Tránh để... rượu, bia ảnh hưởng đến việc công
HGĐT- Thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, những năm qua, tỉnh ta luôn chú trọng chấn chỉnh, đôn đốc đổi mới phong cách, lề lối làm việc ở các cấp, ngành. Ngày 8.11.2011, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 09-CT/TU về đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thi hành công vụ. Ngày 11.1.2013, Chủ tịch UBND tỉnh có Chỉ thị 02-CT/UBND về nâng cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phong cách, lề lối làm việc của lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đã và đang tạo ra bước chuyển biến ở các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng công vụ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta vẫn có thể thấy đâu đó biểu hiện sinh hoạt thiếu ý thức, thói quen thiếu tích cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của các cơ quan, công sở. Một trong những biểu hiện đó là việc sử dụng rượu, bia thái quá trong buổi sáng, trưa các ngày làm việc. Chúng ta đều biết, trong quy định của Nhà nước không cho phép cán bộ, đảng viên sử dụng rượu, bia túy lúy trong ngày làm việc. Vì thế, trong cả nước đã từng có những vụ việc cán bộ, đảng viên nhậu nhẹt giữa giờ trưa, trong ngày làm việc, tạo nên dư luận xấu trong xã hội và đã bị công luận phơi bày.
Với Hà Giang, do đặc thù là một tỉnh điểm đầu cực Bắc Tổ quốc, sở hữu nhiều di sản thiên nhiên, văn hóa..., vì thế tỉnh ta thường xuyên đón các đoàn khách từ khắp nơi. Cùng với đó, do địa hình chia cắt, khó khăn nên việc đi công tác từ địa phương này đến địa phương kia, khó sớm đi, trưa về. Xét về tình cảm, về truyền thống, khó tránh khỏi chén rượu, chén chè khi đi công tác xa. Cũng chính vì điều đó mà bấy lâu nay, ở chỗ nọ, chỗ kia, chúng ta vẫn bắt gặp những buổi tiếp khách khứa buổi trưa trong ngày làm việc mà sau khi đứng dậy, nhiều người tím tái mặt mày vì rượu, bia. Thậm chí ở đâu đó, còn có “tư duy” làm cán bộ phải biết... uống rượu. Hay đã hội nghị là phải... uống rượu. Không biết có phải vì vậy mà ở một địa phương như tỉnh ta, có thời điểm ghi nhận đến hơn 20 thương hiệu rượu và mỗi huyện có từ 1 – 2 loại rượu, có huyện có đến 3 – 4 tên thương hiệu rượu!. Ngay tại thành phố Hà Giang và các vùng lân cận, có không ít cơ sở sản xuất rượu với công nghệ khó có thể làm người tiêu dùng an tâm. Đó là những điều đáng để chúng ta lưu tâm.
Có thể nói, hình ảnh cán bộ, công chức bước vào các quán nhậu buổi trưa trong ngày làm việc và những tiếng zô hò cốc chén đều đặn ở một vài cơ quan nào đó..., là một hình ảnh không nên có. Cá biệt, có đơn vị, cá nhân còn sử dụng cả... xe công để đến các quán sá lại càng không nên. Từng trăn trở vì điều này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã có “Thư ngỏ” về vấn đề sử dụng xe công. Và ngay lập tức, tâm sự chí tình, chí lý qua bức thư ngỏ ấy đã mang đến những chuyển biến tích cực khi trên tuyến phốẩm thực và nhiều điểm ăn uống ở thành phố, ở nhiều nơi trong tỉnh, hình ảnh xe công “gác chân” nơi quán sá đã giảm đi rất nhiều.
Ngày 13.2.2014, Tỉnh ủy có Công văn số 3585-CV/TU về việc Tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối làm việc và nâng cao chất lượng công vụ trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể. Trong công văn, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu: Từng cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy định về thực thi công vụ, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng hình ảnh cơ quan, hình ảnh người đứng đầu về sự gương mẫu và tác phong trong công việc; yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không sử dụng rượu, bia trong giờ hành chính và trong các buổi tiếp khách buổi trưa vào các ngày làm việc... Các Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện Chỉ thị 09 của BTV Tỉnh ủy. Trong quá trình triển khai thực hiện, kiên quyết xử lý, kỷ luật nghiêm các trường hợp vi phạm và có dấu hiệu vi phạm.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bàn Đức Vinh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh bày tỏ sự đồng tình cao với yêu cầu của Thường trực Tỉnh ủy đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không sử dụng rượu, bia trong giờ hành chính và trong các buổi tiếp khách buổi trưa vào các ngày làm việc. Đồng chí cho biết, để thực hiện điều này cần phải có sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên và để thực hiện rộng rãi, cần giao cho MTTQ và các tổ chức đoàn thể giám sát thực hiện, bởi nếu không có giám sát thì đâu sẽ lại vào đó. Để chủ trương đi vào thực tiễn thì cái khó đó là... tư duy và tỉnh cảm. Một ví dụ về khó khăn có thể dẫn chứng là trước nay, không ít đám cưới của cán bộ, đảng viên, con em cán bộ, đảng viên thường tổ chức vào buổi trưa các ngày làm việc, trong các đám cưới, chủ, khách đều không tránh được rượu mừng hạnh phúc...
Mặc dù vậy, theo chúng tôi, cái gì bước đầu cũng khó khăn. Thực tế nhiều tỉnh, nhiều bộ, ngành đã thực hiện nghiêm túc việc không uống rượu, bia buổi trưa trong ngày làm việc, được dư luận đồng tình. Với thói quen của một số người, yêu cầu không sử dụng rượu, bia buổi trưa trong ngày làm việc có thể không làm họ hài lòng. Ngược lại, có những người luôn miệng kêu than mệt mỏi vì “phải”... rượu, bia nhiều. Xin được hỏi, tại sao các anh, chị lại phải kêu than về một điều vô lý như vậy!?. Thực tế đã có rất nhiều người phải trả giá đắt với các hậu quả từ rượu, bia như: Tai nạn giao thông, các bệnh tật về thần kinh, về gan, dạ dày, tiêu hóa, ung thư, vô sinh... Từ đó, gây ra không ít tổn hại cho xã hội. Vì một nền hành chính văn minh, chuyên nghiệp phục vụ nhân dân và vì tương lai, mỗi chúng ta nên cùng suy ngẫm trước những yêu cầu mà cấp ủy, chính quyền tỉnh đề ra trong việc đổi mới và tiếp tục đổi mới tác phong, lề lối làm việc.
Ý kiến bạn đọc