Thiệt mạng, thương tích vì qua cầu tạm

08:47, 17/07/2014

HGĐT - Không biết, niềm mong đợi được sử dụng những cây cầu an toàn của 85 hộ dân ở thôn Bản Mào, xã Tùng Bá (Vị Xuyên) đến bao giờ mới trở thành hiện thực?. Bởi, 2 trong số 4 cây cầu tạm huyết mạch bắc qua suối Khuổi Mào, phục vụ việc đi lại của trên 1.000 dân thuộc các thôn Bản Mào, Hòa Sơn (xã Thuận Hòa – Vị Xuyên) đã xuống cấp nghiêm trọng. Cùng với đó, 1 trong 2 cây cầu nội thôn còn lại, tỏ rõ sự nguy hiểm khi có nhiều người thiệt mạng, ngã suối vì qua cầu.


Dang dở niềm vui... cầu kiên cố

 

Tại hai điểm nhánh, một bên là đường liên xã Thuận Hòa – Tùng Bá, một bên là đường nhánh từ Hòa Sơn – Bản Mào để đến các địa điểm khác; nếu đi đường thứ nhất, người lái xe máy sẽ khó có thể qua được đoạn suối sâu và dài trên con đường đó. Chuyển sang đường nhánh thứ 2, họ phải lội hoặc dắt bộ xe máy qua suối... Khắc phục sự bất cập trên, người dân trong thôn đã bắc cầu tạm qua suối. Thế nhưng, sau mỗi trận mưa, lũ, cây cầu vẫn “không cánh mà bay”, khiến hàng trăm hộ dân khốn đốn vì không thể qua cầu, khi có việc cần thiết phải di chuyển.



Cây cầu “huyết mạch” phục vụ việc đi lại của người dân thôn Bản Mào và Hòa Sơn đang xuống cấp nghiêm trọng.
 

Hàng ngày, tại cây cầu tạm này có hàng trăm lượt người dân của hai thôn qua lại, chưa kể những trường hợp từ nơi khác đến thăm người thân. Riêng thôn Hòa Sơn có 152 hộ với 749 nhân khẩu thì cả thôn đều qua cầu Bản Mào để đến các địa điểm khác. Bởi đây là con đường thuận tiện nhất so với việc di chuyển trên đường liên xã Thuận Hòa – vừa xa, vừa xuống cấp. Thêm vào đó, mỗi ngày chủ nhật, lưu lượng người qua cầu tăng đột biến vì người dân thôn Hòa Sơn đổ về xã Tùng Bá tham gia họp chợ phiên. Cứ như vậy, số lượng người qua cầu không thể giảm, còn cây cầu tạm ngày thêm xuống cấp, thường trực mối nguy hiểm cho người dân, nếu không may rớt khỏi cầu.

 

Từ thực tế trên, năm 2010, bằng nguồn vốn sự nghiệp giao thông của huyện Vị Xuyên, UBND xã Tùng Bá đã xây dựng cầu bản, tại thôn Bản Mào (đổ bê-tông dài 6m; rộng 3m và dầy 18cm; mố cầu xây bằng đá hộc) để đảm bảo an toàn cho người dân khi qua cầu. Tuy nhiên, với “sức nặng” tổng kinh phí trên 90 triệu đồng, cây cầu Bản Mào vẫn sụp đổ vì không đủ khả năng chống đỡ sự tàn phá nặng nề của trận lũ năm 2012. Từ đây, niềm vui của người dân về cây cầu xây kiên cố nhanh chóng dở dang chỉ sau hơn 1 năm đi vào sử dụng. Sự dang dở này được cán bộ Phòng Công thương Vị Xuyên nhận định: Nếu như cây cầu xây dựng đúng vị trí, có thiết kế phù hợp thì mới đảm bảo độ bền và ổn định...

 

Từ khi cầu Bản Mào bị xóa tên đến nay, người dân hai thôn đã 3 lần bắc cầu tạm (vì liên tục bị lũ cuốn trôi). Thêm vào đó, cây cầu hiện đang sử dụng thường xuyên phải sửa chữa ít nhất từ 1-3 lần/năm. Mặc dù vậy, cây cầu tạm này vẫn là vị trí huyết mạch, nối hai thôn Bản Mào và Hòa Sơn.

 

Thiệt mạng, thương tích vì qua cầu tạm

 

Hiện, cây cầu tạm nối 2 thôn Bản Mào và Hòa Sơn đã xuống cấp nghiêm trọng. Phải sử dụng cây chống dưới gầm cầu và những thanh dọc, ngang bằng tre, gỗ bắc làm mặt cầu đang có độ võng cao và mục nát luôn là nỗi lo cho người dân mỗi khi qua cầu. Hơn nữa, một bên đầu cầu tạm đang ở thế chênh vênh, sát mép với vị trí đầu cầu cũ, được chống đỡ phía dưới bởi tảng bê-tông vốn là phần mặt cầu cũ. Nếu qua một trận lũ, phần bê-tông này bị nước cuốn hoặc xô đi, đồng nghĩa với việc sập cầu tạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của 237 hộ dân.


Cây cầu tạm nội thôn này, khiến anh Nông Văn Luận (trong ảnh) 2 lần ngã xuống cầu và 1 người khác thiệt mạng.
 

Trả lời cho câu hỏi: “Vì sao thôn không làm cầu tạm dài hơn vị trí cầu cũ để đảm bảo an toàn khi qua cầu?”, Trưởng thôn Nguyễn Văn Thoán giãi bày: “Chúng tôi cũng muốn làm như vậy nhưng việc đóng góp gỗ tốt và kiếm những cây tre có đủ kích thước để làm cầu là rất khó”. Chính sự “muốn” nhưng không thể cùng sự xuống cấp của cây cầu đã khiến ít nhất hàng chục lượt người ngã xuống suối và hư hỏng phương tiện khi qua cầu. Anh Lộc Đình Châm (thôn Bản Mào) nhớ lại: Có lần qua cầu, vì không giữ được thăng bằng trước sự bấp bênh của cầu, anh đã rơi xuống suối (cách mặt cầu khoảng 3m) và bị chiếc xe máy Dream đè trọn lên người. Không những vậy, do chủ quan về đến đường làng, không đội mũ bảo hiểm nên đầu anh Châm bị rách khoảng 5cm chiều dài, vì va chạm với phần bê-tông của chân cầu cũ. “Nếu hôm đó, không đi cùng anh trai (lái xe máy theo sau), có lẽ tôi gặp nguy hiểm về tính mạng rồi. Khẳng định với phóng viên, tôi lái xe trong tình trạng an toàn, không uống rượu đấy nhé!”.

 

Cũng như cây cầu huyết mạch trên, với 3 cây cầu còn lại, số người bị ngã, gây thương tích khi qua cầu tạm cũng dày trang... tai nạn. Đặc biệt, năm 2012, sự việc nam thanh niên qua cầu nội thôn thiệt mạng, đến nay vẫn còn ám ảnh người dân trong thôn, khi kể lại: Hôm đó, chàng thanh niên xấu số dự sinh nhật bạn, trở về nhà đúng lúc lũ suối lên cao. Khi vừa bước lên cầu, nạn nhân ngã nhào xuống suối. Điều này được người dân lý giải: Có thể do hai đầu cầu tạm được buộc dây thừng cố định vào gốc cây lớn, tránh nước lũ cuốn trôi nên nhìn cầu rất an toàn. Song thực chất, nước lũ đã nâng bổng cầu lên mặt nước, tạo thế bấp bênh, hất nạn nhân xuống suối khi bước lên cầu. Hơn nữa, vì bất ngờ ngã vào dòng nước xiết trong đêm tối, không có người ứng cứu nên nạn nhân mất khả năng tự bảo vệ bản thân, dẫn đến cái chết thương tâm...

 

Hiện nay đang là thời điểm mùa mưa, lũ nên những cây cầu trên luôn là mối nguy hiểm, đe dọa sự an toàn của người dân khi qua cầu. Thêm vào đó, khi chưa kết thúc mùa mưa, lũ, cũng là lúc học sinh bước vào mùa khai trường. Thời điểm này, hầu hết học sinh phổ thông trung học của xã Thuận Hòa sẽ qua cầu Bản Mào, đến học tập tại trường cấp 3 Tùng Bá... Giả thiết rằng: Nếu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương không sớm vào cuộc, thì biết bao lượt giáo viên, học sinh, người dân và khách thập phương vẫn ngày ngày “đánh cược” sự an toàn của bản thân, khi buộc phải qua lại trên những cây cầu tạm đầy nguy hiểm?...


Thu Phương

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế Hợp tác xã
HGĐT - Thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT),trong những năm qua, cùng với sự ra đời của Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh, kinh tế HTX trong tỉnh đã có bước phát triển mới cả về số lượng lẫn hiệu quả hoạt động; bước đầu đã thể hiện được vai trò là động lực cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển. Qua đó, góp
17/07/2014
Hoàng Su Phì: 34 hộ nghèo được xóa nhà tạm từ chương trình “Mùa xuân hướng về vùng cao Hà Giang”
HGĐT- Thực hiện chương trình “Mùa xuân hướng về vùng cao Hà Giang” do Ban vận động Quỹ vì người nghèo TP Hồ Chí Minh tổ chức nhằm hỗ trợ về nhà ở đối với những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
16/07/2014
23 cầu treo dân sinh sẽ được xây dựng bằng nguồn vốn Trung ương
HGĐT- Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 153 cầu treo, trong đó có 152 cầu do các huyện, thành phố quản lý, 1 cầu treo do Sở GT-VT quản lý.
16/07/2014
Bão số 3 gây mưa lớn tại miền Bắc, ứng phó bão trên biển Hoàng Sa
Bão số 3 giật cấp 16 vào khu vực miền Trung Philippines rồi tiếp tục tràn qua, tiến sâu vào vùng biển nước ta. Dự báo, bão sẽ gây mưa lớn diện rộng ở các địa phương Bắc Bộ trong hai ngày 18 -19/7.
16/07/2014