.


suckhoedoisong.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cầu Truyền hình trực tiếp về phòng chống sốt rét
HGĐT- Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống sốt rét (25.4.2009), từ 16h đến 17h ngày 26.4, Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam (VTV2) đã tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp về công tác, phòng, chống sốt rét tại hai đầu cầu Hà Nội và Hà Giang.
27/04/2009
Mô hình đào tạo “cô đỡ thôn bản”
HGĐT- Lớp đào tạo “Cô đỡ thôn bản do Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc UNFPA tài trợ kinh phí trong khuôn khổ Dự án VNM7PG0001, Sở Y tế Hà Giang trực tiếp là đơn vị tổ chức thực hiện. 14 học viên được tuyển chọn từ một số thôn bản ở 2 huyện Đồng Văn và Xín Mần.
27/04/2009
Đoàn công tác của Bộ Y tế thăm, kiểm tra thực hiện triển khai Đề án 1816 tại tỉnh ta
HGĐT- Sáng 24.4, Đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Phạm Ngọc Khánh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền dẫn đầu đến thăm, kiểm tra thực hiện Đề án 1816 tại tỉnh ta.
27/04/2009
Sau 2 năm triển khai đề án “Nâng cao hiệu quả sử dụng giường bệnh tại Trạm y tế xã” ở Yên Minh
HGĐT- Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, của huyện và các ban, ngành chức năng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ làm công tác y tế...; công tác chăm sóc, khám, chữa bệnh của huyện Yên Minh nói chung, của các trạm y tế xã trên địa bàn huyện nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực.
27/04/2009