Truyền thông về giảm nghèo - cần đổi mới tư duy và cách làm

08:34, 10/07/2014

HGĐT- Một số người nghèo không hoặc chưa nhận thức được mình nghèo, không tỏ ra lo lắng khi thiếu đói và thiếu các điều kiện vật chất tối thiểu trong sinh hoạt hàng ngày; một số ý thức được điều này, nhưng ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước... Đây là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao kết quả xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) chưa được như mong muốn và cũng đặt ra yêu cầu đổi mới công tác truyền thông về giảm nghèo.


Một hội thảo chuyên đề, bàn giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông về giảm nghèo vừa được BQL Dự án PRPP của tỉnh tổ chức đã thu hút được sự quan tâm lớn của các nhà nghiên cứu. Giảm nghèo là một chủ trương, mối quan tâm lớn của tỉnh, thực hiện mục tiêu này, thời gian qua đã có nhiều chương trình, dự án mang tính đòn bẩy được đầu tư vào các vùng nông thôn, nhưng hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn. Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến công tác giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả, có phần rất quan trọng của hoạt động truyền thông tác động đến nhận thức của người dân về giảm nghèo.


Tham dự, đồng thời chủ trì hội thảo, đồng chí Triệu Minh Tư, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định: Theo dõi quá trình XĐGN trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy tỷ lệ hộ nghèo giảm rất nhanh, từ một tỉnh thường xuyên thiếu lương thực từ 4-6 tháng/năm, có gia đình thiếu ăn quanh năm, đến nay phần lớn các hộ dân đã tự túc đủ lương thực. Qua khảo sát, đánh giá thực tế, đến hết năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn gần 27%, hộ cận nghèo trên 14%... Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, nhiều hộ được xếp vào diện thoát nghèo nhưng tính bền vững không cao, nguy cơ tái nghèo rất lớn.


Thành quả trong quá trình XĐGN có sự đóng góp rất lớn của các chương trình, đề án hỗ trợ giảm nghèo với các nhóm dự án như: Nhóm các chính sách, dự án và hoạt động giảm nghèo chung gồm hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở; nhóm hỗ trợ trực tiếp thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia như 30a, 135, 134, xây dựng nông thôn mới, nhân rộng mô hình giảm nghèo; nhóm cơ chế, chính sách hỗ trợ gián tiếp giảm nghèo gồm Đề án đổi mới phát triển nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ nâng cao năng lực truyền thông, giám sát, đánh giá... Các chính sách này được thực hiện từ nhiều năm, đã có tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân. Tuy nhiên, qua phân tích của tổ tư vấn Dự án PRPP cho thấy: Việc đầu tư, hỗ trợ rất lớn nhưng hiệu quả thấp, chưa đạt được mục tiêu. Bên cạnh mặt tích cực, quá trình hỗ trợ giảm nghèo cũng làm nảy sinh tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ bên ngoài của một bộ phận người nghèo.


Nguyên nhân được chỉ rõ: Chính bản thân người nghèo chưa nhận thức hoặc nhận thức không đúng, không đầy đủ về vị trí, vai trò của người nghèo đối với công cuộc xóa nghèo nên dẫn đến một số nhận thức sai lầm. Một số người nghèo không hoặc chưa nhận thức được mình nghèo, không tỏ ra lo lắng khi thiếu đói và thiếu các điều kiện vật chất tối thiểu trong sinh hoạt hàng ngày; một số ý thức được mình nghèo, nhưng ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Ngay cả khi đã thoát nghèo, nhưng họ không muốn ra khỏi danh sách hộ nghèo, coi việc hỗ trợ của Nhà nước là nguồn lợi có một cách tự nhiên và cần phải được hưởng thường xuyên; lại có một bộ phận khác do lười lao động, lười suy nghĩ, thờ ơ với cuộc sống của chính bản thân...


Đối với công tác truyền thông về giảm nghèo thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tác động trực tiếp đến người dân. Thông qua hoạt động truyền thông, đã giúp một bộ phận người nghèo chủ động, tranh thủ được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức xã hội, từng bước vươn lên thoát nghèo. Nhưng hoạt động truyền thông của các cơ quan thông tin đại chúng, thông qua các loại hình văn hóa nghệ thuật và qua hoạt động đội ngũ báo cáo viên vẫn mang nặng tính hình thức, chưa linh hoạt, chưa sát thực với người dân. Mặt khác, chất lượng truyền thông về giảm nghèo chưa cao, nhiều nội dung quan trọng, cần phải truyền thông nhưng chưa được đề cập hoặc đề cập còn mờ nhạt.


Trên cơ sở phân tích, đánh giá cụ thể hiệu quả hoạt động truyền thông tác động đến tâm lý người dân, tổ tư vấn đưa ra các giải pháp: Trong quá trình truyền thông phải căn cứ vào đặc điểm đối tượng, phải tìm nguyên nhân dẫn đến nghèo để phân loại thành các nhóm, từ đó xây dựng căn cứ cho việc xác định nội dung, phương pháp truyền thông. Nội dung truyền thông, phải làm rõ vai trò của người nghèo đối với công tác giảm nghèo, họ vừa là chủ thể, vừa là đối tượng và người được hưởng lợi từ XĐGN, chỉ rõ nguyên nhân đói nghèo. Đồng thời cũng nêu rõ, trách nhiệm của người nghèo là phải chủ động tìm biện pháp xóa nghèo dưới sự hỗ trợ về vật chất, sự hướng dẫn về phương pháp, cách thức giảm nghèo của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, phải làm cho người nghèo thấy rõ sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước chỉ là hỗ trợ, người nghèo tự vươn lên là chính. Thông qua hoạt động truyền thông, cần chỉ cho người nghèo thấy trách nhiệm tự tìm giải pháp giảm nghèo phù hợp với điều kiện thực tế, họ phải tự đúc rút, học hỏi kinh nghiệm, vận động những người nghèo cùng tìm giải pháp để giảm nghèo, tiến tới xóa nghèo.

 

Tham dự hội thảo, đồng chí Nguyễn Trung Thu, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông chia sẻ: Truyền thông trong lĩnh vực giảm nghèo là hoạt động tập trung cung cấp những thông tin về chủ trương, chính sách, cơ chế, tiến bộ khoa học kỹ thuật, cách làm hiệu quả đến đối tượng người nghèo, từ đó tác động đến ý thức và hình thành năng lực tự thân trong quá trình vươn lên thoát nghèo bền vững. Để hoạt động truyền thông trong lĩnh vực giảm nghèo có hiệu quả, cần có cách làm mang tính đặc thù. Bởi lẽ, đối tượng truyền thông trong lĩnh vực giảm nghèo chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, còn nhiều tập tục lạc hậu, sinh sống không tập trung, tâm lý tiếp nhận thông tin cũng có nhiều điểm khác với những người sống ở vùng đồng bằng, đô thị... Từ những nhận định, phân tích trên, hy vọng trong thời gian tới, hoạt động truyền thông giảm nghèo sẽ phát huy hơn nữa, đóng góp quan trọng vào quá trình XĐGN của tỉnh.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mưa lớn, làm xói mòn và hư hỏng nhiều đoạn đường trên địa bàn xã Thượng Tân (Bắc Mê)
HGĐT- Sau trận mưa to kéo dài từ ngày 4 đến sáng 5.7, tuyến đường đi hai thôn Khuổi Trang và Bách Sơn, xã Thượng Tân (Bắc Mê) đã bị xói mòn và sạt lở nghiêm trọng khiến cho việc lưu thông trên tuyến đường này gặp nhiều khó khăn.
09/07/2014
Hà Giang sắp có đợt nắng nóng
HGĐT- Vừa qua, do ảnh hưởng rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên cao,nên ở hầu hết các khu vực trong tỉnh đã có mưa, có nơi mưa rất to, thời tiết dịu mát. Hiện nay, vùng áp thấp nóng phía Tây có xu hướng phát triển và mở rộng về phía Đông Nam, làm cho mưa ở các khu vực trong tỉnh giảm, nhiệt độ sẽ tăng dần.
08/07/2014
Ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh và UBND huyện Bắc Mê
HGĐT- Sáng 8.7, tại huyện Bắc Mê, lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2014-2015 giữa Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh và UBND huyện Bắc Mê đã được tổ chức.
08/07/2014
Yên Minh hoàn thành 7 nhà cho hộ nghèo theo Chương trình “Mái ấm Chữ Thập đỏ - Biên phòng”
HGĐT- Huyện Yên Minh được giao kế hoạch xây dựng 7 nhà cho hộ nghèo, đặc biệt khó khăn theo Chương trình “Mái ấm Chữ Thập đỏ (CTĐ) - Biên phòng” do Hội CTĐ phối hợp với Biên phòng tỉnh triển khai. Ngay sau khi được giao kế hoạch, Hội CTĐ huyện, Đồn Biên phòng Bạch Đích phối hợp với chính quyền các xã biên giới tiến hành rà soát, lựa chọn hỗ trợ làm nhà cho 4 hộ ở xã Phú
08/07/2014