Người dân Pờ Chù Lủng với những thiếu thốn hiện hữu
HGĐT- Nằm giữa thung lũng của những dãy núi cao nhất trong khu vực, 47 hộ dân thôn Pờ Chù Lủng, xã Ngam La (Yên Minh) những năm qua gần như tách biệt với bên ngoài và thiếu nhiều yếu tố phục vụ cho cuộc sống bởi con đường độc đạo từ trung tâm xã vào thôn dài gần 10 km hoàn toàn là đường đất, đá và có độ dốc cao... khiến cho việc đi lại cực kỳ khó khăn. Người dân Pờ Chù Lủng những năm qua thực sự “khát” điện, nước sạch và các công trình hạ tầng thiếu yếu, buộc họ hàng ngày phải sống chung với những khó khăn, thiếu thốn.
Muôn mặt khó khăn:
Theo chân anh Huấn, cán bộ xã Ngam La ngược những con dốc có độ cao lên đến 15 độ để tới Pờ Chù Lủng. Con đường dài gần 10 km, nhưng cố lắm chúng tôi cũng chỉ có thể “bò” bằng xe máy được 2/3 quãng đường rồi phải bỏ xe để “cuốc bộ” đến Pờ Chù Lủng. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ được “mục sở thị” con đường liên thôn khó đi nhất ở Ngam La chúng tôi cũng đến được cụm dân cư đầu tiên của Pờ Chù Lủng. Anh Huấn cho chúng tôi biết: “Đây là tổ 1, tổ có đường giao thông thuận lợi nhất và cũng gần trung tâm xã nhất, còn để đến 2 tổ dân cư còn lại thì từ tổ 1 phải đi mất 45 phút đến 1 tiếng rưỡi nữa mới đến được tổ cuối cùng của thôn và hoàn toàn phải “cuốc bộ” qua các sườn núi theo các lối mòn mới đến được chứ không phải đi xe máy rồi bỏ lại ngang đường như chúng tôi từ xã đến đây”.
Pờ Chù Lủng hiện có 47 hộ thì có tới 43 hộ nghèo. Hiện nay, hầu hết những ngôi nhà ở đây vẫn được làm hoàn toàn bằng gỗ, ngay cả phần mái nhà cũng được lợp bằng ván gỗ. Anh Lù Chú Tính chia sẻ: “Các hộ ở đây ai cũng muốn xây nhà tường gạch, xi măng, mái lợp bro xi măng nhưng đường khó đi quá, xe không đi được nên không mang vật liệu về thôn được”. Bên cạnh đó, diện tích đất hẹp, không có nước nên cây lương thực chính và duy nhất được bà con trong thôn trồng là cây ngô địa phương và chỉ trồng được 1 vụ nên năng suất cũng không cao, không đáp ứng đủ nhu cầu lương thực, nhiều hộ dân vẫn rơi vào tình trạng thiếu đói giáp hạt; với độ dốc lớn, diện tích hẹp nên chăn nuôi gia súc cũng không phát triển mạnh.
Thiếu nước sinh hoạt những tháng mùa khô, các hộ dân phải đào hố trữ nước không đảm bảo chất lượng vệ sinh. (Trong ảnh: Người dân lấy nước ăn từ các hố trữ nước).
Một khó khăn lớn nữa mà người dân Pờ Chù Lủng đang gặp phải là thiếu nước sinh hoạt trong những tháng mùa khô. Anh Lù Súa Chảo, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Vào các tháng mùa mưa, các hộ có thể dự trữ đủ nước sinh hoạt, còn khi mùa khô đến, các hộ phải sử dụng nước ở những hố nước được bà con đào xung quanh nhà với chiều rộng từ 1,5 đến 2m, sâu từ 2 đến 3m, hố ở những nơi thấp nhất cũng có thể dự trữ được khoảng 1 khối nước. Vì không phải là nước nguồn lại không có biện pháp bảo đảm vệ sinh nên chất lượng nước ở các hố này đều không đủ độ sạch cần thiết. Trung bình mỗi cụm dân cư ở Pờ Chù Lủng có khoảng từ 40 đến 50 hố trữ nước kiểu này nhưng chỉ có hơn 10 hố nước có thể tạm sử dụng để ăn và sinh hoạt còn lại không thể sử dụng. Hơn nữa các hố đều không có rào chắn nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người và gia súc. Bên cạnh những khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế cũng như sinh hoạt thì hiện nay Pờ Chù Lủng vẫn chưa có đường điện và sóng điện thoại. Mỗi lần họp xã, thôn, các cánbộ phải mất hàng tuần mới thông báo được hết cho người dân... điều này khiến cho việc nắm bắt, trao đổi thông tin trong nội thôn và thôn với xã trở nên vô cùng khó khăn; các chủ chương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con chậm.
Những khó khăn đang hiện hữu ở Pờ Chù Lủng cũng ảnh hưởng rất lớn tới công tác giáo dục. Cả thôn có 2 điểm trường gồm mầm non và tiểu học thì được đặt ở 2 tổ khác nhau. Vì vậy sỹ số học sinh điểm tiểu học luôn không ổn định bởi một số em phải một mình đi bộ từ tổ nọ sang tổ kia để đến lớp và một số em đủ tuổi vào mầm non ở 2 tổ không đặt điểm trường không có người đưa đi cũng không thể tự đến lớp... Bên cạnh đó, các điểm trường đều là nhà tạm, bàn ghế và các đồ dùng không đủ tiêu chuẩn... nên việc truyền dạy kiến thức cho các em cũng không thể đạt chất lượng như mong muốn... Có thể thấy người dân Pờ Chù Lủng đã và vẫn đang ngày ngày đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ:
Trước những khó khăn của Pờ Chù Lủng, năm 2011, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư xây dựng một hồ treo tại tổ 1 của thôn, cùng với đó là mở rộng tuyến đường nối từ trung tâm xã đến tổ 1. Đầu năm 2014, sau chuyến công tác tại Ngam La và Pờ Chù Lủng của Bí thư Huyện ủy Yên Minh Trần Xuân Thủy, Ban thường vụ Huyện ủy Yên Minh đã quyết định hỗ trợ 15 hộ dân ở tổ 1 mỗi hộ 2 triệu đồng, điểm trường của thôn 10 triệu đồng để xây dựng bể chứa nước; hỗ trợ 100 triệu đồng tu sửa, nâng cấp điểm trường với quy mô 2 phòng học, 1 phòng giáo viên. Cùng với đó, huyện cũng ra chủ trương chỉ đạo xã tổ chức huy động nhân dân trong thôn mở rộng đường nội thôn từ tổ 2 đi tổ 3... Tuy nhiên đến nay, hồ treo ở Pờ Chù Lủng mới hoàn thành chưa được 50%, những hỗ trợ khác vẫn đang trong thời gian triển khai.
Với thực tế những khó khăn còn tồn tại ở Pờ Chù Lủng, thì sự hỗ trợ đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng hiện tại mới chỉ dừng lại ở mức độ giảm thiểu phần nào các khó khăn trước mắt. Người dân ở Pờ Chù Lủng mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn nữa, đặc biệt là tu sửa, mở rộng các tuyến đường từ xã đến thôn, từ tổ 1 đi tổ 2, tổ 3 bởi hiện tại dù con đường từ xã đến tổ 1 của Pờ Chù Lủng đã được mở rộng nhưng vẫn cực kỳ khó đi và độ dốc quá lớn, 2 đoạn đường nối các nhóm hộ của thôn vẫn còn là đường mòn, các phương tiện giao thông cơ giới không thể đến những điểm này. Đối với bà con ở Pờ Chù Lủng thì giao thông là yếu tố tiên quyết để hỗ trợ, thúc đẩy giao lưu trao đổi hàng hóa, thông tin giúp nâng cao đời sống, giảm nghèo. Bên cạnh đó, hơn 20 năm nay các hộ dân nơi đây vẫn chưa một ngày được sử dụng các thiết bị điện phục vụ cho sinh hoạt cũng như thưởng thức văn hóa. Họ khao khát mỗi khi đêm xuống, từng ngôi nhà có ánh sáng từ những bóng điện, chiếc ti vi, con cái được đến trường đúng tuổi,... nhưng cho đến nay hàng ngày họ vẫn phải sống chung với những thiếu thốn không biết bao giờ mới chấm dứt.
Ý kiến bạn đọc