Trở lại xóm hạ sơn thôn Hòa Sơn
HGĐT- “Sau 10 năm mưu sinh trên vùng đất mới (2002 -2012), người dân hạ sơn thôn Hòa Sơn, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) vẫn nghèo và gặp rất nhiều khó khăn. Làm gì để giúp bà con có cuộc sống ấm no hơn, đó là câu hỏi cần được chính quyền địa phương quan tâm, giải đáp”, đó là lời kết của bài viết “Vẫn nghèo sau 10 năm mưu sinh trên vùng đất mới” được đăng trên Báo Hà Giang số ra ngày 21.4.2012.
Đến nay đã tròn hai năm, xóm hạ sơn thôn Hòa Sơn đã được chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn, nhưng sự quan tâm đó chưa đủ để tạo nên sự đổi thay trong đời sống của bà con nơi đây.
Đường ống dẫn nước được tu sửa giúp người dân hạ sơn thôn Hòa Sơn có nguồn nước sinh hoạt ổn định.
Năm 2002, trên 30 hộ người dân tộc Mông ở xã Cán Tỷ, Đông Hà (Quản Bạ) nghe theo lời vận động của chính quyền hạ sơn về nơi ở mới tại thôn Hòa Sơn, xã Thuận Hòa. Bao đời sống trên núi cao, đường đi khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt nên hộ nào cũng vui vẻ, háo hức với niềm tin nơi ở mới có nhiều đất, nhiều nước hơn để trồng cây ngô, cây trồng lúa cho cuộc sống đỡ cơ cực. Tại đây, bà con được Nhà nước đầu tư làm nhà ở, được giao đất để khai hoang ruộng bậc thang, được đầu tư điện thắp sáng và hệ thống nước sinh hoạt. Sau 10 năm, xóm mới hạ sơn ngày nào đã khác, không còn cảnh ngổn ngang vật dụng làm nhà, vật liệu xây dựng, đất đai đang khai hoang, thay vào đó là những ngôi nhà cũ với kiến trúc không có gì thay đổi, nương bậc thang đã hình thành, điện thắp sáng trong mỗi nhà. Du vậy, có một điều không thay đổi là 100% hộ hạ sơn vẫn luẩn quẩn với nghèo đói quanh năm. “Ước mơ” về một cuộc sống khấm khá hơn vẫn quá xa vời khi điều kiện nơi ở mới cũng khó khăn không kém nơi bà con chuyển đi, đó là thiếu đất, thiếu nước sản xuất... Câu chuyện về xóm hạ sơn vẫn nghèo sau 10 năm mưu sinh trên vùng đất mới được thông tin trên Báo Hà Giang như một lời nhắm gửi đến chính quyền từ huyện đến xã cùng vào cuộc hỗ trợ, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Gia đình anh Tráng Mí Hạ, hộ duy nhất xóm hạ sơn có đàn trâu, bò trên 5 con.
Đầu tháng 4 vừa qua, tôi trở lại xóm hạ sơn thôn Hòa Sơn với mong muốn được chứng kiến sự đổi thay trong cuộc sống của bà con nơi đây. Trưởng thôn Hòa Sơn Hoàng Văn Quế cho biết, mấy năm qua, chính quyền địa phương cũng có sự quan tâm để giúp bà con vươn lên. Trước tiên là hệ thống kênh mương dẫn nước về tưới tiêu cho đất sản xuất nhiều năm hỏng hóc đã được tu sửa cuối năm 2012. Nhờ có nước nên bà con cũng đã chuyển đổi được khoảng 3 ha nương ngô sang trồng lúa. Đường dẫn nước sinh hoạt cũng được tu sửa, đáp ứng nhu cầu nươc sinh hoạt cho nhiều hộ. Bên cạnh đó, hàng năm, bà con cũng được hỗ trợ giống ngô mới về trồng, được tham gia các lớp tập huấn do khuyên nông tổ chức nên năng suất cây ngô giờ cũng đạt khoảng 28 tạ/ha. Thấy bà con nghèo nên người dân bản địa cũng tạo điều kiện cho khai hoang thêm đất ven đồi quanh thôn để sản xuất. Do đó, ngoài trên 22 ha đất sản xuất chính được cắm từ trước, nay xóm có thêm chục ha đất khai hoang trồng thêm cây ngô, cây sắn... Gặp lại Vừ Mí Tỏa, người chủ gia đình sinh năm 1986 mà tôi có dịp làm quen, hỏi chuyện trong chuyến đi về thôn 2 năm trước. Nhìn Tỏa già hơn rất nhiều so với hai năm trước cũng như so với tuổi 28 của mình. Ngồi trong ngôi nhà không có lấy một vật dụng đáng giá, Tỏa cho biết, cuộc sống của gia đình mình hiện vẫn còn cơ cực. So với hai năm trước, diện tích đất của gia đình có tăng thêm bởi anh khai khẩn đất trống trên đồi được hơn nghìn mét vuông để trồng sắn. Nhờ hệ thống kênh mương dẫn nước mới được tu sửa hoàn thiện nên gia đình cũng chuyển đổi vài trăm mét vuông trồng ngô sang trồng lúa vụ mùa ông với một vụ ngô. Tỏa chia sẻ: “Với diện tích đất sản xuất chưa đầy ha nên dù cố gắng nhiều nhưng ngô, lúa làm ra cũng chỉ đủ cho 8 miệng ăn trong vòng 7 đến 8 tháng. Mấy tháng giáp hạt tôi và vợ phải đi xuống thôn, xuống xã, ai thuê gì làm đấy để kiếm thêm ít tiền mua ngô, mua gao”. Giống như gia đình Vừ Mí Tỏa, cuộc sống của đa số hộ dân xóm hạ sơn vẫn còn rất khó khăn dù được chính quyền quan tâm nhiều hơn. Nguyên nhân chính vẫn là thiếu đất sản xuất bởi dù khai khẩn thêm hàng chục ha đất nhưng dân số lại tăng nhanh do bà con không chịu sinh đẻ có kế hoạch. Mặt khác, do điều kiện kinh tế khó khăn nên việc đầu tư thâm canh cho cây trồng còn hạn chế, năng suất ngô, lúa có tăng so với trước nhưng vẫn thấp hơn so với mặt bằng chung toàn xã. Kênh mương được tu sửa nhưng cũng chỉ đáp ứng được nước tưới tiêu cho vài ha để bà con chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng lúa. Diện tích còn lại vẫn dựa hoàn toàn vào nước trời, thời tiết thuận lợi như năm nay thì cây ngô tươi tốt, năm nào nắng hạn cây ngô, cấy lúa héo hon, còi cọc. Sản xuất khó khăn, chăn nuôi gia súc, gia cầm không phát triển nên đến nay sau 12 năm hạ sơn mới chỉ có 3 hộ tạm thoát khỏi đói nghèo vươn lên cận nghèo.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa, Lộc Văn Giang cho biết, mấy năm vừa qua, chính quyền xã cũng rất quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cho bà con xóm hạ sơn có cuộc sống khá hơn. Tuy nhiên, xã cũng chỉ hỗ trợ về giống ngô cho bà con theo chính sách nhà nước và hỗ trợ, thăm hỏi khi bà con thiếu đói giáp hạt. Để người dân hạ sơn thôn Hòa Sơn thoát nghèo bền vững cần có sự vào cuộc tích cực của huyện Vị Xuyên với những giải pháp hỗ trợ toàn diện. Trong đó trọng tâm là hỗ trợ vốn giúp bà con đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; đầu tư thâm canh, cải tạo đất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng ngô, lúa. Bên cạnh đó, thôn còn diện tích đất rừng do cộng đồng quản lý, có thể nghiêm cứu giao rừng cho bà con quản lý chăm sóc, giúp bà con có thêm thu nhập. Người dân trong thôn rất chịu khó, ngoài thời gian nông nhàn bà con thường đi khắp nơi để làm thuê, làm mướn, công cán rẻ mạt mà công việc cũng không ổn định. Do đó, huyện có thể hỗ trợ đào tạo nghèo trực tiếp cho bà con và giới thiệu việc làm cho bà con có nguồn thu ổn định...
Chương trình hạ sơn là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giúp đồng bào vùng có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ về mọi mặt. Tuy nhiên, qua thực tế ở xóm hạ sơn thôn Hòa Sơn cho thấy, việc lựa chọn địa điểm để bà con di dân đến cũng cần được các ngành chức năng xem xét kỹ bởi bà con không chỉ sinh sống tập trung, có điện, có đường mà điều quan trọng hơn đó là điều kiện sản xuất phải tốt hơn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Ý kiến bạn đọc