“Trồng người” trên mảnh đất khó

07:13, 11/09/2014

HGĐT- Những ngày qua, trời đổ mưa tầm tã khiến con đường đất huyết mạch vào trung tâm xã Đồng Tiến - xã vùng 3 của huyện Bắc Quang trở nên lầy lội và trơn như láng thêm lớp mỡ. Đi trên con đường ấy, bao thầy, cô giáo đã không tránh khỏi những cú ngã mang nặng thương tích. Rồi khi vào tới Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) Đồng Tiến, họ phải đối mặt với bao khó khăn về cơ sở, vật chất... Song, bằng tình yêu nghề và trách nhiệm cao cả trước sự trưởng thành của học trò, thầy cô đã vượt khó để gieo những “hạt giống” nhân tài cho quê hương.



   Giờ soạn bài trước khi lên lớp của các cô giáo tại phòng lưu trú chật chội.


Cần mẫn “canh tác” mảnh đất khó...

Ở Trường PTDTBT TH&THCS Đồng Tiến, tất cả thầy cô đều là giáo viên từ những miền quê khác trên địa bàn huyện chuyển về công tác. Do vậy, con đường về trường sau ngày nghỉ cuối tuần bên gia đình của thầy cô thật lắm truân chuyên. Bởi con đường ấy dốc cao, gập ghềnh đá. Những ngày trời mưa, không một thầy cô nào lại không trải qua cảnh cả người và phương tiện cùng tiếp đất. Trong số ấy, để đến trường dạy trò học chữ, cô giáo Hoàng Thị Hòa đã ngã gẫy cánh tay phải. Còn thầy Nguyễn Văn Quang không may ngã gẫy xương quai xanh,...


Về đến trường, nhà lưu trú dành cho giáo viên cũng thật xót xa. Một nửa số phòng lưu trú đã xuống cấp nghiêm trọng, trực gây nguy hiểm cho thầy cô, nhất là khi trời đổ mưa to, gió lớn. Hiện nay, nhà trường mới chỉ có 10 phòng dành cho 38 cán bộ, giáo viên ở lưu trú. Thực tế hiển nhiên, các thầy cô phải sinh hoạt gò bó từ 3-4 người/phòng, vẻn vẹn 18m2. Còn 7 giáo viên khác phải thuê phòng trọ hoặc ở nhờ nhà người quen để tiếp tục sự nghiệp phấn trắng, bảng đen. Khi mùa khô đến, thầy cô phải nhường nguồn nước mạch – dùng chung với người dân để họ sử dụng vào việc điều tiết nước tưới tiêu cho đồng ruộng. Và cảnh thiếu nước xảy đến, thầy cô tự trang bị cho mình những can nhựa để buổi tối mang xuống nhà dân, chắt từng giọt thì sáng hôm sau mới có nước sinh hoạt... Thêm vào đó, nhà trường chỉ có 2 nhà vệ sinh, dùng chung cho cả cán bộ, giáo viên và học sinh nên đôi khi nảy sinh nhiều bất tiện.


Bên cạnh đó, thật khó để hình dung hết cảnh sinh hoạt chật chội của 160 học sinh tại 7 phòng lưu trú, chưa đầy 20m2/phòng. Mà theo tính toán của nhà trường, các em cần có thêm ít nhất 13 phòng lưu trú thì mới cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Không những vậy, khu vực nhà để xe còn được thầy cô “chắp vá” để trở thành phòng lưu trú, giữ chân các em ở trường học chữ. Đặc biệt, trong năm học này, nhà trường có 290 học sinh, được chia thành 15 lớp học. Nhưng hiện nay, nhà trường chỉ có 8 phòng học nên học sinh buộc phải chia thành 2 ca học, sáng và chiều. Do vậy, niềm mong ước lớn nhất của thầy cô chính là được các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư xây dựng thêm 1 nhà, gồm 8 phòng để học sinh có thể học 1 ca. Thời gian còn lại, thầy cô sẽ dạy thêm hoặc dạy phụ đạo, giúp những em học yếu theo kịp chương trình chính khóa.


... để gieo “hạt giống” nhân tài

Một ai đó đã nói: “Rễ của việc học thì cay đắng nhưng hoa trái của nó thật ngọt ngào”. Và sự học của các em học sinh ở Đồng Tiến cũng vậy. Vượt qua bao khó khăn, các em vẫn đến trường và khá ham học. Đó là điều đáng quý. Nhưng chúng tôi còn thực sự bị chinh phục trước những tấm gương biết vươn lên nghịch cảnh, lấy sự học làm hành trang vào đời.


Bên ngôi nhà sàn đơn sơ không một vật dụng giá trị cùng câu chuyện của em Đặng Thị Sinh (thôn Buột), khiến tim chúng tôi như se lại. Bởi, em là kết quả của một tình yêu đơn phương mà mẹ dành cho cha. Thời gian sau, ngỡ tưởng em được sống trong tình yêu của mẹ, sự vun đắp thiệt thòi về tình cảm của cha dượng. Thế nhưng, cả mẹ và dượng sớm chia tay, bỏ lại quê hương, tiếp tục tìm hạnh phúc mới. Còn Sinh lớn lên trong vòng tay chăm sóc của bà ngoại; với những giấc ngủ giật mình gọi mẹ và bật khóc khi biết vòng tay mẹ âu yếm chỉ là giấc mơ... Vậy nhưng, khổ đau về mái ấm gia đình không hạnh phúc đã cho em thêm rắn rỏi cùng nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Suốt 7 năm qua, em luôn là học sinh khá, giỏi của nhà trường, được thầy cô, bạn bè thương mến. Đặc biệt, Sinh vẽ tranh khá đẹp và đang nuôi ước mơ trở thành họa sỹ... Tạm biệt Sinh nhưng lời em nói vẫn còn vang mãi trong tâm trí chúng tôi, ấm áp lạ kỳ: “Hứa với chị, nhất định một ngày nào đó, em sẽ thi đỗ đại học!”.


Nhân vật thứ 2 chúng tôi gặp là em Lý Văn Bảo (thôn Cổng Đá). Em đã để lại niềm cảm phục nhưng cũng khéo lấy đi của chúng tôi những giọt nước mắt... Bảo cất tiếng khóc chào đời đã không biết cha mình là ai. Lên 1 tuổi, trong một lần đi xúc cá bên bờ suối, mẹ của Bảo phát bệnh động kinh, đã vĩnh viễn rời bỏ em khi giỏ cá nấu bữa ăn chiều chưa kịp trút đầy. Và Bảo lớn lên trong sự chăm sóc đầy thiếu thốn của bà ngoại cùng 2 cậu thường xuyên đau ốm. Ở tuổi lên 10 này, Bảo đã biết phụ giúp bà: Tự giặt quần áo, nấu ăn, chăn trâu thậm chí là cấy lúa,... Khó khăn, bất hạnh là vậy, nhưng: “Năm học nào em cũng được học sinh tiên tiến đấy! Em sẽ học giỏi hơn nữa để bà và cậu bớt khổ. Vì thầy giáo em bảo như vậy đấy, chị ạ!”, Bảo khoe...


Trên mảnh đất “trồng người” ở Đồng Tiến, chúng tôi gọi thầy, cô giáo là những “anh hùng” của thời bình. Vì họ đã biến những gian khổ thành nụ cười để chấp nhận nó như một phần tất yếu của công tác dạy và học ở xã đặc biệt khó khăn. Còn với các em học sinh, dù thành tích học tập của các em không thể đem so sánh với những bạn bè cùng trang lứa, được học ở ngôi trường tốt, được sống trong mái ấm gia đình hạnh phúc. Nhưng chúng tôi cảm phục các em bởi nghị lực sống, vượt trên nghịch cảnh để thắp sáng những ước mơ cao đẹp...


THU PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tình nguyện ở xã đặc biệt khó khăn để xây dựng nông thôn mới
Nhiều trí thức trẻ là đội viên của Dự án 600 phó chủ tịch xã mong muốn được ở lại những xã đặc biệt khó khăn để giúp địa phương phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới.
31/08/2014
Phường Minh Khai - 20 năm xây dựng và phát triển
HGĐT - Phường Minh Khai nằm ở phía Nam thành phố Hà Giang (TPHG), giáp các phường: Trần Phú, Nguyễn Trãi, xã Ngọc Đường, xã Phú Linh và xã Kim Thạch (Vị Xuyên). Phường Minh Khai cùng với TPHG là vùng đất có lịch sử lâu đời.
29/08/2014
Đại hội Chi đoàn Báo Hà Giang nhiệm kỳ 2014 – 2017
HGĐT- Ngày 28.8, Chi đoàn Báo Hà Giang đã tổ chức Đại hội lần thứ XV, nhiệm kỳ 2014 - 2017. Đến dự đại hội có các đồng chí: Lê Trọng Lập, Tỉnh ủy viên, Bí thư Chi bộ, Tổng Biên tập Báo Hà Giang; các đồng chí trong Ban biên tập, Trưởng, Phó các phòng nghiệp vụ và các đoàn thể; đại diện Đoàn Khối các cơ quan tỉnh và Đồn Biên phòng Thanh Thủy.
29/08/2014
Cải cách hành chính cần quyết liệt từ cơ sở
HGĐT- Chương trình cải cách tổng thể nền hành chính Nhà nước đang được tỉnh ta nỗ lực triển khai với mục tiêu tạo sự thuận lợi, minh bạch, nhanh chóng trong giải quyết công việc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Sự vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt của các cơ quan Nhà nước thời gian qua đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình CCHC. Tuy nhiên, sự chuyển
11/09/2014