Trung tâm Khuyến nông tỉnh giúp đỡ xã Nậm Ban xóa đói, giảm nghèo

06:55, 27/05/2014

HGĐT- Trong những năm qua, xã Nậm Ban (huyện Mèo Vạc) đang có sự phát triển trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là đời sống của bà con chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Chuyển biến đó có sự đóng góp to lớn của các cơ quan đỡ đầu, phụ trách xã của tỉnh và huyện, nổi bật là Trung tâm Khuyến nông tỉnh.



Cán bộ Trung tâm hướng dẫn người dân Nậm Ban sử dụng công cụ sạ hàng trong Mô hình sản xuất lúa gieo thẳng tại địa phương.

Ngay từ năm 2003, khi được BTV Tỉnh ủy phân công phụ trách, đỡ đầu xã Nậm Ban phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở vững mạnh: Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xác định, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, do đó hàng năm, Trung tâm tổ chức nhiều đoàn công tác tại xã nhằm nắm bắt tình hình chung; tham dự các phiên họp BCH Đảng bộ, hội nghị xóa đói giảm nghèo để bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng... Là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp nên Trung tâm chú trọng giúp xã phát triển sản xuất NLN, tập trung chủ yếu vào các cây trồng chính, vật nuôi chủ lực nhằm đảm bảo an ninh lượng thực, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân.


Toàn xã có trên 500 ha đất sản xuất, trong đó có 180 ha đất trồng lúa, có trên 70 ha đất lúa 2 vụ, trên 250 ha ngô, còn lại là đất trồng rau, đậu các loại... Tuy nhiên, trước kia, do tập quán canh tác lạc hậu nên diện tích giống lúa, ngô lai thấp, việc đầu tư thâm canh chưa được chú trọng nên năng suất, sản lượng không cao. Điều đó dẫn đến ngô, lúa làm ra không đủ ăn, nhiều hộ thiếu đói giáp hạt. Trên cơ sở nắm bắt tình hình chung, xác định được tiềm năng cũng như nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong sản xuất nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh bàn với xã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống kết hợp với đầu tư thâm canh. Bước vào thực hiện, do đất sản xuất phân tán nhỏ lẻ, tập quán canh tác lạc hậu nên việc đưa giống mới vào trồng đại trà, đẩy mạnh thâm canh gặp nhiều khó khăn. Trung tâm phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền và tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật theo phương pháp FFS ngay tại các thôn bản để giúp bà con dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo đã mang lại hiệu quả rất thiết thực: Trong hơn 10 năm qua, Trung tâm mở rất nhiều lớp kỹ thuật, chủ yếu tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới có năng suất chất lượng cao vào sản xuất, hướng dẫn đầu tư thâm canh cây trồng chính như: ngô, lúa, đậu tương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, luân canh tăng vụ. Bên cạnh việc tổ chức các lớp tập huấn, Trung tâm cũng thực hiện hàng chục mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp như: Mô hình canh tác trên đất dốc, mô hình nông, lâm kết hợp, thâm canh lúa lai, ngô lai, đậu tương giống mới, sản xuất lúa chất lượng cao; sản xuất lúa gieo thẳng bằng công cụ sạ hàng, mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, mô hình trồng cỏ chế biên thức ăn cho gia súc vụ Đông, mô hình luân canh tăng vụ theo công thức (lúa Xuân – lúa Mùa – khoai tây Đông) và nhiều mô hình khác. Qua đó đã giúp bà con nông dân đánh giá được hiệu quả của việc đưa giống mới vào gieo trồng, đầu tư thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, tham gia mô hình bà con không những được nâng cao kiến thức sản xuất mà còn có thêm kiến thức khoa học, học tập kinh nghiệm, cách làm hay từ các hộ khác để áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Nổi bật, trong năm 2004, Trung tâm thực hiện mô hình trồng, thâm canh lúa lai Shan ưu 63. Qua mô hình, bà con thấy lợi ích từ việc trồng lúa lai nên bắt đầu nhân rộng diện tích hàng năm. Cho đến nay, diện tích trồng lúa lai của xã hàng năm tăng lên khoảng 60 đến 70% tổng diện tích. Năm 2007, Trung tâm tiếp tục thực hiện mô hình trồng lúa chất lượng cao HT1 bằng công cụ sạ lúa theo hàng và 2011 Trung tâm đã mạnh dạn đưa giống lúa thuần chất lượng cao ĐS1 vào sản xuất tại xã đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và rất phù hợp với điều kiện, tiểu vùng khí hậu ở nơi này. Việc đưa mô hình giống lúa thuần năng suất, chất lượng cao vào sản xuất giúp cho bà con dần thay thế giống lúa thuần năng suất thấp không sử dụng giống đã bị thoái hóa, phân ly vào sản xuất. Từ mô hình đã thực hiện, bà con đã thay đổi được tư duy sản xuất, chuyển đổi diện tích trồng lúa HT1 và ĐS1 để thay thế giống cũ.


Từ sự hỗ trợ trong công tác tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn nên xã Nậm Ban giờ trở thành địa phương dẫn đầu toàn huyện trong sản xuất nông nghiệp, việc đầu tư trồng giống mới kết hợp với thâm canh đã trở thành việc làm thường xuyên của bà con. Nhờ đó, năng suất, sản lượng cây trồng chính trên địa bàn xã tăng đều hàng năm, tính đến năm 2013, năng suất lúa bình quân toàn xã đạt 55 tạ/ha, năng suất ngô đạt trên 33 tạ/ha. Riêng năng suất lúa tăng gần 20 tạ/ha so với năm 2003. Tổng sản lượng lương thực toàn xã đạt trên 2.500 tấn, tăng 1.000 tấn so với năm 2003. Ngoài giúp xã phát triển sản xuất nhằm đảm bảo an ninh lương thực, trong những năm qua, Trung tâm còn tìm hiểu tình hình thực tế, nghiên cứu để tham mưu cho xã phát triển sản xuất một số cây trồng có thế mạnh nhằm nâng cao đời sống cho bà con. Cụ thể như giúp xã phát triển diện tích cây đậu tương hàng hóa, đến nay xã đã có trên 400 ha đậu tương cả năm với năng suất đạt từ 13 đến 15 tạ/ha; phát triển diện tích trồng cỏ để chăn nuôi gia súc, tổng đàn trâu, bò của xã đã tăng lên gần 2.400 con. Bên cạnh đó, Trung tâm còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người dân trong xã nhân các dịp lễ, tết, kỳ khai giảng năm học mới. Trong 10 năm qua, Trung tâm đã giúp đỡ hỗ trợ xã với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, Đồng chí Mông Tiến Bộ, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ban cho biết: “Có thể khẳng định: Trong những năm qua, xã đã có sự phát triển mạnh trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng lương thực hàng năm. Nhờ đó, đến nay xã đã đảm bảo được an ninh lương thực với bình quân lương thực đầu người hàng năm đứng ở tốp đầu của huyện, đạt 640 kg/người/năm tỷ lệ hộ nghèo còn gần 40%. Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đơn vị được phân công phụ trách, đỡ đầu xã đóng góp công sức rất lớn vào thành công chung đó”.


Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình đỡ đầu, phụ trách xã với những việc làm cụ thể. Trong đó phối hợp với xã xóa 1 hộ nghèo là gia đình anh Mùng A Nắng, thôn Nà Tằm. Trung tâm đã cử cán bộ vào tận gia đình anh Nắng để xem xét tình hình, rút ra nguyên nhân dẫn đến đói nghèo và tìm giải pháp giúp gia đình phát triển kinh tế bền vững. Trước mắt, Trung tâm hỗ trợ gia đình anh Nắng xây dựng mô hình trồng khoai tây vụ 2 trên diện tích 1.000 m2, đồng thời hỗ trợ theo hình thức cho vay có thu hồi 100 kg phân đạm để đầu tư thâm canh cây trồng.


Khánh Toàn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đoàn từ thiện Hà Nội - Báo Hà Giang: Trao quà cho 100 hộ nghèo
HGĐT - Ngày 24.5, tại xã Lũng Chinh (Mèo Vạc), Đoàn từ thiện Hà Nội và Báo Hà Giang đã tổ chức trao quà cho các hộ nghèo. Đoàn từ thiện do ông Nguyễn Ngọc Cường làm Trưởng đoàn. Cùng đi có đại diện cho Công ty Thiên Ân Dược và bà con nhân xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Báo Hà Giang có đồng chí Sùng Mí Chứ, Phó Tổng biên tập; cùng dự còn có đại diện lãnh đạo huyện Mèo
26/05/2014
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam: Tri ân khách hàng và trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học huyện Đồng Văn
HGĐT- Ngày 24.5, tại trung tâm hội trường huyện Đồng Văn, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ (BHNT) Prudential Việt Nam tổ chức hội nghị tri ân khách hàng và trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn huyện Đồng Văn.
26/05/2014
Mèo Vạc: Phát động “Chung tay xoá đói giảm nghèo” năm 2014
HGĐT- Chiều ngày 23.5, tại xã Sủng Trà, UBND huyện Mèo Vạc đã tổ chức lễ phát động chung tay xoá đói giảm nghèo năm 2014. Tới dự có lãnh đạo Báo Hà Giang, lãnh đạo huyện Mèo Vạc; cán bộ, công chức các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện; cấp ủy, chính quyền 18 xã, thị trấn và hơn 300 hộ dân xã Sủng Trà.
26/05/2014
Nhiều hoạt động thiết thực hướng về cơ sở
HGĐT- “Tăng cường công tác tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp; tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, bảo vệ quyền và lợi ích của CNVC-LĐ; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp, góp
24/05/2014