Làng nghề chế tác khèn Mông Hố Quáng Phìn tạo thu nhập cho lao động nhàn rỗi

10:26, 10/09/2014

HGĐT- Người Mông có rất nhiều loại nhạc cụ truyền thống, tuy nhiên cây khèn vẫn là một trong những nhạc cụ mà được người Mông yêu thích và gắn bó nhất. Cũng vì điều đó mà hiện nay nhiều khách du lịch đã lựa chọn cho mình cây khèn Mông làm vật kỷ niệm mỗi khi lên Cao nguyên đá. Và nghề làm khèn Mông đã mang lại nguồn thu đáng kể cho nghệ nhân chế tác, góp phần xóa đói giảm nghèo, giữ gìn nghề truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, nghề làm khèn Mông vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vùng nguyên liệu, thương hiệu…



Ông Mua Sính Pó ở thôn Tả Cồ Ván, xã Hố Quáng Phìn (Đồng Văn) đang làm khèn.


Xã Hố Quáng Phìn cách trung tâm huyện Đồng Văn hơn 40 km, là một xã nội địa có điều kiện kinh tế khó khăn, trong xã có làng nghề chế tác khèn Mông ở thôn Tả Cồ Ván, đây là nơi có hơn 30 năm truyền thống làm nghề chế tác khèn. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hố Quáng Phìn, Lầu Mí Thàng, cho biết: “Nhờ có sự phát triển của du lịch, đường sá, phương tiện giao thông thuận lợi mà cây khèn Mông được nhiều người biết đến. Hiện nay, cả thôn Tả Cồ Ván có 31 hộ làm khèn, thu nhập trung bình khoảng từ 3 – 4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do các hộ có đông người, đất sản xuất ít nên tỷ lệ hộ nghèo ở thôn Tả Cồ Ván còn cao”. Được biết, số lượng khèn làm ra hàng tháng tại đây thường không đủ cung cấp cho thị trường. Muốn sở hữu một cây khèn thì khách phải đặt trước cả tháng trời mới có vì hầu hết sản phẩm đều có chủ buôn đặt hàng từ nhiều tháng trước.

Tới thăm nghệ nhân Mua Sính Pó, 63 tuổi, chúng tôi được chia sẻ: “để làm ra một cây khèn đẹp, thân sáng bóng, âm thanh phát ra to thì mất khoảng 2 ngày. Người chế tác phải làm thủ công tất cả các công đoạn từ đẽo gọt thân khèn, làm ống khèn, rèn lưỡi gà… 1 cây khèn hoàn thiện có giá là 400 - 500 nghìn đồng/cái, 1 tháng trung bình làm được 10 cây khèn cho thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Bây giờ bán khèn thuận lợi hơn trước vì hàng tháng đều có khách đến tận nhà đặt hàng. Song thu nhập chỉ đủ sống vì phải lo cho cuộc sống của cả nhà”. Nhờ đường giao thông thuận tiện nên thị trường của cây khèn đã mở rộng ra, được bán ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, tỉnh Cao Bằng và Trung Quốc.


Nói về sự phát triển của nghề chế tác khèn, ông Mua Chứ Sì, 59 tuổi, cho biết: “Tôi học làm khèn từ khi 15 tuổi, cây khèn nó gắn với cuộc sống của người Mông. Ngày xưa một cây khèn chỉ có giá từ 20 – 30 đồng, bây giờ giá của cây khèn là từ 400 – 500 nghìn đồng/cái, làm đến đâu hết đến đấy, ngồi nhà cũng bán được không phải ra chợ nữa.” Cùng với sự phát triển của du lịch, giao thông mà Làng nghề chế tác khèn ở Hố Quáng Phìn được nhiều người biết đến, mang lại thu nhập lúc nhàn rỗi, thậm chí giúp nhiều hộ thoát nghèo.


Dù đang mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ, song người chế tác khèn ở đây còn trăn trở vì thiếu nguồn nguyên liệu tại chỗ. Để có thể chế tác được cây khèn bà con trong xóm phải đặt mua từ Yên Minh, Quản Bạ các loại nguyên liệu như: Thanh trúc, vỏ cây đào rừng, gỗ pơ mu, đồng làm lưỡi gà. Một vấn đề nữa là nghệ nhân làm khèn ở đây đều đã cao tuổi, ông Mua Chứ Sì, tâm sự: “để nghề chế tác khèn phát triển thì chỉ hy vọng vào lớp trẻ yêu nghề, yêu truyền thống của dân tộc. Nhưng người trẻ bây giờ không chuyên tâm vào việc học nghề mấy”. Hơn nữa, do các hộ chế tác khèn một cách nhỏ lẻ nên khó kiểm soát về mặt chất lượng; các dụng cụ làm khèn đều thô sơ khiến thời gian làm sản phẩm còn chậm.


Đề cập đến giải pháp phát triển làng nghề, Phó Chủ tịch UBND xã Hố Quáng Phìn, Lầu Mí Thàng, cho biết: “Để duy trì làng nghề tại thôn Tả Cồ Ván những năm qua xã đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện mở các lớp nghề tại chỗ cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, xã cũng mong muốn các cấp, ngành liên quan giúp quảng bá, đưa cây khèn Hố Quáng Phìn trở thành sản phẩm có thương hiệu trên thị trường. Có chính sách hỗ trợ ban đầu cho các hộ làm bao bì, hộp đựng khèn để vận chuyển đi xa. Đề nghị huyện, tỉnh có chính sách hỗ trợ quy hoạch vùng trồng nguyên liệu tại chỗ để đảm bảo việc chế tác khèn bền vững”. Tin rằng, nếu làng nghề phát triển được sẽ giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, tránh được tình trạng người lao động đi sang Trung Quốc làm thuê trái phép, giữ được nghề truyền thống của địa phương.


Lê Hải

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tình nguyện ở xã đặc biệt khó khăn để xây dựng nông thôn mới
Nhiều trí thức trẻ là đội viên của Dự án 600 phó chủ tịch xã mong muốn được ở lại những xã đặc biệt khó khăn để giúp địa phương phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới.
31/08/2014
Đoàn công tác của Tổ chức JICA (Nhật Bản) làm việc với Nhóm công tác Dự án Phòng chống mua bán người tỉnh Hà Giang
HGĐT - Chiều 27.8, Đoàn công tác của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (gọi tắt là Tổ chức JICA), đơn vị tài trợ cho tỉnh thực hiện Dự án “Đường dây nóng phòng, chống mua bán người (PCMBN) tỉnh Hà Giang” đã có buổi làm việc với Nhóm công tác Dự án PCMBN tỉnh Hà Giang.
29/08/2014
Đại hội Chi đoàn Báo Hà Giang nhiệm kỳ 2014 – 2017
HGĐT- Ngày 28.8, Chi đoàn Báo Hà Giang đã tổ chức Đại hội lần thứ XV, nhiệm kỳ 2014 - 2017. Đến dự đại hội có các đồng chí: Lê Trọng Lập, Tỉnh ủy viên, Bí thư Chi bộ, Tổng Biên tập Báo Hà Giang; các đồng chí trong Ban biên tập, Trưởng, Phó các phòng nghiệp vụ và các đoàn thể; đại diện Đoàn Khối các cơ quan tỉnh và Đồn Biên phòng Thanh Thủy.
29/08/2014
Phường Minh Khai - 20 năm xây dựng và phát triển
HGĐT - Phường Minh Khai nằm ở phía Nam thành phố Hà Giang (TPHG), giáp các phường: Trần Phú, Nguyễn Trãi, xã Ngọc Đường, xã Phú Linh và xã Kim Thạch (Vị Xuyên). Phường Minh Khai cùng với TPHG là vùng đất có lịch sử lâu đời.
29/08/2014
Chi tiết Song chắn rác Composite uy tín