Thiếu nước ngay cả... mùa mưa
HGĐT- Ngỡ tưởng việc gùi nước chỉ xảy ra nơi vùng Cao nguyên đá vào mùa khô hạn. Nhưng hình ảnh chắt từng giọt, gùi từng can hoặc nhiều hộ chung nhau sử dụng 1 giếng nước... ao lại trở thành hình ảnh có thực tại thôn vùng 3 – Nà Pia, xã Thượng Bình (Bắc Quang), ngay cả khi thời tiết đã vào mùa mưa.
Thời điểm thiếu nước bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 6 năm sau, thậm chí kéo dài sang tận đầu tháng 8, khiến Nà Pia không chỉ thiếu nước sản xuất mà còn thiếu cả nước sinh hoạt. Hiện, thôn Nà Pia có 18 ha lúa nhưng chỉ có 9 ha cấy được 2 vụ/năm. Và thành, bại của vụ lúa Mùa phụ thuộc vào nguồn nước mưa từ trời đổ xuống. Bởi, những mạch nước ngầm ở Nà Pia vốn đã hiếm lại thấp hơn chân ruộng nên người dân khó khắc phục, để dẫn nước vào ruộng. Thêm vào đó, hệ thống kênh, mương thủy lợi cũng khó có thể hình thành để điều tiết nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nồi trở thành vật chứa từng gùi nước, còn bể khô cạn chờ mưa.
Thôn Nà Pia có 37 hộ dân với 213 nhân khẩu. Tại những nơi thuận tiện nhất về nguồn nước, các hộ được chia thành nhóm riêng để sử dụng nước. Trong đó, có 2 nhóm sử dụng mạch nước ngầm chung với 2 gia đình khác. 1 nhóm sử dụng nước ngầm dẫn từ xã Bằng Hành về thôn. Nhóm này được Nhà nước đầu tư hệ thống bể chứa nước, dẫn từ đầu nguồn về đến các hộ dân. Nhưng nhiều năm nay, lòng bể đầu nguồn đã rò rỉ, không đủ nước điều tiết đến nhiều bể khác. Do vậy, người dân phải mua dây dẫn nước từ vị trí phía trên bể đầu nguồn vào các bể còn lại, để nhiều gia đình có nước sử dụng. Song, cách làm tình thế này không đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho các hộ như khi hệ thống bể chứa hoạt động bình thường. Và chi phí mua dây dẫn nước khá tốn kém, gây trở ngại đối với người dân thôn vùng 3 Nà Pia. Khi dây dẫn liên tục hư hỏng và đoạn đường từ nguồn nước về đến nhiều nhà dân dài hàng cây số... Khác với những nhóm trên, nhóm thứ 4 (gồm 7 hộ) không có mạch nước ngầm và bể chứa nước nên họ phải sử dụng giếng để có nước sinh hoạt. “Gọi là giếng cho sang, chứ thực chất đó là nguồn nước thẩm thấu từ ao vào khung giếng, tạo thành giếng nước... ao”, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Thượng Bình, Sùng Trần Vư giải thích. Trước đó, các hộ này đã đào giếng để lấy nước nhưng không có mạch nước ngầm nên giếng trở thành giếng cạn. Sau đó, họ đào bên cạnh giếng một chiếc ao lớn và chờ những cơn mưa đọng lại, để có nước thẩm thấu từ ao vào giếng. Qua quá trình thẩm thấu, nước giếng trong hơn nước ao, giúp người dân bớt nỗi lo khi đánh liều sử dụng. Đến mùa khô: “Nước trong giếng đục không khác gì nước ao nhưng vẫn phải sử dụng. Không dùng thì biết lấy nước ở đâu?”...
Ở Nà Pia, hầu như gia đình nào cũng xây bể chứa nước kiên cố nhưng gần như bỏ không. Thay vào đó, họ sử dụng những vật chứa nước nhỏ hơn như: Nồi, chum, vại cho phù hợp với việc chứa từng gùi nước... Bên nguồn nước mạch chảy li ti, anh Sùng Seo Di thở dài: “Nước ở đây hiếm lắm. Nhiều nhà dùng chung nên phải thật tiết kiệm mới đủ dùng vào việc nấu ăn, đun nước uống và tắm. Chứ còn việc giặt giũ quần áo, phải sử dụng một mạch nước khác, ở cuối cánh đồng kia kìa”. Theo tay anh chỉ thì cánh đồng ấy cách nhà anh Di khoảng 600m. Ở đó, mạch nước được xem là lớn nhất, so với một vài mạch nước khác của thôn. Nhưng chỉ là vũng nước nhỏ, thấp hơn cánh đồng, chảy ra từ ngầm đá và hẹp ngang nên việc mở rộng diện tích xung quanh mạch nước khó có thể thực hiện được.
Rời Nà Pia, hình ảnh thiếu nữ người Mông tranh thủ giờ nghỉ giữa buổi làm ruộng, gùi nước về nhà để có nước nấu bữa cơm chiều; những em bé dội nước tắm không đủ mát cơ thể ngày hè oi ả hay câu thở than của nhiều người, khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng: “Người ta có nước sạch để sử dụng, còn chúng tôi chỉ mong có nước hợp vệ sinh để uống. Nhưng làm thế nào mới có được chứ?”...
Ý kiến bạn đọc