Nỗi lo giao thông mùa mưa, lũ
HGĐT- Vào tháng cao điểm mùa mưa, lũ như hiện nay, người dân 2 xã Đồng Tiến, Thượng Bình (Bắc Quang) phải “đánh vật” với những con đường “khổ ải” để có thể di chuyển. Đặc biệt, có đoạn đường buộc phải qua suối sâu, rộng với dòng nước chảy xiết, trở thành nỗi lo thường trực cho bao người. Tại đây, họ phó mặc sự may rủi của mình vào chiếc mảng chòng chành, khi không có bất cứ một phương tiện bảo hộ nào để tham gia giao thông đường thủy.
Đồng Tiến là xã vùng 3 duy nhất của huyện Bắc Quang chưa có đường nhựa vào đến trung tâm xã. Tại đây, để đi đến các địa điểm khác trên địa bàn huyện, người dân có 2 sự lựa chọn chủ yếu: Nếu đi đường liên xã Đồng Tiến – Đồng Tâm, thì đây là con đường huyết mạch của xã nhưng nhiều dốc cao, lởm chởm đá nhỏ, to cùng suối sâu chắn lối người tham gia giao thông. Đoạn đường nào may mắn không có dốc, đá trơn trượt thì cũng gặp những vũng sình lầy, lún sâu sau mỗi trận mưa, khiến nhiều phương tiện khó di chuyển. Ngày trời mưa, tội nhất là các em mẫu giáo, học sinh tiểu học, trượt chân ngã xuống đường, đành nghỉ buổi học, trở về nhà vì quần áo lấm lem bùn, đất... Để tránh “khổ ải” trên, đa phần người dân chuyển sang đường nhựa liên xã Đồng Tiến – Thượng Bình để di chuyển. Nhưng trở ngại lớn nhất trên con đường này chính là đoạn qua suối Sảo, thuộc thôn Trung (xã Thượng Bình). Với chiều dài trên 30m so với mặt đường và mực nước sâu dưới 2m (vào mùa khô), suối Sảo không chỉ là trở ngại đối với người dân xã Đồng Tiến mà trực tiếp ảnh hưởng đến việc qua lại thường xuyên của 38 hộ dân thuộc Đội 2, thôn Trung. Những ngày không có lũ hoặc vào mùa khô, một vài hộ dân sống quanh khu vực suối Sảo, bắc “cầu mảng” và dùng mảng đưa, đón khách qua suối khi lũ về, rồi nhận thù lao từ 2-10.000 đồng/lượt... Tại đây, đầu mảng được buộc bằng dây sắt, nối với sợi dây thép kéo ngang qua suối (đã cố định 2 đầu dây ở 2 bên bờ suối vào những cây gỗ) và hoạt động theo nguyên tắc bánh xe ròng rọc, chuyển động trên sợi dây thép. Đồng thời, 2 bên điểm đầu của mảng có 2 đoạn dây được buộc cố định với những cây cột bên bờ suối; chủ phương tiện chỉ cần đứng trên mảng hoặc trên bờ kéo mảng, đưa khách qua suối. Tuy nhiên, sợi dây kéo này khá nhỏ, khiến nhiều người lo lắng nếu không may dây đứt, dẫn đến tai nạn bất ngờ. Và đặc biệt, lật mảng, nghiêng mảng là điều không tránh khỏi khi nước qua đoạn suối này chảy xiết.
Thực tế chứng minh, việc đi mảng qua suối Sảo mùa mưa, lũ trở thành nỗi ám ảnh cho bao người. Chị Nông Thị Lệ (xã Đồng Tiến) chia sẻ: Hôm ấy, khi ra đến giữa suối, đuôi mảng mắc vào đá, còn người kéo ở đầu mảng (đứng trên bờ) ra sức kéo, khiến mảng bị nghiêng và có dấu hiệu chìm. Lúc này, gia đình chị Lệ (gồm vợ chồng và 2 con nhỏ) hốt hoảng khi nghĩ đến cảnh người và xe máy sẽ rơi xuống dòng nước sâu. Nhưng đúng lúc ấy, đuôi mảng trượt khỏi đá nên gia đình chị may mắn thoát nạn. Còn anh Tô Đình Phóng (thị trấn Việt Quang) không may mắn như gia đình chị Lệ. Khi bước lên mảng, do nước chảy xiết và đuôi mảng mắc vào vật cản, khiến phương tiện bị lật, hất anh cùng xe máy xuống dòng nước xiết. “Cũng may, mảng bị lật khi mới cách bờ chừng 3m nên chủ mảng và người dân nhanh chóng tìm được xe máy cho tôi. Còn nếu đi mảng ra đến giữa dòng nước lũ thì mất tài sản rồi. Hơn nữa, tôi là người biết bơi và giữ được thái độ bình tĩnh khi xử lý tình huống nên mới thoát nạn. Nhưng nếu là người không biết bơi, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ, người có tuổi sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng”, anh Phóng nhớ lại. Qua lần gặp nạn ấy, anh Phóng chia sẻ kinh nghiệm của mình cho nhiều người khác: Khi qua mảng, tốt nhất nên tắt điện xe máy, không đội mũ bảo hiểm và đeo ủng chân. Bởi những vật này sẽ gây nguy hiểm hoặc trở thành vật cản thoát thân nếu không may rơi xuống dòng nước sâu, chảy xiết... Và đó chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp gặp nạn khi đi qua mảng. Còn khi mưa kéo dài, lũ dâng cao là lúc người dân chấp nhận cảnh cô lập, không dám qua mảng, bởi nhiều hiểm họa khó lường.
Song hành cùng mùa mưa là nỗi lo thiếu an toàn khi tham gia giao thông của bao thế hệ người dân 2 xã Thượng Bình, Đồng Tiến. Đặc biệt, vào thời điểm này, đoạn đường qua suối Sảo có biết bao học sinh trong độ tuổi từ mẫu giáo đến trung học phổ thông của xã Thượng Bình phải thường xuyên qua suối để đến trường học... Và mong muốn được đi trên con đường thuận tiện, qua suối an toàn là ước muốn cấp thiết của người dân, cần được các cấp chính quyền địa phương đặc biệt lưu tâm.
Ý kiến bạn đọc