Khi “phái đẹp” làm báo
HGĐT- Lịch đi tác nghiệp “dày đặc” ở cơ sở, có thể gặp phải những khó khăn, nguy hiểm trên đường đi về vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và có cả những chuyến đi trở về “tay trắng”... Với tôi, là Nhà báo nữ, để hoàn thành nhiệm vụ được Ban Biên tập giao và có những tác phẩm báo chí chất lượng thì ngoài việc phải đảm bảo có một sức khỏe tốt, cần phải giám “dẫn thân” bằng một tình yêu nghề tha thiết.
Phóng viên Báo Hà Giang tác nghiệp tại cơ sơ. Ảnh: PV
Còn nhớ, ngày chọn trường đăng ký hồ sơ thi đại học cách đây hơn 10 năm, mẹ tôi khuyên nên đăng ký vào trường sư phạm, mẹ thích con gái trở thành một giáo viên dạy văn, dễ... lấy chồng và có thời gian chăm sóc gia đình; còn làm một Nhà báo nữ thì lắm gian truân; nhưng tôi mê cái nghề Báo từ ngày còn là con bé học cấp hai, khi thấy các cô, chú trên ti vi đi làm phóng sự, dẫn chương trình truyền hình và tôi ước một ngày có được cái máy ảnh của riêng mình để “lang thang”, ghi lại những khoảnh khắc chân thực nhất của cuộc sống... Vậy nên tôi giấu mẹ nộp hồ sơ thi vào ngành Báo chí, rồi thuyết phục mẹ cho đi học khi có giấy báo trúng tuyển. Mẹ buồn nhưng tôi cương quyết với cái lý do đơn giản là: Phải được học, được làm nghề mà mình thích thì mới làm nhiệt tình và hiệu quả được.
Vậy mà cũng đã hơn 6 tuổi nghề, có thể chưa là gì so với những tên tuổi lớn trong làng báo tỉnh nhà, nhưng với tôi đó là cả một sự khởi đầu đầy long đong, vất vả cùng những chuyến “độc hành”. Không thể ngờ rằng, chính nghề Báo lại giúp tôi từ một người con gái xứ Nghệ xa xôi bén duyên với mảnh đất nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc này.
Có rất nhiều kỷ niệm vui, buồn cùng với những chuyến đi đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc, đã có những cuộc hẹn hò yêu đương bị lỡ hẹn vì cái lịch đi công tác đột xuất; đã có những ngày mệt mỏi ngẫm lại lời mẹ dạy năm nào có phần đúng, nhưng hơn tất cả, tình yêu nghề vẫn mãnh liệt và thôi thúc tôi “cầm bút”.
Kỷ niệm trong một lần đi công tác cùng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh về thôn Phiêng Lùng, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê); con đường đến Phiêng Lùng như sợi dây thừng vắt ngược lên sườn núi thách thức cả những người ưa thích mạo hiểm; chỉ cách thị trấn Yên Phú có gần 3km, nhưng đoàn công tác phải qua sông, vượt rừng, đi bộ gần nửa ngày trời mới đến nơi. Giữa cái nắng oi nồng, Nhà báo cõng trên lưng gần chục kg trọng lượng bao gồm máy tính xách tay, máy ảnh, phụ kiện kèm theo để có thể tác nghiệp ngay khi cần thiết. Anh bạn đi cùng đoàn xua tan cái mệt mỏi bằng câu nói đùa: Anh ước mình có gấp đôi sức khỏe để mang cái ba lô cho em. Anh nói vậy bởi tất cả mọi người trong đoàn đều đang phải cõng trên lưng trọng lượng như thế. Đợt ấy, chúng tôi mang quà và sách giáo khoa lên tặng cho người dân và các em học sinh.
Lại kể những chuyến đi cùng các đoàn công tác của Trung ương về vùng Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê trong tình trạng sức khỏe không tốt; những khúc cua tay áo liên tục đã khiến tôi bị say xe đến chao đảo, xanh xao mặt mày...Ấy vậy mà vừa xuống xe, đã phải tác nghiệp, ghi lại tất cả các hoạt động của đoàn, có cả những hôm nhịn ăn trưa để làm tin cho kịp gửi về tòa soạn, đảm bảo tính thời sự của sự kiện; lại có những lần dấn thân vào vùng lũ quét, sạt lở đất, điểm nóng để phản ánh thông tin kịp thời đến với người dân; lang thang những xã vùng biên giới ghi lại hình ảnh chân thực của người dân nơi đây; có những chuyến công tác một mình lên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn mà chẳng may xe máy hỏng giữa dốc cao trong khi thời tiết không thuận lợi, phải nhờ sự giúp đỡ của người qua đường; và cả những áp lực, lo lắng khi được Ban Biên tập giao trách nhiệm tác nghiệp ở những sự kiện lớn, quan trọng của tỉnh với cường độ làm việc căng thẳng. Có đôi khi mệt mỏi, tôi bật khóc..., thèm khát được ngồi phòng điều hòa trong cái nắng gắt gỏng mùa Hè, đi làm về đúng giờ hành chính như cô bạn thân của tôi đang làm nhân viên văn phòng, mẹ tôi lại mang ra để so sánh hai cái nghề... Tuy nhiên, để đổi lấy những chuyến đi... tôi tin, mình “lãi hơn” các bạn ấy rất nhiều. Đi về với cơ sở, với người dân, tôi có thêm vốn sống để trưởng thành hơn, để sống làm người có ích, có cơ hội thỏa sức thể hiện niềm đam mê viết, chụp ảnh... và niềm vui càng trọn vẹn hơn khi có những tác phẩm có chất lượng đoạt giải báo chí của tỉnh...
Là Nhà báo nữ, chúng tôi vừa phải hoàn thành công việc ngoài xã hội, vừa phải chỉn chu việc gia đình. Nhân bài viết này, tôi mong muốn các đức ông chồng đang có vợ làm Nhà báo, hãy thông cảm và chia sẻ với công việc đặc thù của chúng tôi để cùng “giữ ấm” ngọn lửa gia đình, bởi cũng như bao người phụ nữ khác, những Nhà báo nữ dù có mạnh mẽ, can trường đến đâu, cũng luôn khao khát được hạnh phúc trong sự che chở, yêu thương của gia đình.
Ý kiến bạn đọc