Báo động tai nạn thương tích trẻ em ở Mèo Vạc

08:20, 16/09/2014

HGĐT- Chỉ tính riêng trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay, huyện Mèo Vạc đã có 6 người thiệt mạng do ngộ độc bánh trôi ngô mốc, ăn quả rừng và đuối nước, trong đó có 5 trẻ em. Con số này một lần nữa cho thấy tình trạng tai nạn thương tích trẻ em (TNTTTE) ở địa phương đang ở mức “báo động”. Hơn lúc nào hết, cần phải nhìn nhận lại hiệu quả công tác tuyên truyền cũng như trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc quan tâm, kiểm soát tình trạng này.


Thực trạng đau lòng

Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của huyện Mèo Vạc đạt nhiều kết quả thiết thực. Tuy nhiên, theo nhận định của UBND huyện Mèo Vạc thì hiện nay, tình trạng TNTTTE có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trẻ em bị đuối nước, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do gia đình, người lớn hoặc chính trẻ em thiếu kiến thức về phòng ngừa tai nạn thương tích (TNTT). Trên thực tế, Mèo Vạc là địa phương giao thông đi lại khó khăn, nhiều núi cao, vực sâu, trình độ dân trí còn hạn chế nên tình hình trẻ em bị tai nạn như: ngã, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đặc biệt là ngộ độc, đuối nước sông, suối, mưa lũ, hồ chứa nước là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất cho nhóm trẻ và vị thành niên (từ 0 – 18 tuổi). Mặc dù vậy, nhận thức của xã hội và người dân về vấn đề này còn quá nhiều hạn chế, thậm chí cha mẹ, người chăm sóc trẻ thiếu kỹ năng sơ, cấp cứu ban đầu khi trẻ bị tai nạn. Bên cạnh đó, việc quản lý, giám sát của gia đình chưa chặt chẽ, trẻ em thiếu sự quan tâm, chăm sóc, nhất là trong thời gian nghỉ hè. Không nói đâu xa, ngay trong những ngày đầu tháng 8.2014, có tới 3 trẻ em ở xã Sơn Vĩ đi chăn dê đã ăn quả dại trên rừng khiến cho 2 cháu tử vong.



Lãnh đạo ngành y tế huyện Mèo Vạc kiểm tra quả rừng gây tử vong cho hai cháu ở xã Sơn Vĩ.


Theo tìm hiểu, mặc dù nhiều trẻ em không biết bơi, không biết ứng phó khi có nguy cơ bị đuối nước nhưng rất nhiều trẻ em thường chơi gần sông, suối, hồ chứa nước. Trong khi đó, các bậc phụ huynh cũng không dạy hoặc không thể cho các em học bơi vì không có điều kiện. Môi trường sống xung quanh trẻ em còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là hệ thống sông, suối, hồ chứa nước vào mùa mưa, nước dâng cao. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhiều hoạt động để giảm thiểu nguy cơ tai nạn này. Mới đây nhất, nghịch cảnh xảy ra khi mưa to gây lũ ống ngay tại thị trấn Mèo Vạc nhưng không gây thiệt hại về người. Vậy mà, từ sự thiếu quan tâm của gia đình đã khiến cháu Và Mí Nô (9 tuổi), ở thôn Chúng Pả A, thị trấn Mèo Vạc tử vong do đuối nước khi chơi đùa ở cạnh hố nước sâu.


Trách nhiệm thuộc về ai?

Trong khi các gia đình có trẻ bị nạn đã phải rơi những giọt nước mắt ân hận muộn màng thì không thể không nói đến trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng và nhất là người dân khi chưa thực sự quan tâm tới công tác phòng, chống TNTTTE. Đồng thời, cho thấy thực tế kém hiệu quả trong công tác tuyên truyền tới cộng đồng về kiến thức phòng, chống TNTTTE; thiếu các tài liệu hướng dẫn kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Việc dạy bơi cho trẻ em chưa được triển khai rộng rãi trên địa bàn các xã. Cán bộ thể dục, thể thao, giáo viên thể dục trong các nhà trường chưa được tập huấn các kỹ năng dạy bơi cho trẻ em, chưa hình thành được chương trình đào tạo cụ thể. Các xã, thị trấn, đơn vị trường học không có cơ sở vật chất dạy bơi cho trẻ. Mạng lưới cán bộ làm công tác chăm sóc trẻ em vừa thiếu lại không ổn định, chưa có chính sách hỗ trợ trẻ em bị TNTT. Thậm chí, các văn bản liên quan đến các quy định về phòng, chống TNTT cho trẻ còn chưa đầy đủ, việc thực thi còn nhiều hạn chế. Điều này có thể thấy rõ qua việc UBND huyện Mèo Vạc xây dựng Kế hoạch số 60, ngày 9.5.2014 về việc phòng, chống TNTTTE giai đoạn 2014 – 2015, nhưng ngay những tháng sau đó lại liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc, đuối nước làm 5 trẻ tử vong. Sau các vụ việc, một câu hỏi đặt ra: Phải chăng sự thờ ơ của các cấp, các ngành và người dân là một phần nguyên nhân dẫn đến những vụ việc thương tâm?.


Theo Kế hoạch của UBND huyện Mèo Vạc, huyện đã đưa ra mục tiêu chung cũng như mục tiêu cụ thể đến năm 2015 với các nội dung và giải pháp thực hiện khá toàn diện; phân công các ban, ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện một cách rất chi tiết nhằm hạn chế tới mức thấp nhất trẻ em tử vong do TNTT gây ra. Tuy nhiên, để thực sự mang lại hiệu quả, rất cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện và hiểu rõ vai trò “trẻ em hôm nay – thế giới ngày mai”!


KIM TIẾN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bão Kalmaegi ảnh hưởng đến miền Bắc Việt Nam
Sau khi đi vào biển Đông, bão Kalmaegi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến miền Bắc Việt Nam vào đêm 16, rạng 17/9; trong đó khu vực trọng tâm là Quảng Ninh - Hải Phòng.
15/09/2014
Trạm xử lý nước sông Miện còn nhiều bất cập trong việc bảo vệ môi trường
HGĐT - Sự cố rò rỉ khí Clo tại Trạm xử lý nước sông Miện của Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Hà Giang vào ngày 3.9, làm ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu và sức khỏe của người dân sống xung quanh khu vực nhà máy. Vụ việc xảy ra đã cho thấy nhiều bất cập của Công ty trong việc xử lý khí thải độc hại cũng như nước thải sau xử lý ra môi trường.
15/09/2014
Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hà Giang lần thứ IV, nhiệm kỳ 2014 - 2019
HGĐT- Với chủ đề “Đoàn kết, thống nhất, bùng nổ, sáng tạo, quyết tâm thoát nghèo”, Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hà Giang lần thứ IV, nhiệm kỳ 2014 - 2019 đã diễn ra trong hai ngày 12 - 13.9.
14/09/2014
Cơ hội vươn lên cho những hộ nghèo, hộ cận nghèo
HGĐT- Xác định ngành chăn nuôi luôn đóng vai trò quan trong việc nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho người dân. Những năm qua, huyện Hoàng Su Phì luôn thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về cây trồng, vật nuôi để người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; trong đó; có chương trình hỗ trợ trâu, bò cái sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo để phát triển
12/09/2014