Báo Hà Giang tuyên truyền cho nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững ở địa bàn vùng cao biên giới
(Tham luận tại Hội thảo “Báo chí vì sự phát triển bền vững vùng dân tộc, miền núi”, tổ chức ngày 21.8 tại tỉnh Tuyên Quang)
Là một tỉnh vùng cao biên giới, có những đặc thù riêng về điều kiện tự nhiên và đời sống xã hội, Hà Giang hiện còn là tỉnh được xếp loại đặc biệt khó khăn của cả nước. Qua gần 30 năm đổi mới cùng đất nước, tuy đã có những bước chuyển biến rõ rệt và vững chắc về mọi mặt, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng cao vùng sâu, vùng xa của tỉnh, tạo cơ sở thuận lợi cho thực hiện nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên do cùng lúc phải đầu tư nhiều công trình, nguồn vốn không chủ động nên hiện nay Hà Giang đang gặp khó khăn rất lớn về nguồn vốn để thanh toán các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, về dân trí và nhận thức xã hội của một bộ phận khá đông nhân dân các dân tộc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh - do điều kiện sống khép kín, ít có điều kiện va chạm, tiếp xúc với xã hội bên ngoài, cuộc sống hàng ngày chỉ giao tiếp với mọi người trong thôn bản, điều kiện cuộc sống nghèo khó như nhau nên không có được sự giao tiếp học hỏi, so sánh, lý giải cần thiết giúp họ thấy được cuộc sống của mình đang tồn tại là nghèo đói, thấp kém. Họ có tư tưởng và suy nghĩ tự bằng lòng với cuộc sống thực tại, không có ý thức vươn lên. Điều đó được thể hiện ở hai nội dung cụ thể là:
Một là: Bằng lòng với cuộc sống hiện tại, đủ ăn là được, không có ý thức và ý chí vươn lên để cải thiện đời sống cho mình, gia đình mình và mọi người xung quanh, họ chưa có ý thức vươn lên làm giầu.
Hai là: Chưa nhận thức được yêu cầu tất yếu, tự nhiên của việc học chữ, học văn hoá đối với con em và bản thân mình, vì theo họ: Đi học cũng làm ruộng làm nương, nên chỉ làm ruộng làm nương thì không cần đi học.
Với thực tiễn đó: Để thực hiện tuyên truyền, giải thích, định hướng đúng cho nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững tại địa phương - Báo Hà Giang đã xác định 4 nội dung tuyên truyền trọng tâm cho tờ báo của Đảng bộ tỉnh là:
1. Tuyên truyền cho nhiệm vụ nâng cao dân trí và hiểu biết xã hội cho nhân dân, trọng tâm là vùng bà con dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
2. Tuyên truyền cho việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ý thức tiếp thu cái mới, dám phá bỏ cái cũ, dám vươn lên phấn đấu làm giầu để từ đó làm cơ sở bền vững cho xoá đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
3. Tuyên truyền cho nhiệm vụ trung tâm là đầu tư có trọng tâm trọng điểm về xây dựng cơ sở hạ tầng để tạo cơ sở, tiền đề quyết định cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
4. Tuyên truyền cho công tác xây dựng Đảng, điều hành của chính quyền, hoạt động của toàn hệ thống chính trị. Trong đó trọng tâm là tuyên truyền cho nhiệm vụ củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ ở cơ sở - vì đó là yếu tố quyết định cho sự thành công của hệ thống chính trị ở cơ sở.
Tập trung vào 4 nội dung trên, trong những năm vừa qua Báo Hà Giang đã bằng các hoạt động nghiệp vụ của mình tuyên truyền, giải thích, định hướng, làm sáng tỏ nhiều vấn đề, nhiều nội dung cụ thể giúp tỉnh, các huyện, các xã mổ xẻ được các trăn trở, làm rõ những điều còn băn khoăn, xác định được trọng tâm, trọng điểm để thực hiện. Đặc biệt Báo Hà Giang đã giúp tỉnh chỉ ra được 4 nguyên nhân dẫn đến đói nghèo của một bộ phận khá đông bà con vùng sâu vùng xa.
1 là: Do nhận thức và trình độ dân trí, hiểu biết xã hội thấp.
2 là: Trình độ sản xuất lạc hậu, tự cung tự cấp, không tạo được sự chuyển biến về kinh tế nên không có ý thức vươn lên.
3 là: Do điều kiện sống, sinh hoạt, tiếp xúc xã hội khép kín không được giao lưu, trao đổi, so sánh nên tự bằng lòng với hiện tại, mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách và sự cứu trợ của Nhà nước.
4 là: Chưa có ý thức mạnh dạn, quyết tâm tiếp thu cái mới, tiếp thu các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất.
Từ 4 nguyên nhân trên, Báo Hà Giang đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền của mình, đồng thời tham mưu cho tỉnh xác định 4 nội dung trọng tâm cần thực hiện ở cơ sở là:
1- Tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ các lớp học xoá mù chữ để giải quyết dứt điểm tình trạng tái mù chữ trong nhân dân. Đồng thời với việc duy trì trường lớp, người dạy các lớp học phổ thông ở tất cả các thôn bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
2- Điều tra, chỉ rõ tiềm năng, thế mạnh của từng thôn bản, làng xã, huyện để xác định chính xác cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thúc đẩy phát triển mạnh chăn nuôi gia súc trong toàn tỉnh - tạo cơ chế chính sách để phá bỏ sản xuất khép kín tự cung tự cấp, chuyển sang có giao lưu trao đổi, mua bán để sản phẩm thành hàng hoá.
3- Đề nghị tất cả các xã vùng cao, vùng sâu, xa đều phải được đầu tư xây dựng khu vực trung tâm xã thành địa điểm trung tâm dân cư, kinh tế - xã hội cho một khu vực cụ thể. Về giải pháp phải giúp các xã thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất nông nghiệp thành đất dân cư ở khu vực trung tâm xã gắn liền với việc phát triển giao thông nông thôn.
4- Khuyến khích và tạo điều kiện cho việc mở chợ tại tất cả các xã trong tỉnh, tạo thị trường, phá bỏ thực trạng sản xuất, tiêu dùng khép kín, sản phẩm làm ra không thể trở thành hàng hoá.
Bốn nội dung trọng yếu trên, trong thời gian qua đã được lãnh đạo tỉnh Hà Giang tập trung chỉ đạo, Báo Hà Giang tập trung tuyên truyền cổ vũ nên đã thực sự trở thành những vấn đề cốt lõi, quyết định thúc đẩy mạnh mẽ cho nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế ở Hà Giang. Đạt được những kết quả rất cụ thể, thuyết phục, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Ý kiến bạn đọc