Người dân Cao Bồ khổ vì... đường bê - tông (!)

07:18, 27/05/2014

HGĐT- Đã nhiều tháng nay, câu chuyện về làm đường bê - tông nông thôn ở xã Cao Bồ (Vị Xuyên) vẫn chưa hết “nóng”. Bức xúc của người dân nơi đây ngày một tăng cao khi còn quá nhiều vướng mắc chưa được giải đáp, thậm chí dư luận còn cho rằng chính quyền xã đã ép dân phải đóng góp số tiền vượt quá khả năng của một số gia đình. Để tìm hiểu thực hư câu chuyện, chúng tôi đã có buổi làm việc với người dân và chính quyền xã nhằm làm rõ vấn đề này



Người dân thôn Thăm Vè, xã Cao Bồ chỉ rõ đoạn đường không thực hiện đúng theo thiết kế.


   Máy trộn bê-tông được mua nhưng nằm “đắp chiếu” chưa một lần sử dụng.

Khi lòng dân không thuận:

Vùng đất Cao Bồ thuộc xã vùng 3, bấy lâu nay được xem là “lãnh địa” của chè cổ thụ và thảo quả nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ vì trở ngại về đường giao thông. Vì thế, có đường bê - tông thay thế con đường đất đá mấp mô luôn là ước mơ của người dân nơi đây. Khi biết có chủ trương xây dựng đường bê-tông từ trung tâm xã vào tận thôn cuối cùng của xã khiến những người nông dân vui như “mở cờ”. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, đoạn đường cứ “nhùng nhằng” mãi không xong bởi nhiều hộ không đồng thuận khi phải “oằn mình” đóng góp số tiền khá lớn. Đến tận bây giờ, gần 9 tháng trôi qua kể từ ngày dừng thi công, con đường vẫn đang trong tình trạng... “chờ” giải quyết (!).


Qua điều tra cho thấy, ngày 14.3.2013, UBND huyện Vị Xuyên đã ký Quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế dự toán công trình đường xi - măng trung tâm xã Cao Bồ đi thôn Lùng Tao (2km giai đoạn I) và giao cho UBND xã Cao Bồ làm chủ đầu tư. Nguồn vốn được lấy từ ngân sách huyện và nhân dân đóng góp. Công trình có tổng giá trị dự toán 2.026.391.000 đồng, trong đó nhân dân phải đóng góp 1.303.893.000 đồng. Ngay khi bắt tay vào thực hiện, xã Cao Bồ đã giao cho thành viên Ban chỉ đạo xuống các thôn tổ chức họp dân và đưa ra chủ trương mỗi gia đình đóng góp 2 triệu đồng để xây dựng 2km đường. Từ đây, nhiều ý kiến bắt đầu phát sinh khi xã Cao Bồ giao cho Trưởng thôn thu số tiền bình quân 2 triệu đồng đối với các hộ giàu, hộ nghèo bằng nhau, thậm chí cả hộ có người thuộc diện đang hưởng chế độ chính sách bảo trợ xã hội. Trên thực tế, 113 hộ đang sinh sống tại thôn Thăm Vè thì chỉ có 4 hộ giàu, 13 hộ khá, 72 hộ trung bình, 14 hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo. Theo đó, nhiều hộ kinh tế khó khăn đã bất bình không đóng tiền và khiếu nại về cách làm của xã. Chính vì thế, con đường từ trung tâm xã Cao Bồ đi thôn Lùng Tao dài 9km nhưng khi mới bước vào thực hiện thí điểm 2km giai đoạn I tại thôn Thăm Vè (từ tháng 3.2013) thì một nửa mặt đường chưa kịp hoàn thành đã phải dừng thi công vì lý do nhiều người dân không đồng tình với cách làm của chính quyền sở tại. Thêm vào đó, người dân càng bức xúc hơn khi chính quyền xã ép các hộ phải đóng tiền làm đường thì mới tạo điều kiện xác nhận giấy tờ chứng thực.


Có hay không chuyện chính quyền xã ép dân?

Theo đơn khiếu nại của một số người dân thôn Thăm Vè, thậm chí có lá đơn kèm theo chữ ký của 37 hộ, nêu rõ: Người dân trong thôn không được bàn bạc dân chủ về việc làm đường bê - tông; nhân dân chưa được bàn bạc đóng góp tiền nhưng xã đã vận chuyển xi - măng vào thôn rồi mới thông báo; Trưởng và Phó Công an xã nhiều lần mời làm việc nhưng không trả lời nội dung đơn lại còn đe dọa những người làm đơn; chính quyền xã không xác nhận giấy tờ chứng thực (đối với những hộ chưa nộp 2 triệu tiền làm đường) để con em các hộ được đi học, hay đi viện...


Trong khi người dân một mực khẳng định những điều đó thì trong buổi làm việc với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Cao Bồ - Cháng Văn Chanh - lại hoàn toàn phủ định. Tuy nhiên, trong Công văn số 35, ngày 12.9.2013 của UBND xã Cao Bồ trả lời đơn đề nghị của các hộ dân thôn Thăm Vè đã nêu rõ: “Hộ ông Bàn Văn Tâm khi đến xác nhận giấy tờ do chưa đóng góp các khoản đầy đủ, bộ phận chứng thực từ chối không xác nhận giấy tờ”. Hay trường hợp hộ ông Cháng Văn Sơn do chưa hoàn thành các khoản đóng góp thực hiện theo nghĩa vụ công dân và đặc biệt chưa đóng góp tiền làm đường nên xã đã không đóng dấu xác nhận. Theo tìm hiểu, mỗi hộ ở Cao Bồ phải đóng khoảng trên 200 nghìn đồng các loại quỹ mỗi năm và có thể hoàn thành vào cuối năm. Nhưng để có được dấu xác nhận của chính quyền xã thì các hộ phải nộp đủ số tiền quỹ và tiền làm đường 2 triệu đồng. “Với mục đích chính cũng là để người dân nộp tiền làm đường cho nhanh chứ thực ra chúng tôi cũng không gây khó khăn gì” – Chủ tịch Chanh cho biết. Có điều, trong suy nghĩ của người dân, với cách “thu tiền” như của xã Cao Bồ chẳng khác nào “ép người quá đáng”. Bên cạnh đó, theo phản ánh của người dân cũng như ghi nhận của phóng viên, xi - măng sau khi vận chuyển vào làm đường bê - tông do không bảo quản tốt nên một số ít bị hư hỏng, gây thiệt hại về tiền của Nhà nước và nhân dân. Bên cạnh đó, một nửa mặt đường (2km giai đoạn I) hiện đã làm xong, nhưng không đúng theo quy mô trong dự toán công trình. Lớp dưới cùng không được rải đá dăm lu lèn chặt dày 10cm; thậm chí, máy trộn bê - tông có nhưng không sử dụng dẫn đến mác bê - tông không đều làm giảm chất lượng công trình; không có hệ thống rãnh, cống thoát nước nên một số điểm có nguy cơ hư hỏng... Giải thích về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Cao Bồ cho rằng: “Do trong quá trình thi công chưa có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên”?. Hiện con đường bê - tông vẫn... “nằm chờ” và người dân thôn Thăm Vè ngày càng bức xúc khi không được giải thích tường tận. Thậm chí, một số hộ dân đã thẳng thắn bác bỏ các báo cáo xác minh của Tổ công tác và cho rằng những vấn đề nêu ra không đúng với thực tế. Ví dụ như việc không thông báo tới các hộ về đoàn công tác của tỉnh, huyện tới làm việc với người dân nhưng trong báo cáo lại cho rằng đã thông báo và đến tận nhà nhưng không có ai...


Sẽ rất khó để có buổi làm việc “tay ba” giúp làm sáng tỏ vấn đề và như vậy sẽ có nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh việc không phải ngẫu nhiên mà làm 2km đường bê - tông lại bị kéo dài quá lâu, cùng với đó là tình trạng đơn thư khiếu nại kéo dài, thậm chí vượt cấp?. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần sớm có giải pháp vào cuộc để công trình đường bê - tông nông thôn ở Cao Bồ sớm hoàn thành theo chủ trương của Nhà nước và tạo cho nhân dân sự yên tâm cần thiết.


KIM TIẾN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trung tâm Khuyến nông tỉnh giúp đỡ xã Nậm Ban xóa đói, giảm nghèo
HGĐT- Trong những năm qua, xã Nậm Ban (huyện Mèo Vạc) đang có sự phát triển trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là đời sống của bà con chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Chuyển biến đó có sự đóng góp to lớn của các cơ quan đỡ đầu, phụ trách xã của tỉnh và huyện, nổi bật là Trung tâm Khuyến nông tỉnh.
27/05/2014
Đồng Văn - triển vọng xóa đói, giảm nghèo từ làng nghề truyền thống
HGĐT- Việc phát triển các làng nghề nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, làm tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân. Hiện nay, Đồng Văn có 3 làng nghề đã được công nhận và 2 làng nghề đang xây dựng đem đến triển vọng xóa đói giảm nghèo ở nơi đây.
27/05/2014
Đoàn từ thiện Hà Nội - Báo Hà Giang: Trao quà cho 100 hộ nghèo
HGĐT - Ngày 24.5, tại xã Lũng Chinh (Mèo Vạc), Đoàn từ thiện Hà Nội và Báo Hà Giang đã tổ chức trao quà cho các hộ nghèo. Đoàn từ thiện do ông Nguyễn Ngọc Cường làm Trưởng đoàn. Cùng đi có đại diện cho Công ty Thiên Ân Dược và bà con nhân xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Báo Hà Giang có đồng chí Sùng Mí Chứ, Phó Tổng biên tập; cùng dự còn có đại diện lãnh đạo huyện Mèo
26/05/2014
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam: Tri ân khách hàng và trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học huyện Đồng Văn
HGĐT- Ngày 24.5, tại trung tâm hội trường huyện Đồng Văn, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ (BHNT) Prudential Việt Nam tổ chức hội nghị tri ân khách hàng và trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn huyện Đồng Văn.
26/05/2014