Quy hoạch cấp nước và VSMT nông thôn giải quyết căn bản nhu cầu bức thiết của người dân

07:39, 26/08/2014

HGĐT- Trên 3 nghìn tỷ đồng đầu tư cho chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường (VSMT) nông thôn từ nay đến 2020... là thông tin quan trọng thể hiện trong Quy hoạch cấp nước sạch và VSMT nông thôn vừa được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, sẽ có thêm hàng trăm nghìn hộ dân vùng nông thôn, vùng cao, vùng sâu được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh và môi trường sống tốt hơn.



Hồ chứa nước Quyết Tiến (Quản Bạ) được đầu tư, nâng cấp bằng nguồn ngân sách góp phần cấp nước sạch, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.


Có nước sạch sử dụng hàng ngày, được sống trong môi trường trong lành là nguyện vọng chính đáng, ước mơ cháy bỏng của bao thế hệ người dân Hà Giang. Thấu hiểu niềm khát khao, mong mỏi đó, dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nguồn thu ngân sách eo hẹp, trong khi đó có rất nhiều việc phải làm, nhiều lĩnh vực phải đầu tư, nhưng tỉnh ta luôn quan tâm, thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG Nước sạch và VSMT nông thôn. Cùng với nguồn vốn đầu tư của T.Ư, mỗi năm tỉnh cũng dành nhiều tỷ đồng thực hiện các mục tiêu xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt, các công trình vệ sinh và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.


Kết thúc 2 giai đoạn của Chương trình MTQG Nước sạch và VSMT nông thôn, trên địa bàn tỉnh có hơn 58% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 12% sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn Việt Nam. Mặc dù tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chưa đáp ứng mục tiêu chung, nhưng nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh nguồn nước, công trình cấp nước được cải thiện rõ rệt. Sau nhiều năm kiên trì, bền bỉ thực hiện các mục tiêu về nước sạch, đến nay toàn tỉnh có gần 36 nghìn giếng đào, gần 500 giếng khoan, trên 20 nghìn lu, bể chứa nước mưa, gần 170 công trình cấp nước tập trung... cung cấp nước sạch cho hàng trăm nghìn người dân.


Đối với mục tiêu nhà hợp vệ sinh, kết quả điều tra, khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, khu vực nông thôn hiện có 42.519 nhà tiêu hợp vệ sinh, chiếm gần 29%; khoảng 78% hộ chăn nuôi gia súc, nhưng chỉ trên 30% có chuồng trại hợp vệ sinh. Ở nhiều vùng nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn, tập quán lạc hậu, trình độ hiểu biết của người dân về VSMT và chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh còn nhiều hạn chế. Vì vậy, có nhiều chuồng trại được xây dựng gần nhà hoặc ngay dưới sàn nhà gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến sức khỏe, đe dọa ô nhiễm môi trường. Kết quả khảo sát mới đây cũng cho thấy, toàn tỉnh có 587 trường học các cấp, trong đó 501 trường có nguồn nước và nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt trên 85%; 165 trạm y tế xã đảm bảo nguồn nước và nhà tiêu theo hợp vệ sinh, chiếm gần 87%.


Hoạt động cấp nước sạch và VSMT nông thôn thời gian qua phát triển khá toàn diện, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức, cần phải nhìn nhận rõ, từ đó có định hướng phát triển tốt hơn. Hiện nay, xu hướng ấm lên của khí hậu toàn cầu làm gia tăng tần suất, mức độ các hiện tượng thiên nhiên cực đoan, kéo theo suy giảm nghiêm trọng nguồn nước, thay đổi môi trường sinh thái, cũng như mất dần khả năng kiểm soát nguồn nước. Việc đầu tư, xây dựng không hướng tới phát triển bền vững dẫn đến môi trường sống bị ảnh hưởng, thất thoát nguồn nước, suy giảm chất lượng. Bên cạnh đó, nguồn lực cho quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường còn yếu và thiếu, chưa được quan tâm đều khắp, chủ yếu dừng lại ở việc đào tạo, hướng dẫn cán bộ vận hành hệ thống cấp nước tập trung. Mô hình và cơ chế quản lý, khai thác công trình cấp nước chưa hiệu quả, thiếu bền vững, phương thức hoạt động mang tính phục vụ, chưa chuyển sang dịch vụ...


Chương trình MTQG Nước sạch và VSMT nông thôn đang tiếp tục triển khai giai đoạn III từ 2011-2015. Với sự quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo của Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các ngành liên quan... chương trình đã đạt được những thành quả quan trọng. Mục tiêu cấp nước hợp vệ sinh cho người dân nông thôn, cấp nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh cho các trường học cơ bản đã đạt kế hoạch, chất lượng môi trường nông thôn được cải thiện. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra, các vấn đề vệ sinh hộ gia đình, vệ sinh môi trường nông thôn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.


Nhằm thực hiện tốt mục tiêu của giai đoạn tới, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2015, có 70% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, với định mức bình quân 50 lít/người/ngày, trong đó có 30% đạt các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành; 50% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh; 45% có chuồng trại chăn nuôi hợp quy cách, xử lý được chất thải; tất cả các trường học, bệnh viện, trạm xá, chợ và công trình công cộng ở nông thôn có nước tương đối sạch và giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ. Đến năm 2020, có 90% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, định mức bình quân 60 lít/người/ngày, trong đó có 50% đạt các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành; 70% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, có chuồng trại chăn nuôi hợp quy cách, xử lý được chất thải. Mỗi người dân tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực tham gia chống ô nhiễm, bảo vệ chất lượng nguồn nước.


Để đạt được mục tiêu trên, từ nay đến 2020 trên địa bàn các vùng nông thôn sẽ được đầu tư nâng cấp, sửa chữa 290 công trình cấp nước tự chảy, làm mới 236 công trình; xây dựng mới 289 hồ chứa nước, 10.967 giếng khoan, giếng đào; 86 công trình cấp nước và vệ sinh các trường học, 25 công trình tại trạm y tế, 74.731 nhà tiêu hộ gia đình, 11.210 nhà tiêu tự hoại, 48.653 chuồng trại chăn nuôi... Tổng nguồn vốn thực hiện trên 3 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách đầu tư trên 2,7 nghìn tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 393 tỷ đồng, các nguồn quốc tế hỗ trợ trên 173 tỷ đồng.


Quy hoạch cấp nước sạch và VSMT nông thôn từ nay đến 2020 với hàng loạt các công trình được đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa sẽ giải quyết được các vấn đề bức xúc về nước sạch, VSMT nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và đang được người dân rất kỳ vọng.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Báo Hà Giang tuyên truyền cho nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững ở địa bàn vùng cao biên giới
(Tham luận tại Hội thảo “Báo chí vì sự phát triển bền vững vùng dân tộc, miền núi”, tổ chức ngày 21.8 tại tỉnh Tuyên Quang)
26/08/2014
Nơi tập hợp, phát huy sức mạnh của tuổi trẻ huyện Yên Minh
HGĐT- Huyện Yên Minh có gần 27.000 thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30, trong đó có 8.630 Hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN). Đây là lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, lực lượng thanh niên trên địa bàn huyện thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, chương trình công tác, qua
26/08/2014
Xã Thanh Đức: Tai nạn đuối nước làm 1 người chết, 1 người mất tích
HGĐT - Vào khoảng 16 giờ 30 phút, ngày 24.8, tại thôn Nặm Lạn, xã Thanh Đức (huyện Vị Xuyên) đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm làm 1 người chết, 1 người mất tích.
25/08/2014
Đồn Biên phòng Xín Mần: Tiếp nhận 5 người đi lao động và xuất - nhập cảnh trái phép
HGĐT - Vào lúc 9 giờ, ngày 24. 8, Đồn Biên phòng Xín Mần đã tiếp nhận 5 người dân đi lao động và xuất - nhập cảnh trái phép do Công an Trung Quốc trao trả. 5 người đều là nữ, gồm: 3 người ở huyện Xín Mần, 2 người ở huyện Hoàng Su Phì.
25/08/2014