Bệnh viện Xín Mần thực hiện mô hình “Làm mẹ an toàn”

16:24, 29/04/2009

HGĐT- Ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa, tình trạng phụ nữ sinh đẻ tại nhà là phổ biến. Điềukiện vệ sinh không đảm bảo, người đỡ đẻ thiếu kiến thức khoa học và kỹ năng cần thiết... là những yếu tố gây nên tai biến sản khoa, nhiều trường hợp dẫn tới tử vong mẹ hoặc con.


Để hạn chế tình trạng trên, mô hình “Làm mẹ an toàn” đã được triển khai tại nhiều địa phương trong tỉnh, đặc biệt là ở các huyện vùng cao, vùng sâu. Với những sáng tạo và nhiệt tình trong công việc, khoa Sản Bệnh viện Đa khoa huyện Xín Mần đã đưa mô hình đến được với người dân và làm thay đổi dần những thói quen, tập tục lạc hậu của họ trong sinh đẻ, giúp cho bà mẹ và trẻ sơ sinh được an toàn, khỏe mạnh.


Nếu như ở thị xã, thành phố hoặc các vùng trung tâm, bà mẹ mang thai đi thăm khám ít nhất 3 lần trong thai kỳ, có chế độ lao động, nghỉ ngơi và bồi dưỡng hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi, khi sinh thì đến các trung tâm y tế có sự giúp đỡ phục vụ của cán bộ y tế để được “mẹ tròn con vuông”, thì ở nhiều thôn bản ở huyện Xín Mần, phụ nữ từ khi có thai đến khi đẻ không một lần thăm khám, theo dõi. Khi trở dạ thì đẻ luôn tại nhà. Người đỡ đẻ là mẹ chồng, chị dâu hoặc bà mụ vườn, cắt rốn bằng cật nứa hoặc bằng chiếc kéo thường ngày vẫn sử dụng vào nhiều việc khác. Đứa trẻ sinh ra không có quần áo, tã lót được chuẩn bị sẵn, mà chỉ được bọc trong tấm khăn trùm đầu của mẹ hoặc vạt váy, áo cũ... Thực trạng trên đã tồn tại nhiều năm và trở thành một thói quen, một tập tục trong sinh hoạt, gây khó khăn không nhỏ trong công tác vận động thực hiện sinh đẻ kế hoạch và chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) tại địa bàn vùng cao, vùng sâu.


Mô hình “Làm mẹ an toàn” được Bệnh viện Đa khoa huyện Xín Mần thực hiện trong 5 năm trở lại đây theo chương trình dự án CSSKSS của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tài trợ, đã có những hiệu quả tích cực. Mô hình này đã tác động không nhỏ đến nhận thức của đồng bào và thay đổi hành vi của họ trong việc CSSKSS, giảm dần tình trạng đẻ tại nhà và quan trọng nhất là đảm bảo được sự an toàn cho sản phụ và trẻ sơ sinh. Năm 2008, có 123 ca đẻ tại bệnh viện, thì 122 ca an toàn, chỉ duy nhất có 1 trẻ tử vong vì quá non yếu, trọng lượng lúc sinh ra chưa đạt tới 1,5kg. Trong các năm từ 2004- 2008, các y sỹ sản nhi và nữ hộ sinh của Bệnh viện huyện Xín Mần đã lần lượt được tham gia các lớp tập huấn về làm mẹ an toàn và cấp cứu sản khoa, cấp cứu sơ sinh và phẫu thuật sản khoa theo Chương trình Dự án VIE/01/PO2 từ chu kỳ đến chu kỳ 7. Các y sỹ sản nhi và nữ hộ sinh của Bệnh viện huyện Xín Mần đã áp dụng những kiến thức được tập huấn vào việc khám thai định kỳ, tư vấn CSSK và theo dõi thai nghén cho các bà mẹ mang thai, tạo được sự thân thiện, niềm tin của người dân. Khoa sản của bệnh viện cũng luôn quan tâm tới việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ bằng cách: Mỗi tuần lên lịch giảng 1 bài và đào tạo lại phần cấp cứu sản khoa, cấp cứu sơ sinh; giám sát hỗ trợ cho các trạm y tế và hướng dẫn chuyên môn theo cách “cầm tay chỉ việc” đối với các nữ hộ sinh tay nghề yếu, sau thời gian thực hành tại bệnh viện 3 tháng nếu đạt yêu cầu mới giao trở lại về trạm y tế xã công tác. Cùng với đó, cán bộ sản khoa của bệnh viện còn tham gia các lớp tập huấn kiến thức cho bà đỡ dân gian, tuyên truyền, vận động và đưa các dịch vụ CSSKSS - KHHGĐ về tận thôn bản. Bên cạnh khai khác các trang thiết bị được dự án đầu tư như: Máy hút, máy thở ô xy, bóp bóng sơ sinh... những cán bộ, y, bác sỹ của khoa Sản Bệnh viện Xín Mần còn sáng tạo thiết kế đèn sưởi ấm cho sản phụ và trẻ sơ sinh. Thông thường thì người dân ở vùng cao, vùng xa đi đẻ không chuẩn bị sẵn tã lót, áo quần cho trẻ, vì cho rằng nếu chuẩn bị tã áo trước khi ra đời thì trẻ sẽ không khỏe mạnh. Các cán bộ, y tá trong khoa lại quyên góp may tã áo cho trẻ sơ sinh vừa để đảm bảo vệ sinh và giữ ấm cho trẻ, đồng thời qua việc làm cụ thể này góp phần thay đổi nhận thức và hành vi cho đồng bào về chăm sóc trẻ sơ sinh... Bằng những việc làm thiết thực đó, các sản phụ đến bệnh viện huyện và các trạm y tế xã để sinh đẻ dần tăng lên. Nếu như năm 2004 chỉ có 40% phụ nữ trên địa bàn huyện đẻ tại cơ sở y tế, thì năm 2008 tỷ lệ này là 53%, số ca sinh đẻ được cán bộ y tế trực tiếp đỡ là 85%. Hiện nay, với sự trợ giúp của tổ chức UNFPA, Bệnh viện huyện Xín Mần đã thành lập được đơn nguyên sơ sinh, phục vụ tốt hơn cho việc thực hiện mô hình “làm mẹ an toàn”.


Khắc phục những khó khăn thiếu thốn của một huyện vùng sâu, vùng xa, Bệnh viện Đa khoa huyện Xín Mần đang cố gắng nâng cao trình độ, tay nghề cho cán bộ làm công tác sản khoa, triển khai sâu rộng và hiệu quả hơn nữa mô hình “Làm mẹ an toàn”, góp phần chăm sóc sức khỏe của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.


Thu Hằng (Đài PT-TH tỉnh)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chuyên gia truyền nhiễm nói gì về bệnh cúm lợn?
Ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới thông báo về những trường hợp nhiễm cúm H1N1 ở Mexico từ lợn sang người, để có những thông tin khoa học về bệnh, ThS. Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia sẽ cung cấp cho độc giả báo Sức khỏe & Đời sống về căn bệnh này.
29/04/2009
Công tác Dân số - KHHGĐ ở huyện Vị Xuyên
HGĐT- Bước sang năm 2009, Trung tâm Dân số huyện Vị Xuyên đã chính thức được thành lập và đi vào hoạt động tương đối ổn định, công tác Dân số - KHHGĐ trên địa bàn huyện cũng đang từng bước đi vào hoạt động một cách khoa học và quy mô.
29/04/2009
Cầu Truyền hình trực tiếp về phòng chống sốt rét
HGĐT- Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống sốt rét (25.4.2009), từ 16h đến 17h ngày 26.4, Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam (VTV2) đã tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp về công tác, phòng, chống sốt rét tại hai đầu cầu Hà Nội và Hà Giang.
27/04/2009
Mô hình đào tạo “cô đỡ thôn bản”
HGĐT- Lớp đào tạo “Cô đỡ thôn bản do Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc UNFPA tài trợ kinh phí trong khuôn khổ Dự án VNM7PG0001, Sở Y tế Hà Giang trực tiếp là đơn vị tổ chức thực hiện. 14 học viên được tuyển chọn từ một số thôn bản ở 2 huyện Đồng Văn và Xín Mần.
27/04/2009