Xã Vần Chải - khó khăn trong xóa đói, giảm nghèo
HGĐT- Cách trung tâm huyện Đồng Văn khoảng hơn 20km, Vần Chải là xã đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 60%; đường giao thông đến xã và các thôn bản rất vất vả trong việc đi lại giao lưu với các xã, các thôn bản vùng lân cận đang là vấn đề được cấp ủy, chính quyền và người dân quan tâm.
Học sinh đang “đánh vật” với những con đường đá từ nhà đến trường.
Anh Thào Pháy Chá, Bí thư Đảng ủy xã tâm sự: Vần Chải là xã vùng cao của huyện Đồng Văn, chủ yếu là đồng bào người dân tộc Mông sinh sống với phần đa là hộ nghèo. Các hộ dân nơi đây chủ yếu trồng lúa, ngô và chăn nuôi nhỏ lẻ; diện tích đất canh tác ít, năng suất thấp do chưa thay đổi được tập quán canh tác cũ (trồng dày và không biết chăm sóc đúng kỹ thuật), không có phân bón đầy đủ nhất là đến mùa khô và tình trạng thiếu nước trầm trọng nên năm nào người dân ở đây cũng thiếu lương thực. Chăn nuôi chỉ để phục vụ trong cuộc sống hàng ngày như: Nuôi ngựa để thồ lúa, ngô mùa thu hoạch và đi chợ, nuôi trâu để kéo cày, nuôi lợn để làm thực phẩm, chưa phát triển sản xuất hàng hóa. Khó khăn trong sản xuất của bà con xã Vần Chải không chỉ là không có hệ thống thủy lợi, không có máy móc cơ giới hỗ trợ, không áp dụng được khoa học kỹ thuật mà còn do bị ảnh hưởng bởi thời tiết khí hậu khắc nghiệt. Đã có những mùa vụ bà con gieo trồng lúa, ngô không được thu hoạch do hạn hán hay lạnh quá cây trồng không sinh trưởng, phát triển được. UBND huyện và xã phải hỗ trợ khẩn cấp để bà con có giống gieo trồng đúng thời vụ, sản xuất được lương thực, đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
Không cam lòng với cảnh đói nghèo, lãnh đạo xã luôn trăn trở, suy nghĩ phải tìm cách mở rộng đất trồng cây lương thực và chăn nuôi, giúp bà con có đủ lương thực và tiến tới thoát nghèo. Năm 2013, UBND xã đã tuyên truyền cho người dân vay vốn Ngân hàng CSXH huyện để phát triển nuôi ong mật và trồng thêm các giống cây lương thực phục vụ đời sống nhân dân. Nói về công tác XĐGN, cấp ủy, chính quyền xã cho biết: Luôn quan tâm tới việc cải thiện đời sống của bà con trong xã; các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cho đồng bào dân tộc, cho người nghèo đều được triển khai đầy đủ. Tuy nhiên, việc XĐGN đang là “bài toán khó” tại đây bởi trình độ dân trí thấp, đường xá đi lại khó khăn, việc tiếp cận tiến bộ KHKT vào sản xuất để nâng cao năng suất ngô, lúa và chăn nuôi của bà con rất hạn chế; các chính sách hỗ trợ bà con không phát huy được hiệu quả. Đến nay, xã Vần Chải vẫn còn 462 hộ nghèo, chiếm trên 60%.
Lương thực kém năng suất, đường xá đi lại khó khăn là vấn đề nan giải đối với người dân nơi đây. Để đến trung tâm xã bằng xe máy phải là những người tay lái vững mới đi được, quãng đường còn lại là leo qua những quả đồi, những đoạn đường đá lô nhô. Mỗi lần có việc ra UBND xã, người dân đi mất nửa ngày đường; mỗi phiên chợ, người dân muốn mua các đồ dùng, lương thực thực phẩm phải đi bộ trên con đường đá rất vất vả. Đường xá khó khăn nên mọi hoạt động sản xuất của bà con nơi đây chỉ để “tự cung, tự cấp”, không trao đổi hàng hóa được nhiều, việc tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất ngô, lúa của bà con rất hạn chế. Từ việc đường xá không thuận lợi nên việc kéo điện lưới về xã cũng chưa được thực hiện. Hiện nay, xã Vần Chải còn 6 thôn chưa có điện để thắp sáng, rất khó khăn trong đời sống cũng như sinh hoạt của người dân.
Đường giao thông đi lại khó khăn, thiếu điện và thiếu nước vào mùa khô chính là “nút thắt” của sự đói nghèo nơi đây. Xác định được sự khó khăn đó, UBND huyện và xã đã có nhiều biện pháp hỗ trợ nhưng cái đói, cái nghèo vẫn theo bám người dân nơi đây.
Ý kiến bạn đọc