Quang Bình chủ động ứng phó với mùa mưa lũ
HGĐT- Quang Bình là một trong những huyện có hệ thống đồi núi, đường giao thông, sông, suối tương đối phức tạp. Việc chủ động các biện pháp phòng, chống mưa lũ, sạt lở đất nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, bão, lụt gây ra là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của chính quyền các cấp ở huyện Quang Bình.
Công trình xây ngầm tràn qua suối tại xã giúp bà con nhân dân đi lại thuận tiện trong mùa mưa bão.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão (BCHPCLB) huyện, 6 tháng đầu năm, thiệt hại do thiên tai gây ra đối với hoa màu là: 2,38 ha; diện tích lúa bị hại: 3,13 ha; đại gia súc bị chết 15 con; tiểu gia súc bị chết 01 con. Mưa lớn đã gây ra thiệt hại: Gẫy 20m kênh mương; đập thủy lợi Nà Bian thôn Thượng, xã Bằng Lang hiện nay nước suối không chảy vào đập mà chuyển dòng chảy vào đất ruộng của nhân dân; thiệt hại về thủy sản, đã bị vỡ 2 ao cá làm trôi số lượng cá 90kg. Ước tổng thiệt hại qua hai đợt thiên tai gây ra khoảng trên 450 triệu đồng; đã di dời và ổn định tại chỗ các hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ ống và ngập lụt được 50 hộ/107 hộ/12 xã và thị trấn. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Huyện cũng đã hướng dẫn UBND các xã, thị trấn xây dựng phương án và kế hoạch phòng, chống thiên tai, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất với phương châm “bốn tại chỗ”. Qua những thiệt hại mà thiên tai gây ra, huyện đã chủ động ứng phó với mọi diễn biến của thiên tai, bão lũ, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, ngay từ đầu mùa mưa bão, Phòng NN&PTNT phối hợp với Ban chỉ huy Quân sự huyện đã tham mưu cho UBND huyện tiến hành diễn tập phương án PCLB&TKCN tại xã Nà Khương; đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác PCLB&TKCN gửi các xã, thị trấn, các cơ quan đơn vị trên địa bàn huyện để chủ động các biện pháp phòng, chống.
Vận chuyển cống đến các xã để xây ngầm tràn trước mùa mưa bão.
Qua đó, Phòng NN&PTNT huyện đã thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến khí hậu, thời tiết để cảnh báo, chủ động các biện pháp phòng ngừa, phối hợp với các địa phương triển khai di dời dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ ống và ngập lụt đến nơi an toàn. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư, quản lý các công trình giao thông thủy lợi, thủy điện xây dựng phương án phòng, chống lũ cho từng công trình, chuẩn bị phương tiện và bố trí lực lượng túc trực để bảo vệ công trình, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa bão. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để vượt lũ, quản lý, bảo vệ tốt công trình, tránh để xảy ra sạt lở, hư hỏng công trình, gây thiệt hại về tài sản, tính mạng của nhân dân. Đặc biệt, huyện thường xuyên, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị quản lý khai thác các công trình thủy lợi, thủy điện phải hoàn chỉnh sớm các hạng mục xây dựng, sửa chữa các công trình do đơn vị quản lý, khai thác một cách hợp lý. Cùng với đó, các xã, thị trấn cần xây dựng lực lượng dân quân, thanh niên xung kích, tổ chức trực ban 24/24 giờ, nỗ lực ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra do mưa bão. Triển khai tới các thành viên BCHPCLB&TKCN xã đến các thôn, làng, bản... kiểm tra, nhắc nhở nhân dân có các biện pháp đối phó với bão lũ như chèn chống nhà cửa, không thả giông gia súc, gia cầm, không qua lại các sông, suối lớn, không ngủ qua đêm tại nương, rẫy trong thời gian có bão, mưa to, gió lớn...
Trao đổi với phóng viên, ông Tăng Trung In, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị để ứng phó với mọi tình huống xấu trong mùa mưa bão năm 2014 cơ bản đã hoàn tất. Đồng thời, BCHPCLB huyện triển khai lực lượng sẵn sàng ứng cứu, phương tiện phục vụ tìm kiếm cứu nạn khi có thiên tai xảy ra và giúp nhân dân khắc phục kịp thời hậu quả do thiên tai gây ra, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong BCĐ, tổ chức và có kế hoạch thường trực 24/24 giờ trong mùa mưa bão. Đôn đốc các ngành, đơn vị thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra các công trình thủy lợi, các điểm xung yếu. Thực hiện các chính sách xã hội, công tác cứu trợ bảo đảm không để xảy ra thiếu đói trong nhân dân ở các vùng bị thiên tai. UBND huyện yêu cầu phòng y tế và trung tâm y tế huyện chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc dự phòng, phương tiện cấp cứu và chuẩn bị lực lượng sẵn sàng dập tắt những ổ dịch bệnh phát sinh trong mùa lũ... Lực lượng huy động dự kiến từ các ban, ngành và các cấp tham gia công tác phòng, tránh, ứng phó khi thiên tai, bão lũ, lũ quét, sạt lở đất, cũng như huy động phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng phục vụ cho công tác phòng, chống lụt bão như: thuốc men, hóa chất, áo phao, áo mưa, và các vật dụng khác được đảm bảo.
Với nỗ lực chuẩn bị cho công tác PCLB&TKCN của huyện, chắc chắn sẽ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại khi có lụt, bão xảy ra trên địa bàn.
Ý kiến bạn đọc