Nhọc nhằn thôn vùng biên Xín Chải
HGĐT- Ngược nắng, gió, ngược dốc cao để đến thôn vùng 3 biên giới Xín Chải, xã Minh Tân (Vị Xuyên) thật không dễ. Ở nơi ấy, những ngôi nhà trình tường đơn sơ của 44 hộ đồng bào Mông vẫn nép mình bên sườn núi cao, chứng kiến người thân ra đi vì sạt đất, đá lăn; cùng bữa ăn tối của bao gia đình với mèn mén, bên ánh đèn dầu chỉ tỏ mặt người...
Ở thôn biên giới Xín Chải, với độ dốc cao (trên 700m so với mực nước biển), điều kiện phát triển KT-XH của thôn còn nhiều gian khó. Cả thôn với 44 hộ thì có đến 43 hộ nghèo và cận nghèo, duy nhất 1 hộ kinh tế trung bình. Biết bao giờ, cuộc sống của đồng bào mới bứt phá đi lên? – Câu hỏi ấy đến nay vẫn khó có lời giải đáp.
Ngô là cây lương thực chính của đồng bào Mông, thôn Xín Chải nhưng mới chỉ đạt năng suất dưới 30 tạ/ha.
Một con đường rộng chưa đầy 1,5m, lởm chởm đá cùng nhiều dốc cao, vực thẳm, quanh co bên những nương ngô ngả màu mùa thu hoạch là trở ngại lớn nhất khi lên Xín Chải. Mặc dù, tháng 4.2014, từ nguồn vốn sự nghiệp giao thông, con đường ấy được UBND xã Minh Tân hỗ trợ kinh phí, đổ bê-tông gần 1km trên tổng số 5 km chiều dài (rộng 1m), từ trục đường QL 4C lên đến thôn. Nhưng việc đi lại của người dân vẫn còn nhiều gian nan, khi đoạn đường ấy quá ngắn so với chiều dài của cả con đường. Tại những vị trí dốc cao nhất, đoạn đường bê-tông không có bề mặt nhẵn như bao đường bê-tông khác, mà nó xù xì, thậm chí nhiều đoạn dốc cao phải tạo thêm những đường kẻ chéo nhằm tăng độ ma sát, tránh trượt ngã, nhất là khi di chuyển dưới trời mưa...
Do bất thuận về nguồn nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp nên đồng bào chỉ có thể cấy lúa duy nhất một vụ Mùa trong năm. Khi cuộc sống nhọc nhằn “ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm” đồng nghĩa với việc người dân khó có khoản tiền dư để đầu tư phân bón, nâng cao năng suất lúa... Thêm vào đó, trên khắp những quả đồi hay những dãy núi cao chỉ với một màu vàng của ngô mùa thu hoạch, hay màu xám của đá mà hiếm có một diện tích nào phù hợp để trồng cây công nghiệp hoặc trồng rừng. Do vậy, nguồn thu chủ yếu của 255 khẩu ở Xín Chải đều trông đợi vào 27 ha ngô. Tuy ngô là cây trồng chủ lực và là nguồn cung cấp lương thực chính, nhưng chủ yếu là giống ngô địa phương năng suất thấp và sản xuất theo hình thức tự cung, tự cấp. Bí thư Chi bộ thôn Xín Chải, Ly Thìn Sảng chia sẻ: “Vẫn biết giống ngô lai cho năng suất cao, nhưng người dân chưa thực sự “mặn mà”. Bởi, giống ngô địa phương khi thu hoạch có thể để cả bắp vỏ, phơi khô, dành làm thức ăn cho người và vật nuôi nhiều năm mà không bị hư hỏng. Còn ngô lai, sau khi thu hoạch buộc phải bóc vỏ ngoài, không thể bảo quản trong thời gian dài. Hơn nữa, ăn mèn mén bằng ngô địa phương có vị ngọt, dễ ăn hơn so với ngô lai – vị hơi chát”...
Cùng với những khó khăn trên là câu hỏi thường trực: “Không biết bao giờ, chúng tôi mới được sử dụng điện lưới Quốc gia để xem các chương trình trên tivi, để có điện thắp sáng?”... Hiện, thôn Xín Chải chỉ có 12/44 hộ có nguồn nước từ khe, suối để sử dụng máy phát điện nước. Số hộ còn lại phải thắp đèn dầu. Tuy vậy, vào thời điểm này, nguồn nước phục vụ điện sinh hoạt cũng phải nhường nước để tưới tiêu cho những thửa ruộng bậc thang vào mùa gieo cấy. “Hôm nay xuống xã, tôi được nghe cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy tuyên truyền về tình hình Biển Đông, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người dân chúng tôi cũng bất bình lắm. Giá như ở thôn, nhà nào cũng có điện, có ti-vi để xem thời sự thì tốt quá! Như vậy, chúng tôi sẽ nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta”, anh Sảng chia sẻ thêm.
Với vị trí địa lý ở nơi có độ dốc cao không chỉ cản trở KT-XH của thôn Xín Chải phát triển mà còn đe dọa cuộc sống an toàn của người dân, trước hậu quả khó lường từ thiên tai. Đồng bào còn nhớ như in hình ảnh ông Ly Sào Lèng, năm 2003 trong một lần đi tháo nước ruộng vào hôm mưa to, bất ngờ đất, đá từ trên cao sạt xuống, vùi ông thiệt mạng. Đến năm 2012, cháu Ly Thị Máy đi lấy củi dưới chân núi cao, bị đá trên núi lăn trúng người... Cả 2 nạn nhân xấu số đều ra đi với tấm thân không trọn vẹn, khiến nhiều người không cầm được nước mắt xót thương... Những trường hợp đau xót trên như nhắc nhở đồng bào mức độ nguy hiểm của việc sống rải rác tại các sườn núi có độ dốc cao. Thế nhưng, cuộc sống truân chuyên, vất vả: Làm sao có tiền chuyển nhà, có đất canh tác ở vùng thấp thuận lợi và an toàn bằng chính nội lực của gia đình? Nên phải chăng, họ phó mặc cuộc sống cho may, rủi với thiên tai?!
Lên Xín Chải không chỉ có muôn nỗi nhọc nhằn trong phát triển KT-XH mà ở đó còn bao trăn trở. Khi nhận thức của đồng bào về áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất còn hạn chế. Nhiều trường hợp tảo hôn, không theo học hết chương trình phổ thông hay học đạo trái pháp luật vẫn còn tồn tại. Điều đó cần lắm sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước; sự tuyên truyền, vận động của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để thôn biên giới Xín Chải thực sự là thành trì vững chãi nơi biên cương Tổ quốc.
Ý kiến bạn đọc