Công tác PCCC chợ và trung tâm thương mại
HGĐT- Những năm qua, nền kinh tế từng bước phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi ngày của nhân dân, các loại hình kinh doanh như: Chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa... xuất hiện ngày càng nhiều.
Thống kê hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 139 chợ các loại (trong đó có 4chợ kiên cố, 1 trung tâm thương mại, 135 chợ bán kiên cố và chợ tạm). Hầu hết các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị... đều được đầu tư xây dựng tại trung tâm thành phố, thị trấn, trung tâm hành chính, khu đông dân cư có điều kiện thuận lợi trong giao dịch và trao đổi hàng hóa.
Kiểm tra thiết bị chữa cháy tại các doanh nghiệp, nhà máy.Ảnh: Hoàng Hiền
Tuy chợ có vai trò quan trọng trong đời sống của nhân dân, song những năm qua, ở các địa phương đã có nhiều vụ cháy chợ xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của các hộ kinh doanh. Công tác PCCC chợ còn nhiều bất cập, nguy cơ cháy và cháy lớn đối với chợ luôn rình rập, đe dọa đến tính mạng, tài sản của các hộ kinh doanh và những người mua bán trong chợ. Một thực trạng đáng lo ngại là một số chợ trong tỉnh, nhất là chợ trung tâm thành phố Hà Giang đã được xây dựng từ nhiều năm trước đây, số lượng hộ kinh doanh đã gia tăng đáng kể, trữ lượng hàng hóa lớn, các hộ kinh doanh cơi nới lấn chiếm lối đi lối thoát nạn; hệ thống điện xuống cấp, các hộ kinh doanh buôn bán trong chợ chưa nghiêm túc chấp hành nội quy an toàn PCCC trong chợ... Từ đó dẫn đến các nguyên nhân gây ra cháy chợ ngày càng nhiêu như: Việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, sử dụng điện không đúng thiết kế ban đầu, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy nổ và các vi phạm quy định khác về an toàn PCCC. Lực lượng bảo vệ chợ mỏng, chưa thường xuyên tự kiểm tra công tác PCCC, canh gác, khi có cháy phát hiện chậm, gây cháy lớn, hậu quả khó lường. Bên cạnh đó, phương tiện chữa cháy tại chỗ đã cũ chưa được kiểm tra bảo dưỡng, thay thế, không đáp ứng được yêu cầu về PCCC, giao thông nguồn nước phục vụ công tác PCCC không đáp ứng yêu cầu thực tế tại các chợ, từ đó tiềm ẩn những nguy cơ cháy, nổ xảy ra lớn.
Hàng năm, Phòng Cảnh sát PCCC-CHCN đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các cấp, các ngành, tăng cường kiểm tra công tác PCCC chợ, nhằm chấn chỉnh các tồn tại thiếu sót trong công tác PCCC; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiến hành tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC đối với chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa trên địa bàn toàn tỉnh, tìm ra những ưu điểm, khuyết điểm trong công tác PCCC chợ, trung tâm thương mại, từ đó đưa ra các giải pháp kiến nghị, chấn chỉnh, khắc phục.
Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về PCCC đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay, một số tập thể, cá nhân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác PCCC; chưa nắm vững quy định cơ bản của Luật PCCC cũng như nhiều văn bản tiêu chuẩn quy định về PCCC đối với chợ và trung tâm thương mại, thậm chí còn thiếu trách nhiệm trong công tác PCCC; việc xây dựng chợ chật hẹp, hệ thống giao thông không đảm bảo, chưa đáp ứng được tình hình phát triển kinh tế, xã hội lâu dài. Đầu tư, trang bị phương tiện chữa cháy chưa đáp ứng công tác PCCC theo quy định. Lực lượng PCCCtại chỗ còn yếu, thiếu. Trong khi nhận thức về công tác PCCC của bà con tiểu thương chưa cao, kinh phí cho hoạt động PCCC chưa thỏa đáng. Từ đó, việc PCCC còn nhiều sơ suất, thiếu sót, tồn tại.
Để đảm bảo công tác PCCC đối với chợ và trung tâm thương mại, trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PCCC&CHCN tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác PCCC chợ và trung tâm thương mại, sử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nội quy, quy định về an toàn PCCC chợ, hướng dẫn các cấp các ngành, Ban quản lý các chợ, tăng cường công tác tự kiểm tra trong phạm vi trách nhiệm của mình. Đồng thời có các giải pháp chống cháy lan như: Quy định xắp xếp, bố trí hàng hóa, không để lấn chiếm lối đi, khoanh vùng chia khu vực, tạo khoảng cách ngăn cháy, xây tường ngăn cháy, có giải pháp thoát nạn cho người khi có cháy xảy ra; có hệ thông chỉ dẫn lối thoát nạn. Củng cố hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy; Công an các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các chợ khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót, ngăn chặn và hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn gây cháy, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Ý kiến bạn đọc