Chuyển hướng tích cực trong giải quyết việc làm cho người lao động

08:09, 25/06/2014

HGĐT- Khoảng 2.500 lao động của tỉnh đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) trong nước là tín hiệu khả quan, khẳng định thành công bước đầu của sự chuyển dịch hướng giải quyết việc làm từ đưa lao động đi xuất khẩu sang làm việc tại các nhà máy trong nước. Trong khi việc đưa lao động đi xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, thì sự chuyển hướng này rất kịp thời, cần tiếp tục phát huy.


Xuất khẩu lao động đạt... thấp

Chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một chủ trương lớn, được tỉnh ta quan tâm, tích cực triển khai với mong muốn, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định, giúp người lao động học hỏi kinh nghiệm, kiến thức, tác phong công nghiệp. XKLĐ - một lĩnh vực không mới, nhưng khó thực hiện trên địa bàn tỉnh, bởi lẽ theo nhận định của cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp xuất khẩu: Người lao động của tỉnh khó vào được những thị trường đòi hỏi tay nghề cao, chủ yếu làm việc ở các nước trình độ trung bình nên thu nhập không cao.


Triển khai chương trình XKLĐ, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho người lao động học nghề, vay vốn, đặc biệt lao động các huyện nghèo khi tham gia XKLĐ nhận được rất nhiều ưu đãi. Ngay khi có Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, giao các ngành chức năng, các huyện nghèo triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, các cơ quan liên quan đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách theo Quyết định 71 đến người dân, người lao động các huyện nghèo. Giai đoạn đầu triển khai, lao động rất hào hứng, nhiều người đăng ký tham gia và đã đi làm tại một số thị trường ngoài nước. Tuy nhiên, sau một vài năm đầu thuận lợi, chương trình XKLĐ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tuyển dụng, dẫn đến kết quả thấp, không đạt kế hoạch.


Ngay từ năm 2010, tỉnh ta được Cục Quản lý lao động nước ngoài (Bộ LĐ-TBXH), các doanh nghiệp XKLĐ trực tiếp lên phối hợp, triển khai tại 6 huyện nghèo, đã tổ chức tuyên truyền, tư vấn XKLĐ cho 1.379 lao động; có 578 người được đào tạo nghề, học ngoại ngữ, giáo dục định hướng tham gia XKLĐ; 280 lao động đã sang làm việc tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaisia. Những lao động tham gia chương trình xuất khẩu đều có việc làm ổn định, nhiều lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản đạt mức thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, con số lao động đi xuất khẩu còn quá thấp so với mục tiêu đề ra, chưa phát huy được tiềm năng lao động của tỉnh. Nguyên nhân, do công tác tuyên truyền chưa đủ mạnh để người dân nhận thấy lợi ích của XKLĐ; chính quyền địa phương, đặc biệt cấp thôn, xã, chưa nhận thức đầy đủ vai trò XKLĐ trong công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo bền vững... Thực trạng XKLĐ thời gian qua, đòi hỏi phải có sự thay đổi, chuyển dịch nhằm phát huy tiềm năng lao động của tỉnh.


Hướng đến thị trường trong nước

Trước những khó khăn về XKLĐ, ngành chức năng của tỉnh sớm có sự nhìn nhận, phân tích, đánh giá khách quan, đồng thời quyết định chuyển hướng đưa lao động đến làm việc tại thị trường trong nước. Sự chuyển hướng này đã mang lại những tín hiệu tích cực. Cụ thể, kế hoạch đề ra trong năm nay sẽ đưa 2.100 lao động đi làm việc tại các thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhưng, 6 tháng đầu năm đã có khoảng 2 nghìn lao động được tiếp nhận vào làm việc tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Dương... và còn nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh.


Trong chuyến khảo sát, tìm hiểu thực tế đời sống, việc làm của người lao động do Sở LĐ-TBXH tiến hành tại các KCN vừa qua đã mở ra nhiều triển vọng. Khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Bujeon Việt Nam , đoàn công tác nhận được sự đánh giá cao của giới chủ về lao động Hà Giang. Công ty TNHH Bujeon Việt Nam - KCN Quế Võ (Bắc Ninh), chuyên chế tạo các thiết bị tai nghe cho hãng điện thoại Sam Sung. Sau 4 năm hoạt động, Công ty giải quyết việc làm ổn định cho gần 5 nghìn người, trong đó có 359 lao động Hà Giang, với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng. Người lao động của tỉnh được Công ty bố trí ở toàn bộ tầng 1 khu ký túc xá, tổ chức xe đưa về quê nghỉ Tết...


Tại Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam - KCN Cẩm Giàng (Hải Dương), chuyên sản xuất thiết bị máy văn phòng, người lao động của tỉnh cũng được bố trí làm việc ổn định với nhiều chế độ ưu đãi. Công ty hiện có gần 6.800 lao động đang làm việc, trong đó 121 lao động người Hà Giang. Để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài, Công ty TNHH Công nghiệp Brother luôn thực hiện tốt các nghĩa vụ, trả đủ lương, thưởng hàng tháng theo đúng quy định, nộp đầy đủ các khoản bảo hiểm, hỗ trợ nhiều chi phí khác. Ngoài ra, Công ty còn xây dựng khu ký túc xá cho công nhân, hỗ trợ ăn trưa và ăn giữa ca cho người lao động, các khu vui chơi thể thao, truy cập internet miễn phí cũng được đầu tư xây dựng. Hàng năm, người lao động được nghỉ phép, tri trả công tác phí sau mỗi lần nghỉ phép, các ngày lễ, tết, Công ty đều trích một phần lợi nhuận hỗ trợ công nhân, bố trí xe đưa lao động về địa phương.


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Long, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho biết: Thị trường trong nước đang mở ra rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động của tỉnh. Qua các chuyến làm việc, nắm bắt nhu cầu tại các KCN đã ghi nhận, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển lao động trên địa bàn tỉnh với số lượng lớn. Tuy nhiên, quan điểm của ngành, chỉ đưa lao động đến làm việc khi các nhà máy đáp ứng tốt nhu cầu chỗ ở, chế độ lương hợp lý và cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định. Nhu cầu lao động trong nước rất lớn, nhưng vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là phải làm tốt công tác tuyên truyền, đào tạo nghề để người lao động chủ động đón đầu các cơ hội việc làm.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phóng viên không chuyên
HGĐT- Nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa và vai trò của công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; Đảng uỷ, Bộ CHQS tỉnh đã xây dựng chương trình phối hợp thực hiện chuyên mục “LLVT Hà Giang” trên sóng Đài Phát thành-Truyền hình tỉnh và Chuyên trang “Quân sự địa phương” trên Báo Hà Giang. Tính đến nay đã gần 20 năm, cứ đều đặn mỗi tháng CBCS LLVT và nhân
25/06/2014
Lực lượng vũ trang với công tác bảo vệ môi trường
HGĐT- Từ thực tiễn những năm qua cho thấy, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra cháy rừng, mưa lớn, bão lốc, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đá... đã gây thiệt hại to lớn về người, của cải và vật chất; làm thiệt hại lớn đến phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đời sống sinh hoạt, công tác của CBCS và nhân dân các dân tộc, đồng thời gây hậu quả không nhỏ đến môi trường sinh thái.
25/06/2014
Những kỷ niệm nơi biên cương
HGĐT- Hơn 25 năm làm báo, tôi không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần đến với các Đồn Biên phòng. Chỉ biết rằng tình cảm của những người lính biên phòng, bà con nơi biên ải luôn in đậm trong tôi.
24/06/2014
Thanh niên tiêu biểu tỉnh ta tham dự Liên hoan thanh niên tiên tiến Đoàn Khối các cơ quan các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ IX
HGĐT- Trong các ngày từ 18 – 20.6, tại tỉnh Hải Dương đã diễn ra Liên hoan thanh niên tiên tiến Đoàn Khối các cơ quan (CCQ) các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ IX - năm 2014 do Đoàn Khối CCQ tỉnh Hải Dương đăng cai tổ chức. Đoàn đại biểu tỉnh ta do Bí thư Đoàn Khối CCQ tỉnh cùng 4 thanh niên tiên tiến tham dự.
23/06/2014