Triển khai Đề án thí điểm cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện vùng đặc biệt khó khăn
HGĐT- Chiều 25.7, UBND tỉnh tổ chức họp, triển khai Đề án thí điểm cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Dự họp có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố, xã vùng ĐBKK.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến kết luận buổi họp.
Theo kết quả rà soát, trên địa bàn các xã nghèo của tỉnh hiện có gần 30 chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đầu tư. Tuy nhiên, các chính sách không tập trung, có nhiều cơ quan chủ quản khác nhau, quy trình quản lý, định mức hỗ trợ và thanh quyết toán phức tạp; nội dung hỗ trợ, đầu tư đôi khi còn chồng chéo, gây khó khăn trong việc thực hiện ở cơ sở… Đề án thí điểm cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện vùng ĐBKK của tỉnh giai đoạn 2014-2016 được triển khai trên địa bàn 21 xã, thị trấn. Trong đó có 10 xã nghèo vùng ĐBKK gồm thị trấn Phó Bảng (Đồng Văn), Thượng Phùng (Mèo Vạc), Bạch Đích (Yên Minh), Nghĩa Thuận (Quản Bạ), Lao Chải (Vị Xuyên), Chí Cà (Xín Mần), Thàng Tín (Hoàng Su Phì), Đức Xuân (Bắc Quang), Bản Rịa (Quang Bình), Phiêng Luông (Bắc Mê); 11 xã điểm Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 gồm: Vĩnh Phúc (Bắc Quang), Xuân Giang (Quang Bình), Việt Lâm (Vị Xuyên), Khuân Lùng (Quang Bình), Nậm Ty (Hoàng Su Phì), Yên Định (Bắc Mê), Quản Bạ (Quản Bạ), Mậu Duệ (Yên Minh), Tả Lủng (Mèo Vạc), Sủng Là (Đồng Văn) và Phương Độ (thành phố Hà Giang). Đề án triển khai nhằm thực hiện cải cách hành chính trong phân cấp quản lý, gắn với đổi mới hình thức hỗ trợ, tạo tính chủ động cho chính quyền và người dân trong việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ; thiết lập cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư có tính đặc thù, đủ mạnh, giúp các xã nghèo phát triển KT-XH, đảm bảo AN-QP bền vững trên cơ sở phát huy thế mạnh địa phương; tổ chức lại phong trào sản xuất của nông dân, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới. Đề án đặt ra 4 nhiệm vụ chính: Phát triển kinh tế; xây dựng đời sống văn hóa - xã hội, đảm bảo QP-AN và xây dựng hệ thống chính trị, chính quyền vững mạnh. Các xã nằm trong đề án được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù về phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng và đảm bảo an sinh xã hội… Tổng nguồn ngân sách thực hiện Đề án trên 533 tỷ đồng.
Kết luận buổi họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh, trước mắt các huyện, xã, thị trấn cần thực hiện tốt nội dung ngân sách không hỗ trợ; xây dựng kế hoạch chi tiết với từng nội dụng, công việc phải thực hiện theo lộ trình cụ thể và đôn đốc triển khai toàn diện; tổ chức quán triệt để người dân hiểu, cùng đồng tâm, đồng sức triển khai, mỗi xã cần chọn một thôn làm điểm sau đó nhân rộng. Thực hiện hiệu quả đề án này, các địa phương cần đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở mức cao hơn, hiệu quả hơn, tránh tình trạng hình thức; các khối ở xã vùng ĐBKK phải có tính liên kết chặt chẽ hơn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền xã phát triển toàn diện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở, tổ chức lại sản xuất, lập kế hoạch có sự tham gia của người dân...
Ý kiến bạn đọc