Triển vọng từ mô hình nuôi cá Tầm ở Trà Hồ
HGĐT- Nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, thôn Trà Hồ, xã Tả Sử Choóng (Hoàng Su Phì) có điều kiện khí hậu, nguồn nước cũng như hệ sinh thái môi trường rất thuận lợi cho việc nuôi các loài cá nước lạnh; đặc biệt là loài cá Tầm. Năm 2011, qua tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình nuôi cá Tầm ở địa phương khác, anh Sin Văn Vu là người đầu tiên đưa những con cá Tầm lên nuôi tại vùng đất này; mở ra triển vọng về một giống vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH của huyện.
Hệ thống bể nuôi, nguồn nước được thiết kế phù hợp cho đàn cá Tầm sinh trưởng, phát triển của gia đình anhSin Văn Vu.
Đến thăm mô hình nuôi cá Tầm của anh Sin Văn Vu, chúng tôi thật ngỡ ngàng với mô hình nuôi cá Tầm ở đây khác lạ với các mô hình chăn nuôi thủy sản truyền thống. Mô hình được xây dựng khá quy mô gồm 4 bể cá được thiết kế theo hình tròn, các bể được lót bạt nhựa, trung bình mỗi bể rộng từ 30 - 50 m2 và luôn giữ mực nước sâu từ 2 - 3 m, bao gồm: 1 bể ươm cá giống, 2 bể nuôi gối lứa cá trưởng thành và 1 bể nuôi cá thành phẩm. Anh Vu chia sẻ: Lần đầu nuôi cá Tầm, anh đã gặp rất nhiều khó khăn vì do chưa có kinh nghiệm nuôi và đây cũng là giống cá mới, lại chưa nắm vững kỹ thuật chăn nuôi nên lứa cá giống đầu thả chết với số lượng khá lớn. Nguyên nhân được xác định là do cá phải vận chuyển đường dài, một vài con bị mệt và chưa thích nghi kịp với khí hậu ở Trà Hồ, nên đã dẫn đến hiện tượng cá chết. Khó khăn là vậy, nhưng với ý chí, nghị lực của mình; anh Vu không chịu thất bại, tiếp tục tìm tòi, học hỏi trong sách báo, tham quan các mô hình nuôi cá Tầm ở nhiều nơi để có thêm kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chăm nuôi cá Tầm. Ngoài ra, cán bộ Khuyến nông của huyện trực tiếp xuống hướng dẫn anh cách thiết kế bể nuôi, lựa chọn địa điểm, thiết kế hệ thống dẫn nước vào bể nhằm tăng hàm lượng oxy cho cá nuôi. Để giữ nền nhiệt độ ổn định, lượng ô-xy trong nước theo quy định, thì các bể phải liên tục được bổ sung nước suối và cũng được thải ra ngoài với lượng nước tương ứng. Về thức ăn cho cá này là loại cám viên sản xuất dành riêng cho cá Tầm, ngoài ra gia đình anh cho ăn thêm các loại cá nhỏ, tôm, tép...
Anh Vu cho biết: Sau gần 3 năm thực hiện nuôi, bước đầu cho thấy đàn cá sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu, môi trường của thôn Trà Hồ. Từ lúc thả con giống trọng lượng trung bình của cá từ 200 - 250g/con, sau một năm nuôi, trọng lượng cá có thể đạt bình quân từ 2 - 3,5kg/con. Cá Tầm là loại cá xương sụn, toàn bộ hệ thống xương của cá cũng như đầu cá đều cấu tạo từ sụn, thịt cá Tầm trắng, dai, có vị béo ngậy, thành phần dinh dưỡng cao, dễ hấp thụ... Do đây là nguồn cá Tầm được nuôi trong huyện với nguồn nước sạch nên đã có nhiều nhà hàng trong và ngoài huyện đặt mua. Với giá bán cá Tầm trên thị trường hiện nay khoảng 300.000đ/kg, trừ chi phí về con giống, thức ăn; mỗi năm gia đình anh cũng thu lãi trên 50 triệu đồng. Khoản thu nhập trên tuy chưa phải là lớn, nhưng đối với người dân vùng núi còn nhiều khó khăn như Trà Hồ thì đây là một bước tạo đà trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
Đồng chí Trần Quang Bằng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Cá Tầm đã được nuôi ở nhiều nơi trong cả nước, nhưng với huyện Hoàng Su Phì thì đây là mô hình đầu tiên được nuôi tại thôn Trà Hồ, xã Tả Sử Choóng. Từ những thành công bước đầu của mô hình nuôi cá Tầm đã mở ra triển vọng mới cho người dân ở vùng núi như Trà Hồ có điều kiện để phát triển kinh tế thủy sản. Nếu mô hình này được nhân rộng và phát triển ra các năm tiếp theo sẽ cung cấp một lượng lớn cá Tầm sạch mang thương hiệu Hoàng Su Phì cho thị trường trong và ngoài huyện. Tuy nhiên, Trà Hồ là vùng núi nên điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn trong khi đó để nuôi được cá Tầm cần đầu tư lớn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng như bể nuôi, đường ống dẫn nước, cũng như trình độ kỹ thuật cao... Chính vì vậy, để giúp người dân phát huy lợi thế mở rộng nghề nuôi cá Tầm, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành về vốn, kỹ thuật cũng như đầu ra cho sản phẩm
Việc nuôi thành công mô hình cá Tầm tại hộ gia đình anh Sin Văn Vu ở Trà Hồ đã mở ra một hướng sản xuất hàng hóa mới dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương để giúp người dân nơi đây có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đồng thời, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Ý kiến bạn đọc