Vừ Già Pó sau ngày trở về
HGĐT- Không còn cảnh xin ăn từng bữa khi lưu lạc nơi đất khách, ngôi nhà nhỏ của Vừ Già Pó (người đàn ông lưu lạc 5.800km từ Mèo Vạc sang tận đất nước Pakistan) lại ấm áp tiếng cười sau ngày đoàn tụ, nhưng hệ lụy của những tháng ngày ròng rã tìm chồng đã khiến cho gia đình Vừ Già Pó rơi vào con đường nghèo đói và đến bây giờ đó vẫn đang là một lời cảnh báo với những ai có ý định vượt biên lao động trái phép.
Kiệt quệ vì... tìm chồng
Kể từ khi nghe theo lời bố vợ cùng mấy anh em họ hàng bên nhà vợ trốn sang Trung Quốc làm thuê, Vừ Già Pó đâu biết rằng đã để lại cho vợ con sự lo lắng và khiến cho kinh tế gia đình kiệt quệ. Theo lời kể của chị Ly Thị Lía (vợ của Pó) cũng như khẳng định của cán bộ xã Khâu Vai thì trước đây, gia đình Vừ Già Pó thuộc diện khá giả trong thôn. Bình thường, vợ chồng chị trồng tới nửa tạ ngô giống một vụ nên chưa bao giờ phải lo cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Bên cạnh đó, bò cũng có tới 5 con nên gia đình chị luôn được mọi người trong thôn khâm phục về đức tính cần cù, chịu khó. Nhưng từ lúc Vừ Già Pó được xem như bị mất tích nơi xứ lạ đã khiến cho người vợ ở nhà khóc cạn nước mắt và phải bán gần hết bò để tìm chồng. “Từ ngày anh Pó đi lâu không thấy về nên ở nhà lo lắm. Không có chồng thì đi làm mệt lắm vì phải làm cả phần của chồng nữa”, chị Lía chia sẻ.
Sau ngày trở về, Vừ Già Pó tích cực lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.
(Trong ảnh: Vừ Già Pó cùng vợ và con chăm sóc ngô).
Chuỗi ngày đổ mồ hôi trên nương rẫy để nuôi tới 4 miệng ăn cũng không mệt mỏi bằng việc chờ chồng trở về. Hễ nghe tin ai đi làm ở bên Trung Quốc trở về là người phụ nữ Ly Thị Lía lại lật đật tìm cách thuê xe đến tận nhà để hỏi thăm tin tức của chồng. Không nhớ rõ đã vượt qua bao nhiêu ngọn núi, đến bao nhiêu nhà để hỏi thăm về chồng, chỉ có một điều chắc chắn rằng, chị Lía đã phải bán 4 con bò để lấy tiền thuê xe. Từ ngày Vừ Già Pó đi làm thuê không trở về, những tiếng cười ấm áp trong ngôi nhà nhỏ cũng chẳng còn, thay vào đó là sự lạnh lẽo và tâm lý nặng nề khi tối đến người phụ nữ Ly Thị Lía chỉ biết ngậm ngùi ôm ấp mấy đứa con thơ, để rồi những giọt nước mắt âm thầm chảy mỗi đêm. Thậm chí, cái nghèo đang có nguy cơ quay trở về và buồn hơn khi những đứa con của chị cũng bắt đầu không quan tâm nhiều đến cái chữ...
Lời cảnh báo muộn màng
Nghe tin đã tìm thấy người chồng sau gần 2 năm mất tích, vợ con Vừ Già Pó như vỡ òa trong hạnh phúc. Bao nhiêu ngày tháng mòn mỏi chờ đợi nay cũng thấy người chồng trở về. Sau ngày đoàn tụ cùng gia đình, người đàn ông dân tộc Mông vẫn còn chưa tin rằng mình lại có được giây phút may mắn như ngày hôm nay. Trên chặng đường lưu lạc, có lúc tưởng chừng gục ngã nơi đất khách nhưng vợ, con là động lực để Vừ Già Pó gắng sức tìm về quê hương. Ngôi nhà nhỏ nằm nép mình bên sườn núi nay cũng ít người đến thăm hỏi và vợ chồng Vừ Già Pó lại trở về với “quỹ đạo” cuộc sống trước đây. “Đúng là chẳng đâu bằng nhà mình, có vất vả một tí còn hơn phải đi làm thuê khổ cực mà lại không được ở cạnh vợ con”, Vừ Già Pó tâm sự.
Nhớ lại thời gian đầu sang làm thuê bên Trung Quốc, Vừ Già Pó vẫn còn “rùng mình” kể lại câu chuyện hãi hùng khi phải “oằn mình” hứng chịu những trận đánh từ người chủ cai. Không chỉ phải làm việc cật lực hàng ngày mà đến miếng ăn, nước uống cũng không đủ. Nếu ai có ý chống đối cách ngược đãi của ông chủ thì đều bị đánh. Thậm chí chỉ cần làm một việc gì đó bị sai rất nhỏ cũng bị đánh, hay đến mức làm việc mệt quá nghỉ ngơi một chút thì ngay lập tức bị đòn roi... “Mới đầu nghe lời dụ dỗ ngon ngọt cứ tưởng rằng dễ kiếm tiền, nhưng sang tới đó mới biết. Tiền chẳng được bao nhiêu còn bị đánh thì gần như ai cũng bị vài lần. Khổ lắm!”, anh Pó kể. Theo như lời anh thì “có cho vàng cũng không sang Trung Quốc làm thuê nữa”. Những gì đã trải qua là một cái giá quá đắt cho sự nhẹ dạ, cả tin vào lời hứa ngon ngọt của kẻ môi giới và đó sẽ là câu chuyện để Vừ Già Pó kể lại cho anh em, họ hàng biết được rằng: kết quả của việc đi lao động trái phép chỉ là những mất mát cả về thể xác lẫn tinh thần.
Nay được trở về trong niềm vui khôn xiết của gia đình cũng như bản thân, Vừ Già Pó dường như không muốn nhắc đến thời gian làm thuê cơ cực nơi xứ người và cũng chẳng vui gì khi phải lưu lạc qua bao miền đất xa lạ. Đối với anh, bây giờ làm sao để vực dậy kinh tế gia đình và bù đắp cho vợ con mới là quan trọng nhất. Chính vì thế, gặp anh cùng gia đình đang chăm sóc ngô trên nương giữa cái nắng hè như đổ lửa, Vừ Già Pó vẫn luôn nở nụ cười tươi và người vợ của anh, chị Ly Thị Lía như cũng thêm phần hạnh phúc. Dù muộn màng nhưng cũng đủ thời gian để cho anh “sửa sai” và đó là lời cảnh báo đối với những người có ý định vượt biên đi Trung Quốc lao động trái phép.
Ý kiến bạn đọc