Chương trình Phát triển nhà ở xã hội - có đạt mục tiêu?
HGĐT- Phấn đấu đến năm 2015, giải quyết 50% nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công chức, người thu nhập thấp khu vực đô thị. Trong đó, 50% được mua nhà, 50% nhà cho thuê và thuê mua với diện tích bình quân 15m2/người, giải quyết nhà ở cho 1.630 người, khoảng 24.500m2 sàn xây dựng, tương đương 542 căn hộ... Đó là một nội dung của Chương trình Phát triển nhà ở xã hội, được HĐND tỉnh thông qua đầu năm 2013. Nhưng, quỹ thời đến 2015 còn rất ít, chương trình này liệu có đạt mục tiêu?
Mỏi mòn chờ đợi
Những ngày nắng nóng gay gắt vừa qua thực sự là quãng thời gian khổ ải đối với mỗi người sống trong căn nhà trọ. Chúng tôi đến “tổ ấm” của anh Nguyễn Đức Hùng, khu vực Trường Cao đẳng Sư phạm (phường Nguyễn Trãi - thành phố Hà Giang) vào một chiều muộn, khi cái nắng gay gắt đã tắt ở dãy núi mờ xa. Khu trọ gồm hai dãy nhà cấp 4 thấp tè, úp mặt vào nhau, mái lợp pro - xi măng, chủ đầu tư tận dụng triệt để diện tích bằng cách chia nhỏ mỗi phòng chưa đến mười m2. Trời tối, nhưng chỉ vài phòng trong khu trọ sáng đèn, phòng của Hùng cửa khóa im ỉm, gọi điện thoại thì được biết anh vẫn ở cơ quan để tránh cái nóng.
Khoảng mươi phút sau, Hùng về đến dãy nhà trọ. Mở cửa “tổ ấm”, Hùng bảo mọi người đứng đợi để anh bật quạt, xua đi cái hơi nóng vẫn hầm hập trong phòng. Căn phòng trọ bé xíu, khéo sắp xếp mới kê được chiếc giường đơn, tủ nhỏ đựng đồ, bếp nấu ăn và bàn làm việc. Hùng cho biết, để có được “tổ ấm” nhỏ xíu này, mỗi tháng anh cũng phải bỏ ra 500 nghìn từ đồng lương viên chức ít ỏi. Mặc dù nơi ở quá nóng, nhưng Hùng chưa dám chuyển đến chỗ khác, bởi lẽ những khu trọ tốt, giá thuê phòng từ 1-2 triệu đồng/tháng. Trong khi lương của cán bộ như anh chỉ 3 triệu đồng nên đành phải chui ra, chui vào khu nhà trọ nóng nực.
Hùng cho biết, đã sớm nắm bắt chủ trương và rất vui khi HĐND tỉnh có Nghị quyết thông qua Chương trình Phát triển nhà ở xã hội. Đây là một chủ trương đúng, giải quyết được những bức xúc về nhờ ở của cán bộ, công chức, người lao động thu nhập thấp. Cha ông ta đúc kết “An cư mới lạc nghiệp”, nhìn vào trường hợp của Hùng và rất nhiều người vẫn đang ở trọ thấy lời dạy vẫn nguyên giá trị. Những bức bối, chật chội từ tổ ấm nhỏ xíu ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe và hiệu suất công việc. Ngày hè nóng lực, giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn, ăn uống thất thường, nhiều đêm nóng bức không ngủ được, đến cơ quan làm việc, mắt nặng trĩu. Hùng cho biết thêm: Khi biết tỉnh có chủ trương phát triển nhà cho người thu nhập thấp, gia đình ở quê động viên cố gắng, mọi người chắt chiu, dành tiền để anh sở hữu căn hộ trong khu nhà ở xã hội. Thế nhưng, từ khi có chủ trương đến nay, theo dõi mãi không thấy động tĩnh gì, năm 2015 sắp đến rồi, chưa dự án nhà ở xã hội nào triển khai, không biết mục tiêu đề ra có thực hiện được, cũng không biết đến bao giờ anh mới sở hữu căn hộ dành cho người thu nhập thấp!
Nhà đầu tư cũng... oải!
Tính đến thời điểm này, trong số hơn một nghìn doanh nghiệp của tỉnh, duy nhất Công ty TNHH Đông Đô quan tâm, triển khai các thủ tục liên quan đến dự án nhà ở xã hội. Công ty TNHH Đông Đô thành lập từ năm 2002, chuyên thi công các công trình xây dựng cơ bản. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp luôn chủ động tìm hiểu, nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tế, năm 2011 Công ty có tờ trình xin chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng nhà trung cư tại thành phố Hà Giang. Mục tiêu đề ra là phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực thành phố; phát triển khu đô thị mới gồm nhà biệt thự, nhà liền kề, công viên nhỏ, khu kinh doanh dịch vụ.
Ông Bùi Điện Quang, Giám đốc Công ty TNHH Đông Đô cho biết: Nghị quyết về Chương trình Phát triển nhà ở xã hội được HĐND tỉnh thông qua, đã củng cố thêm quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực mới của doanh nghiệp. Thế nhưng, sau nhiều lần gửi công văn, đến nay mọi việc dường như vẫn “giậm chân tại chỗ”. Không hiểu vì lý do gì, năm nào doanh nghiệp cũng có tờ trình gửi các ngành chức năng, xin chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng, giao đất thực hiện dự án nhưng chưa được giải quyết. Dự án nhà ở cho người thu nhập thấp được doanh nghiệp dự kiến triển khai tại chân núi Cấm với diện tích 1,8-2ha. Trên diện tích này, sẽ triển khai các hạng mục đầu tư như đường giao thông, điện chiếu sáng, hệ thống cấp, thoát nước; nhà ở trung cư 5 tầng với 70-100 căn hộ; khu biệt thự, công viên cây xanh nhỏ, khu kinh doanh dịch vụ... Công ty đã chủ động các phương án về vốn, đảm bảo khi được duyệt sẽ triển khai nhanh, sớm giải quyết một phần nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp. Sau nhiều năm chờ đợi, doanh nghiệp thấy oải vì thủ tục giải quyết quá chậm, nguồn vốn bắt đầu phân tán - ông Bùi Điện Quang chia sẻ!
Sẽ mất cơ hội... “vàng”
Nếu chậm triển khai Chương trình Phát triển nhà ở xã hội, tỉnh ta sẽ bỏ lỡ “thời cơ vàng” - ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây Dựng khẳng định. Hiện nay, Chương trình Phát triển nhà ở xã hội đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm với các chính sách, thủ tục pháp lý thông thoáng, đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng đang được giải ngân. Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, kết quả rà soát năm 2012 xác định, nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp khoảng 3.258 người, dự báo giai đoạn 2011-2020 tăng lên 5 nghìn người. Như vậy, diện tích nhà ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị đến 2015 gần 49 nghìn m2, tương đương gần 1.084 căn hộ; đến năm 2020 khoảng 100 nghìn m2, tương đương 1.666 căn hộ.
Trên cơ sở kết quả soát, Chương trình Phát triển nhà ở xã hội của tỉnh đề ra mục tiêu, đến năm 2015 giải quyết 50% nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Trong đó, 50% được mua nhà, 50% nhà cho thuê và thuê mua với diện tích bình quân 15m2/người, giải quyết nhu cầu nhà ở cho 1.630 người, tương đương 24.500m2 sàn xây dựng, khoảng 542 căn hộ. Mục tiêu đề ra là vậy, nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì chứng tỏ chương trình này đang triển khai. Đem những băn khoan trao đổi với bà Lý Thị Hơn, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh được biết: Nghị quyết về Chương trình Phát triển nhà ở xã hội mới ra đời hơn một năm. HĐND tỉnh chưa tổ chức kiểm tra, giám sát nên chưa thể khẳng định có hiệu quả hay không!
Nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành, đòi hỏi phải được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc và rất cần sự quan tâm, chỉ đạo, thực hiện chặt chẽ để nó thực sự đi vào cuộc sống!
Ý kiến bạn đọc