31 hộ dân thôn Nà Luông mong giải quyết triệt để vấn đề ảnh hưởng môi trường nước từ Xưởng đãi cát tận thu
HGĐT- Từ khi Xưởng đãi cát tận thu làm vật liệu xây dựng của ông Đỗ Đức Tuyên đặt tại địa phận thôn Ngàm Sọoc, xã Mậu Duệ (Yên Minh) bắt đầu xây dựng và đi vào hoạt động đã ảnh hưởng lớn đến sự điều tiết nước, môi trường nước sinh hoạt và sản xuất của hơn 30 hộ dân thôn Nà Luông, xã Mậu Long. Vấn đề này đã gây bức xúc cho các hộ dân trực tiếp chịu ảnh hưởng.
Bể chứa nước thải của Xưởng đãi cát không đủ 3 ngăn và không được xây dựng kiên cố theo cam kết.
Vẫn hoạt động khi chưa đủ điều kiện
Ngay sau khi được cấp Giấy đăng ký kinh doanh ngày 5.9.2013, với những yêu cầu và quy định về đảm bảo môi trường nước của các ngành chức năng, chủ cơ sở sản xuất cũng có Bản cam kết bảo vệ môi trường và bắt đầu thực hiện việc xây dựng nhà xưởng, các hạng mục hạ tầng và trang thiết bị phục vụ việc sàng, lọc, đãi cát tận thu. Vị trí Xưởng đãi cát tận thu nằm trên địa phận xã Mậu Duệ nhưng ở đầu dòng chảy của một khe suối vốn cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu cho hơn 30 hộ thôn Nà Luông của xã Mậu Long. “Mục sở thị” Xưởng đãi cát tận thu mới thấy thực tế xưởng không chỉ lấy cát làm vật liệu xây dựng mà còn tận thu quặng vôn – fram. Để có nước phục vụ cho việc đãi cát tận thu, chủ xưởng đã cho xây kè ngăn dòng thành một bể chứa (mặc dù trong cam kết phải để một đường nước cho dân). Bên cạnh đó, khu vực tập kết cát, phế thải chưa xây tường bao xung quanh như cam kết dẫn đến cát bị rửa trôi khi mưa xuống làm vùi lấp dòng chảy của suối cũng như ô nhiễm nguồn nước; bể chứa nước thải thực hiện đãi cát, quặng theo vòng tuần hoàn gồm 3 ngăn bể riêng biệt (theo cam kết) mới được chia thành 2 ngăn và chưa được xây dựng kiên cố, không đảm bảo quy định xử lý nước thải và chất lượng nước được thải ra môi trường; xưởng cam kết đưa vào hoạt động 4 bàn đãi cát nhưng thực tế có đến 8 bàn được sử dụng...
Rất nhiều điều kiện chưa đủ để xưởng sản xuất này có thể đi vào hoạt động theo cam kết với UBND huyện Yên Minh và trong các kết luận của đoàn kiểm tra huyện Yên Minh khi kiểm tra cơ sở này vào các ngày 12.3 và 17.6 vừa qua. Đoàn cũng yêu cầu chủ cơ sở phải hoàn thành các loại giấy tờ và hạng mục hạ tầng chưa đủ yêu cầu thì mới được hoạt động nhưng chủ cơ sở vẫn ngang nhiên thực hiện hoạt động đãi cát tận thu.
Khe suối bị xây kè, ngăn dòng lấy nước đãi cát, quặng.
Nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu cạn kiệt, không đảm bảo
Trưởng thôn Nà Luông, Nguyễn Văn Chưng cho biết: “Như những năm trước, khi Xưởng sản xuất đãi cát tận thu chưa được xây dựng ở đầu nguồn con suối, 4 ha đất lúa của các hộ dân dưới hạ lưu dòng suối có thể canh tác 2 vụ/năm. Tuy nhiên, khi xưởng bắt đầu xây dựng từ tháng 9.2013 với việc xây kè ngăn dòng lấy nước đãi quặng, cát, do vậy vụ Xuân đất phải bỏ không vì không có nước. Vụ Mùa năm nay, vào thời điểm này mọi năm thì bà con đã làm đất và cấy xong nhưng hiện tại còn nhiều diện tích ruộng vẫn chưa có nước để gieo cấy”. Việc thiếu nguồn nước dẫn đến nhiều diện tích đất bị bỏ không trong vụ Xuân và chậm tiến độ sản xuất vụ Mùa sẽ làm chậm tiến độ thu hoạch, chậm sản xuất cây vụ Đông, sản lượng lương thực giảm... Hơn nữa, 1/3 trong số những hộ bị ảnh hưởng về nguồn nước tưới tiêu có sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ khe suối hiện đang bị xưởng đãi cát ngăn dòng khiến bà con thiếu nước sinh hoạt và nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
Nhiều diện tích ruộng của các hộ dân bị ảnh hưởng, chưa có nước sản xuất vụ Mùa.
Vào thời điểm Xưởng đãi cát mới đi vào hoạt động, nước thải từ bể chứa thường xuyên đầy và tràn xuống khe suối theo dòng chảy vào đường nước sinh hoạt của nhiều hộ dân. Anh Nguyễn Văn Nhân – một trong những hộ trực tiếp sử dụng nguồn nước từ khe suối làm nước sinh hoạt - cho biết: “Gia đình tôi và một số gia đình khác vẫn sử dụng nguồn nước từ khe suối cũ làm nước ăn và sinh hoạt, từ khi Xưởng đãi cát hoạt động, có những lúc đang lấy nước nấu cơm, rửa bát thì nghe tiếng nước từ xưởng đãi cát đổ xuống lòng suối như tiếng thác, một lúc sau thì nước ở đường ống dẫn vào bể chứa nhà tôi đỏ ngầu như nước bùn. Từ đó thỉnh thoảng nước thải của xưởng lại đổ xuống khiến nguồn nước các khe bị ô nhiễm không thể sử dụng”. Cũng theo anh Nhân, từ khi xảy ra tình trạng trên các hộ gia đình quanh khu vực khe suối phải đi xin nước hàng xóm hoặc lấy nước từ các khe suối khác cách xa đó cả cây số về sử dụng.
Thực tế sau hai lần đoàn kiểm tra của huyện Yên Minh kiểm tra hoạt động xây dựng của Xưởng đãi cát và đã có kết luận cơ sở đãi cát tận thu chưa hoàn thành đủ các điều kiện hoạt động và đã ảnh hưởng đến các hộ dân ở Nà Luông. UBND huyện Yên Minh đã yêu cầu Xưởng tạm ngừng hoạt động, trả lại nguồn nước cho các hộ dân ở Nà Luông và cơ sở này mới tạm ngừng hoạt động, tuy nhiên chủ cơ sở vẫn chưa có động thái gì đối với những vấn đề giải quyết nguồn nước cho người dân Nà Luông. 31 hộ dân trực tiếp bị ảnh hưởng mong muốn các cấp, ngành chức năng giải quyết triệt để những ảnh hưởng mà Xưởng đãi cát tận thu của ông Đỗ Đức Tuyên đối với môi trường nước, sự điều tiết nước của con suối để cuộc sống của bà con thôn Nà Luông trở lại bình thường.
Ý kiến bạn đọc