Bản Lý đổi thay sau 10 năm thảm họa lũ quét
Đêm 18, rạng sáng ngày 19.7.2004 là những giờ phút kinh hoàng đối với người dân thôn Bản Lý, xã Du Tiến (Yên Minh). Những tiếng kêu thất thanh, vô vọng trong đêm tối mịt mờ của các nạn nhân giữa dòng nước mênh mông khi cơn lũ quét bất ngờ ập đến.
Dòng nước lũ đã “nuốt chửng” gần 20 ngôi nhà trong thôn cùng hàng chục ha hoa màu, của cải của người dân, biến Bản Lý thành “bản trắng” như cách mà nhiều người vẫn gọi 10 năm trước. Nhưng với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hơn hết là nghị lực vươn lên phi thường của những người may mắn sống sót sau trận lũ, Bản Lý giờ đây đang đổi thay từng ngày.
Nhiều ngôi nhà, cửa hàng kinh doanh được xây dựng ngay trên vùng đất lũ trước kia.
Ngẹn ngào những ký ức
Đối với mỗi người dân Bản Lý nói riêng, xã Du Tiến nói chung, ai đã từng chứng kiến cảnh hoang tàn khi cơn lũ càn qua 10 năm trước đều không thể quên được những hình ảnh tang thương đó. Đôi mắt đỏ hoe, lời kể đứt quãng, chị Nguyễn Thị Đướng nhớ lại: “Lúc ấy khoảng 10 giờ tối, mưa mỗi lúc một nặng hạt, nước nhanh chóng dâng lên đến nền đất dưới sàn cuốn đi chiếc xe máy và máy xát đặt phía dưới. Khi đó cả gia đình tôi bế các con và dìu bố mẹ bỏ nhà chạy đi tìm chỗ trú. Qua một gia đình ở sườn núi, thấy nhiều người trong thôn đang tụ tập ở đó, nghĩ là an toàn nên cả gia đình tôi cũng lên tránh lũ. Sau 30 phút yên ắng, một tiếng nổ lớn như xẻ đôi quả núi, nước và hàng tấn đất đá theo nhau làm sập và cuốn ngôi nhà cùng mọi thứ đi...”.
Cơn lũ đã không đánh gục được chị Đướng nhưng nó đã cướp đi 2 đứa con thơ và bố, mẹ chồng của chị. Gia đình chị trước cơn lũ được coi là khá giả nhất thôn nhưng nước lũ đã cuốn trôi toàn bộ hoa màu, hơn 10 con trâu, bò, gần 100 con dê và nhiều gia cầm... Mất mát đó là quá lớn đối với một người phụ nữ mới ở tuổi 24, nhưng chị Đướng vẫn may mắn vì cơn lũ đã không cướp đi chồng và cậu con trai út mới gần 2 tuổi của chị. Cũng may mắn sống sót sau cơn lũ, anh Nguyễn Văn Hơi đau đớn kể: “Dòng nước lũ bất ngờ ập đến khi hầu hết mọi người trong nhà tôi đã vào giấc ngủ. Cả gia đình có 9 người nhưng chỉ duy nhất tôi còn sống. Đau xót nhất là người vợ cùng đứa con chưa chào đời cũng bị nước lũ cướp đi mạng sống”.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Đướng chịu khó phát triển kinh tế vươn lên sau lũ.
Cơn lũ quét lịch sử quét qua Du Tiến đã cướp đi gần 40 sinh mạng, hơn một nửa trong số đó là người Bản Lý. Sức tàn phá của nước lũ khiến tất cả những ai chứng kiến đều phải bàng hoàng. Đồng chí Nguyễn Văn Bằng, nguyên Bí thư xã Du Tiến xót xa kể lại: “Khi ấy tôi đang nghỉ phép để lo tang lễ cho bố, đến rạng sáng ngày 19.7.2004 thì nhận được tin dữ, tôi cùng các lãnh đạo của huyện tức tốc vào xã. Không thể tin vào mắt mình, chỉ có nước và... nước, cả một bản gần như biến mất. Không khí tang thương bao trùm khắp nơi. Những tiếng khóc xé lòng bên thi thể người thân. Nhiều người chưa hết bàng hoàng và tin là sự thật. Đó không chỉ là một trận lũ mà là thảm họa đối với người dân Du Tiến”.
Bản Lý đang đổi thay từng ngày
Lũ quét khiến hầu hết các gia đình ở Bản Lý mất đi người thân, ruộng vườn, nhà cửa,... tất cả chỉ còn lại hai bàn tay trắng. Ngay lập tức, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương cùng nhân dân cả nước hướng về vùng lũ, chia sẻ đau thương, mất mát và chung tay góp công, góp của hỗ trợ người dân tái thiết lại cuộc sống và tiếp tục sản xuất. Toàn bộ các hộ dân được di dời đến nơi ở mới, các gia đình được cấp phát lương thực trong 6 tháng, xây dựng nhà để ổn định lại cuộc sống.
10 năm đã qua, gạt đi những mất mát, đau thương và nhờ tính chịu thương, chịu khó chăn nuôi trâu, bò rẽ cho anh em, hàng xóm; cơ khí hóa nông nghiệp nâng cao năng suất, sản lượng lương thực và sự nhanh nhẹn trong kinh doanh buôn bán, vợ chồng chị Nguyễn Thị Đướng giờ đây đã có thêm 2 người con và một cơ ngơi với 2 ngôi nhà rộng rãi, kiên cố.
Với anh Nguyễn Văn Hơi, sau lũ chỉ còn lại một thân một mình, hai bàn tay trắng, giờ đây anh đã yên ổn bên người vợ mới với 2 đứa con ngoan ngoãn trong ngôi nhà sàn kiên cố mới dựng xong, anh chia sẻ: “Trước khi lũ đến, tôi từng vào quân ngũ, có lẽ vì đời lính rèn cho tôi một ý chí mạnh mẽ mới có thể vượt qua nỗi đau và có được như ngày hôm nay”.
Nói về Bản Lý hôm nay, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trường Nguyên vui mừng chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với những chính sách hỗ trợ sản xuất và hơn hết là nghị lực phi thường của bà con, cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao. Hiện nay, Bản Lý có 43 hộ nhưng chỉ còn 7 hộ nghèo và các hộ đều đã có nhà kiên cố. Con đường huyết mạch từ huyện xuyên qua Bản Lý đến trung tâm xã đã được nhựa hóa. Hầu hết đường vào các hộ được bê-tông hóa... Hơn nữa, Bản Lý được xã Du Tiến chọn làm điểm để xây dựng Nông thôn mới”.
Từ những nỗ lực đó, Bản Lý bây giờ không còn là “bản trắng” ngày nào, thay vào đó là những ngôi nhà mới, khang trang, thậm chí nhiều ngôi nhà, cửa hàng mọc lên ngay trên vùng đất lũ 10 năm trước; đường giao thông dần được kiên cố hóa và người dân ngày càng có nhiều của ăn, của để...
Dạo qua một vòng Bản Lý trước khi chia tay những con người đầy ý chí, nghị lực nơi đây, chúng tôi biết không chỉ gia đình chị Đướng, anh Hơi mà rất nhiều hộ gia đình khác ở Bản Lý đã trải qua thảm họa lũ quét 10 năm trước giờ đây đều có cuộc sống ổn định và đang ngày càng khấm khá hơn. Điều đó càng khiến chúng tôi vui mừng vì Bản Lý đã khoác lên mình một bộ áo mới.
Ý kiến bạn đọc