Ngạc nhiên Thanh Thuỷ và hành trình của Người lính già
HGĐT- Chiếc xe Toyota Prado chở 3 anh em chúng tôi là cựu binh của Sư đoàn 356-QK2 trước đây, hôm nay nhân kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ (27.7.1947-27.7.2014), về chiến trường xưa - xã Thanh Thuỷ, dự Lễ tưởng niệm và tham gia Lễ cầu siêu cho các đồng đội đã hy sinh trong những năm 1984-1988 tại mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang.
Ông Nguyễn Tuyến, nguyên là Trưởng ban Quân lực Sư đoàn 356, nay đã nghỉ hưu, ở tuổi 72 mà vẫn hành quân từ Quảng Bình ra đây, lái xe Việt Hùng, nguyên là chiến sỹ pháo Cao xạ 37 ly, nay là Giám đốc Công ty xây dựng Việt Hùng ở Phú Thọ, là giám đốc, nhưng với ông Tuyến, Hùng vẫn trân trọng thủ trưởng và tự lái xe của mình đưa chúng tôi trở lại chiến trường xưa; tôi nguyên là Đại đội trưởng Đại đội Hoá học sư đoàn 356.
Ông Tuyến (phải) cùng ông Nguyễn Đức Cam - nguyên Phó Sư đoàn trưởng Tham mưu trưởng Sư đoàn 356 (người đội mũ) tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Vị Xuyên.
Chiếc xe nhẹ lướt trên Quốc lộ số 2, đoạn Hà Giang - Thanh Thuỷ, khi vừa ra khỏi thành phố Hà Giang, lái xe Hùng oà lên một tiếng, miệng lẩm bẩm: “Đường quá đẹp”. Con đường thảm nhựa phẳng lỳ, rộng thênh thang chạy dọc ven những quả đồi thấp phủ đầy màu xanh của cây lá, rồi lại lượn sát dòng sông Lô oà oà chảy, hơi mát của dòng Lô tràn khắp con đường chúng tôi đi. Với chúng tôi, cái vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình này tăng lên gấp bội, vì những năm 1984 khi chiến tranh biên giới diễn ra, con đường này đã hẹp lại vô cùng nguy hiểm do pháo lớn các loại của đối phương thường xuyên bắn phá, cày sới, nhiều quả rơi trúng mặt đường để lại rất nhiều “ổ trâu”, chúng tôi chỉ được đi ban đêm, trời tối mịt, xe chạy không được bật đèn, lái xe vừa lái vừa thò đầu ra ngoài cánh cửa để nhìn đường; nhiều lần ngồi trên xe ô tô hành quân đêm vào mặt trận, thỉnh thoảng xe lại vướng phải “ổ trâu” tung chúng tôi lên khỏi hàng ghế gỗ của xe quân sự.
Chúng tôi chọn làng Pinh làm điểm ghé thăm đầu tiên, làng Pinh là một bản nhỏ nằm kề vách một dãy núi đá cao; nhìn trên bản đồ Làng Pinh nằm ở Tây Bắc thành phố Hà Giang, phía dưới cửa khẩu Thanh Thuỷ. Làng Pinh được biết đến từ những năm 1984-1988 khi chiến tranh biên giới diễn ra. Do địa hình hiểm trở vừa an toàn, vừa là điểm cuối cùng của các phương tiện vận chuyển cơ giới nên Làng Pinh được chọn làm hậu cứ của bộ đội ta; với diện tích chỉ vài trăm mét vuông dọc theo sườn núi đá mà được bố trí rất nhiều bộ phận công tác như: Sở chỉ huy, kho hậu cần, trạm phẫu, điểm dừng chân của quân ra, quân vào… Từ đây bộ đội ta có thể xuất phát đi các hướng của mặt trận, nhất là hướng Thanh Hương, Nậm Ngặt, các điểm cao 1509, 772, 468… Chiếc xe dừng lại giữa bản chỉ khoảng 20 ngôi nhà, mái nhà chủ yếu lợp Prôximăng, tuy bản nhỏ nhưng cũng có đầy đủ hàng hoá bầy bán: Hàng bách hoá, hàng lương thực, vài quầy bán hàng thực phẩm tươi sống rau quả. Chúng tôi xuống xe, mấy đứa trẻ trong bản đang chơi trò bịt mắt bắt dê, cười đùa inh ỏi, thấy người lạ đến dừng chơi ùa ra, tò mò giương cặp mắt đen tròn về phía chúng tôi, rồi chúng chăm chú nhìn ông Tuyến, có vẻ chúng đang tự hỏi không biết sao cái ông già này đứng ngây ra, ngơ ngác nhìn quanh cái bản nhỏ của chúng, một chị bán hàng bách hoá ở gần đó đang gọi điện thoại di động cho ai đó, thấy chúng tôi, dừng cuộc gọi, miệng thân thiện mời chào: Các bác tới thăm bản em, vào cửa hàng em uống nước. Ông Tuyến vui hỏi: Nước có mất tiền không, chị ta phản ứng ngay: Nước của em thì không mất tiền, nhưng ngắm vách đá thì phải trả tiền, chúng tôi cùng bật cười. Tôi chỉ cho ông Tuyến địa điểm trước đây ông vẫn làm việc, dưới một vách đá cao ngất ngưởng. Tiến về phía vách núi, ông Tuyến đứng lặng im, ngắm chán cái vách đá rồi ông quay lại phía tôi, vẫn không nói gì, kéo tôi ra một ruộng lúa, đó là địa điểm khâm liệm các liệt sỹ 30 năm về trước. Ngày ấy, nhiều lúc ông vẫn thường dời vách núi tới đây để cùng kiểm tra công tác tử sỹ và chỉ đạo việc ghi danh những người đã mất. Chúng tôi đều lặng im, suối làng Pinh vẫn róc rách chảy, những luồng gió mát và dịu êm vẫn ùa về, quấn quýt bên các cựu binh chúng tôi.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt CCB Sư đoàn 356.
Trước khi rời Làng Pinh, Giám đốc Hùng còn chỉ cho tôi con đường lên đỉnh Coóc Nghè, nơi có trận địa pháo bắn thẳng của đơn vị Hùng, mỗi khi lên trận địa, phải leo dốc vừa cao, vừa dài, vừa thở lại phải “vểnh” tai lên để nghe và tránh đạn pháo của đối phương. Rời làng Pinh, ông Tuyến quay lại nhìn bao quát Làng Pinh rồi ông tủm tỉm cười với lũ trẻ.
Cửa khẩu hoành tráng
Chiếc xe Prado tiếp tục đưa chúng tôi theo con đường bê tông nhựa tiến về khu vực cửa khẩu, đi được 2 km, tiếng ông Tuyến vang khắp cả xe “ối trời, đẹp quá”; những toà nhà cao ngang núi, hoành tráng sừng sững xuất hiện, một toà nhà ở giữa mang hàng chữ: “Trạm kiểm soát Liên ngành cửa khẩu Thanh Thuỷ”,phía trước nhà là một khu đất rộng thênh thang, được rải bê tông nhựa, tiếp đến là dòng sông Lô vẫn ào ào chảy, lại một quang cảnh sơn thuỷ hữu tình nữa xuất hiện. Nhìn về phía Trung Quốc là 2 cái cổng lớn, nhiều người dân 2 bên đang qua lại Cửa khẩu 2 người lính đứng gác bình thản, nghiêm nghị, ở giữa là Cột mốc biên giới 261.
Ông Tuyến đứng lại, lặng lẽ nhìn về bốn phía, tôi biết ông đang hình dung khu vực này trước đây, địa hình đồi núi thấp lởm nhởm, mìn các cỡ được gài đặt đan xen, các loại súng to nhỏ của 2 bên chĩa vào đây, luôn thường trực sẵn sàng nhả đạn và nhiều người lính của cả 2 bên đã thương vong ở đây. Thế mà bây giờ, khung cảnh đẹp thật, nó khêu gợi mọi du khách tới đây phải dừng chân chụp ảnh, ghi hình làm kỷ niệm và chúng tôi không bỏ lỡ cơ hội ấy.
Màu xanh và màu trắng
Chúng tôi đi về bên trái Thanh Thuỷ trên con đường nhựa mới mở, theo bảng chỉ dẫn, đường sẽ đi tới huyện lỵ Hoàng Su Phì, tuy rất muốn nhưng chúng tôi chưa thể đến với ruộng bậc thang, danh thắng cấp quốc gia trong dịp này đựơc. Chúng tôi dừng lại ngang sườn dốc của điểm cao 673, từ độ khoảng 300m so với mặt biển này, bằng mắt thường nhìn về phía Bây Bắc, một dải đường biên giới với một màu xanh trải dài hết tầm mắt, không còn trơ trọi, trắng toát màu vôi của điểm cao 300-400, 685, 772, cái màu đất đỏ ở 1509 cũng chìm trong mây và cây lá. Nói đến 1509 chúng tôi lại nhớ bức điện cuối cùng của viên Chỉ huy cấp Tiểu đoàn của đối phương khi chúng tấn công vào bình độ 1100 của điểm cao này, bị bộ đội ta chặn đánh, sau nhiều giờ giao tranh, Tiểu đoàn này đã bị ta tiêu diệt. Y tức tốc điện về cho chỉ huy: “Tiểu đoàn của tôi chỉ còn có 8 người…” và trong trận đánh năm 1986 ấy toàn mặt trận đã bẻ gẫy các mũi tiến công của định tiêu diệt 1500 tên…
Chúng tôi muốn dứng đây thật lâu để cảm nhận cái tương phản của màu xanh hiện tại và màu trắng như vôi trong ký ức, giữa những tiếng gầm của súng, đạn và nhịp sống thanh bình hiện tại.
Trong cuộc giao tranh giữa 2 bên trên đất Thanh Thuỷ này những năm 1984-1988, đối phương thường dùng hoả lực mạnh khi chúng tiến công sâm lấn và nhất là khi quân ta tiến công đánh chúng, vì vậy đã gây rất nhiều tổn thất cho cán bộ, chiến sỹ ta, nhiều đồng chí không tìm được thi thể. Để tưởng nhớ những những đồng đội đã hy sinh không thể trở về, những người lính Sư đoàn 356 tự góp được trên 100 triệu đồng, để xây Đài hương tưởng niệm trên điểm cao 468 xã Thanh Thuỷ, là địa điểm nằm trong khu vực giao tranh, với ước nguyện làm nơi thăm viếng và là cầu nối với những hương hồn đồng đội đã hy sinh. Và hôm nay 11.7.2014, Ban liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn 356 khu vực Hà Nội đại diện tổ chức Lễ tưởng niệm đồng đội và những liệt sĩ hy sinh nhưng chưa quy tập được hài cốt để các cựu chiến binh và thân nhân thắp hương tạiĐài hương này.
Tiến về 468 phải đi bộ gần 1 km dốc cao, vòng vèo trên sườn núi, Hùng gọi một chiếc xem ôm để trở ông Tuyến, không ngần ngại ông Tuyến sua tay, không, “Tui đi bộ được”. Cả đoạn đường dốc cao ấy ông Tuyến vẫn hành quân bằng đôi chân 72 tuổi, y như ngày ông tham chiến cách đây 30 năm trước, trong cái ngỡ ngàng, chúng tôi tự hiểu đó là sức mạnh của tình đồng đội.
Đài hương dần hiện ra, vừa nhìn thấy ông Tuyến đứng sững lại mặc cho đoàn người phải lách qua ông đi tiếp, ông đứng ngây ra nhìn thẳng cây hương không nói gì, hai hàng nước mắt trào ra thay lời ông tâm sự với người đã mất. Đài tưởng niệm hiên ngang đứng sừng sững, mái cong của đài hương tựa như vòng tay chào đón hương hồn các liệt sỹ, khói hương từ cây hương và những lễ vật dâng viếng nghi ngút bay lên, mùi thơm lan toả. Đoàn người thăm viếng mỗi lúc một đông, trong không khí linh thiêng, những người lính già là đội tuyên văn trước đây ôm đàn guitar hát cho đồng đội nghe: “Hãy về đây đồng đội ơi”, đoàn người thăm viếng đã không cầm được nước mắt…
Công sở Xã Thanh Thuỷ
Sau Lễ tưởng niệm trang nghiêm tại Đài hương, chúng tôi đi cùng Ban liên lạc Bạn chiến đấu Sư đoàn 356 - khu vực Hà Nội, tổ chức tới thăm và trao tặng quà của các cựu binh - Hà Nội cho bà con nhân dân xã Thanh Thuỷ, quà tặng đợt này trị giá 20 triệu đồng, số tiền được anh em đóng góp mua sách vở, quần áo mới trao cho xã để chuyển tới bà con khó khăn trong các thôn bản.
Toà nhà công sở xã Thanh Thuỷ chỉ cách Đài hương vài trăm mét, cao 3 tầng, khang trang, nằm trên khu đất cách đường biên giới khoảng 2km, nơi đây những năm chiến tranh là khu vực giao tranh ác liệt, đất đá trơ trọi do đạn hoả lực cày sới, ban ngày không ai có thể qua lại. Bước vào công sở ông Tuyến hể hả nói với đồng chí trưởng đoàn Nguyễn Đức
Vị Xuyên tháng 7 năm 2014
Ý kiến bạn đọc