Mở rộng thêm “Lá phổi xanh”
HGĐT- Ở bất kỳ đâu, rừng luôn là yếu tố quan trọng trong hệ sinh thái. Ngoài việc cung cấp các sản phẩm của rừng phục vụ đời sống thì rừng còn có giá trị rất lớn trong điều hoà khí hậu, tích trữ nước ngầm, cải tạo môi trường, chống sói mòn, lũ lụt... Với giá trị như trên, những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng (BVR). Qua đó, “Lá phổi xanh” của tỉnh ngày càng được mở rộng mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống con người.
Một góc rừng thôn Há Đề, xã Lũng Thầu, Đồng Văn được người dân khoanh nuôi bảo vệ hiệu quả.
Thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2014, trong 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã trồng mới được 2.532,1 ha/4.060,9 ha, đạt 62,7% kế hoạch, gồm: Trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất, trồng cây phân tán và rừng phòng hộ ven đường giao thông. Trong những tháng đầu năm, các huyện, thành phố đã tập trung vào công tác khảo sát, thiết kế, thẩm định hồ sơ, chuẩn bị cây giống lâm nghiệp. Sau khi các địa phương hoàn thành việc khảo sát, thiết kế... đến đầu tháng 6, nhân dân các huyện, thành phố đã đẩy nhanh tiến độ trồng rừng trên địa bàn toàn tỉnh với sự vào cuộc sát sao của Chi cục Lâm nghiệp (cơ quan chuyên môn về lâm nghiệp, về trồng rừng, phát triển tài nguyên rừng...) bằng việc trực tiếp triển khai kế hoạch, đưa ra các giải pháp thực hiện các chỉ tiêu bảo vệ và phát triển rừng; các đề án, phương án trồng rừng. Đồng thời, Chi cục đã trực tiếp làm việc với Thường trực UBND các huyện, thành phố để thúc đẩy tiến độ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Theo đồng chí Vũ Ngọc Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Lâm nghiệp của tỉnh cho biết: Hầu hết diện tích còn lại theo kế hoạch trồng rừng năm 2014 sẽ hoàn thành vào cuối tháng 8. Riêng đối với diện tích trồng rừng phòng hộ ven đường giao thông gồm 136.800 cây; trồng rừng phòng hộ Tây Côn Lĩnh 79,8 ha; 150 ha của huyện Xín Mần sẽ hoàn thành vào tháng 11 (do trồng cây Sa mộc và Tống Quá Sủ nên phải đảm bảo thời vụ của 2 loại cây này).
Bên cạnh việc trồng rừng thì công tác chăm sóc, khoanh nuôi BVR cũng được nhân dân các huyện, thành phố tập trung thực hiện và đạt được kết quả cao như: Chăm sóc 4.065,9 ha/4.124,2 ha, đạt 98,6% kế hoạch. Trong thời điểm này, các chủ hộ đang tiến hành phát quang, chăm sóc và trồng dặm những cây bị chết; BVR được 189.125/195.448 ha, đạt 101% kế hoạch; khoanh nuôi 31.000/31.000 ha, đạt 100% kế hoạch... Ngoài ra, công tác quản lý giống cây lâm nghiệp; Phương án trồng cây cảnh quan (thuộc 4 huyện vùng cao phía Bắc, trong khu vực Công viên Địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn); Đề án chuyển đổi chất đốt; Đề án phát triển cây dược liệu; các đề án thành lập Vườn Quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán huyện Mèo Vạc.. cũng được các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan triển khai theo tiến độ.
Cho đến nay, độ che phủ rừng tỉnh ta đạt trên 53%, đây là con số khá ấn tượng so với tỷ lệ che phủ rừng chung trên Toàn quốc. Hy vọng, với nhận thức đúng đắn về những giá trị, lợi ích trong việc trồng, khoanh nuôi, BVR trong cộng đồng dân cư; sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành, các địa phương cho công tác này; những năm tới, tỷ lệ rừng của tỉnh sẽ có những bước phát triển để mở rộng “Lá phổi xanh”, mang đến cho Hà Giang một môi trường trong lành, giảm thiểu thiên tai, lũ lụt, bảo vệ mùa màng và nguồn lợi từ sản phẩm của rừng phục vụ đời sống có chất lượng cao hơn.
Ý kiến bạn đọc