Thực trạng và giải pháp trong bảo vệ môi trường ở Vị Xuyên
HGĐT - Trong những năm qua, cùng với sự phát triển KT - XH của cả nước, của tỉnh, huyện Vị Xuyên đã không ngừng phát triển và được coi là huyện động lực, đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân không ngừng được nâng cao. Cùng với sự phát triển kinh tế, hàng loạt các cơ sở sản xuất, nhà máy ra đời, kéo theo các vấn đề về môi trường như chất thải trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khai thác, chế biến khoáng sản... làm cho môi trường sinh thái bị ô nhiễm theo xu hướng ngày càng tăng, môi trường đất, nước, không khí, rác thải rắn với nhiều mức độ, nhiều nguyên nhân và các yếu tố tác động khác nhau.
Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, thời gian qua, huyện Vị Xuyên đã triển khai các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ môi trường tại Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy, Khu Công nghiệp Bình Vàng, các khu vực khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa như mong đợi, nhiều nhà đầu tư không thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường. Trước thực trạng đó, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, UBND huyện Vị Xuyên ban hành các chính sách, chương trình kế hoạch về bảo vệ môi trường, công tác quản lý Nhà nước về môi trường được chú trọng hơn, nhất là quy hoạch bãi xử lý, chôn lấp chất thải sinh hoạt; quy hoạch khu xử lý chất thải Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, Khu công nghiệp Bình Vàng và bãi xử lý chất thải sinh hoạt tại thị trấn Vị Xuyên, Việt Lâm. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, khu vực trung tâm thị trấn huyện, khu Cửa khẩu Thanh Thủy, khu công nghiệp Bình Vàng chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp được thực hiện tương đối tốt. Các nhà máy, cơ quan, xí nghiệp đều hợp đồng với đội dịch vụ công cộng và môi trường của huyện tiến hành thu gom và vận chuyển đến bãi xử lý chôn lấp, còn lại chất thải rắn khác được thực hiện theo quy định. Năm 2013, tổng tuyến đường phải thu gom chất thải là gần 36 km; số lượng thu gom rác thải tăng lên 20 tấn/ngày; số điểm chung chuyển rác thải là 17 điểm, rác thải sau khi được tập kết tại các điểm đều được vận chuyển đi từ 2 - 5 chuyến/ngày, vào dịp ngày lễ, tết có thể lên tới 10 - 13 chuyến/ngày. Các nhà máy trong Khu công nghiệp Bình Vàng, Cửa khẩu Thanh Thủy hầu hết đều có hợp đồng thu gom và vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định của tỉnh, các chất thải rắn được xử lý tại bãi chôn lấp. Đối với việc thu gom và xử lý nước thải, một số nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn không có hệ thống thu gom và thoát nước thải riêng với nước mưa, nên khi thải ra môi trường không đạt tiêu chuẩn cho phép. Phần lớn các dự án đầu tư trong Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy, Khu công nghiệp Bình Vàng, các cơ sở sản xuất, chế biến có hệ thống nước thải cục bộ, nước thải của các nhà máy được xử lý sơ bộ sau đó thải vào hệ thống thoát nước chung hoặc chảy trực tiếp ra sông suối. Một số dự án không có hệ thống xử lý cục bộ, nước thải từ các cơ sở sản xuất được thải thẳng ra sông, suối ở mức độ ô nhiễm vượt tiêu chuẩn môi trường theo quy định. Đối với việc xử lý, thu gom khí thải, hầu hết ô nhiễm khí thải tập trung chủ yếu ở các nhà máy, lò thủ công sản xuất gạch. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng nước sông, suối tại các vị trí tiếp nhận nước thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến ngày một xấu đi. Tuy nhiên, theo kết quả quan trắc mới nhất của Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, chất lượng môi trường không khí tại các Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, Khu công nghiệp Bình Vàng, các cơ sở sản xuất hiện nay trên địa bàn huyện Vị Xuyên còn ở trạng thái sạch, ngoại trừ thông số bụi tại một số vị trí, nơi tiếp nhận nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép.
Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường và hạn chế mức độ ô nhiễm, bảo đảm các loại chất thải trước khi thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn môi trường, việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường trong thời gian tới cần phải có các giải pháp cụ thể để thực hiện: Trước hết phải tăng cường công cụ pháp lý, đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo chất lượng môi trường tại các cơ sở sản xuất, khai thác, chế biến khoáng sản đạt tiêu chuẩn môi trường. Các chủ đầu tư, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lâm sản, làm vật liệu thông thường, khai thác, chế biến khoáng sản phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, xây dựng khu vực lưu trữ chất thải tạm thời theo đúng quy định của Luật trong khoảng thời gian nhất định. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường; phòng ngừa những tác động xấu đối với môi trường và hỗ trợ xử lý môi trường. Có như vậy môi trường mới trong sạch, lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ý kiến bạn đọc