Đường lên Sơn Vĩ... không xa
HGĐT- 12 km đường giao thông huyết mạch, nối từ thôn Sủa Nhè Lử đi trung tâm xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc) vừa được rải nhựa đen bóng, đẹp như bức tranh mềm mại, uốn lượn ôm lấy những triền núi. Tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp III, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới đã rút ngắn khoảng cách địa lý, khoảng cách phát triển KT-XH của xã cuối trời Mèo Vạc với các địa phương trong tỉnh.
Đoạn đường vào trung tâm xã Sơn Vĩ đã hoàn thành.
Ký ức khó phai
Sơn Vĩ - mảnh đất vùng biên, nằm mãi nơi cuối trời hiện hữu trong ký ức những ai một lần đến là vùng đất khó, đầy khắc nghiệt, gian nan. Cái khó hiện hữu trong cuộc sống thường nhật của đồng bào nơi đây, khí hậu khắc nghiệt, đất canh tác hiếm, thiếu nước, đặc biệt là hệ thống giao thông nối trung tâm xã với các vùng lân cận. Thời kỳ Báo Hà Giang được BCH Đảng bộ tỉnh giao trọng trách đỡ đầu, giúp Sơn Vĩ phát triển kinh tế, XĐGN, chúng tôi đã nhiều lần đặt chân lên mảnh đất này. Trong những chuyến đi khảo sát thực tế, làm việc với chính quyền địa phương, đến với người dân, cán bộ, phóng viên Báo Hà Giang nhận thấy: Con người nơi đây rất cần mẫn, chịu khó. Những khó khăn về điều kiện tự nhiên, họ có thể khắc phục, nhưng hệ thống giao thông chưa được đầu tư, quá hiểm trở, một bên vách đá cao, một bên vực sâu luôn là lực cản của sự phát triển.
Mỗi lần cưỡi “ngựa sắt”, vượt hàng chục cây số đường lởm chởm đá, dốc cao dựng đứng vào Sơn Vĩ đều để lại kỷ niệm như kỳ tích trinh phục mảnh đất cuối trời. Nhưng chuyến đưa anh Đức Hải - phóng viên Báo Hà Nội đến Sơn Vĩ đầu Xuân 2011 thực sự ấn tượng. Dù tiết trời đã sang Xuân, nhưng ở nơi cuối trời, cái lạnh vẫn lùa về thấu xương, sương mù dày đặc, ẩm ướt khiến đường ướt nhét, trơn trượt. Xuất phát từ trung tâm huyện Mèo Vạc lúc 3h chiều, vượt hơn 30 km vào tới Sơn Vĩ trời đã tối xẩm. Nửa hành trình từ trung tâm huyện đến ngã ba biên giới, đường nhựa dễ đi, đèo dốc quanh co ôm dòng Nho Quế. Nhưng đoạn sau, đường lổn nhổn đá cục, trận mưa đêm trước làm sạt lở nhiều chỗ, hàng núi đất đá đổ xuống đường, phải dắt xe men theo bờ vực. Trải nghiệm thực tế trên “ngựa sắt”, anh Đức Hải thốt lên: May là ôtô của Văn phòng Huyện ủy và UBND huyện đều bận công tác, đường sá thế này xe gầm cao cũng “bó tay”, có khi phải cuốc bộ vài chục cây số, hết đêm chưa chắc tới!
Khai thác đá, tạo mặt bằng mở đường vào Sơn Vĩ.
Ký ức đó, đến nay vẫn còn in đậm trong chúng tôi, chuyến đi đó anh Đức Hải rất cảm phục nghị lực của những con người vì Sơn Vĩ mà gắn bó cả tuổi thanh xuân. Sơn Vĩ có gần 20 km đường biên giới, giáp Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) với 19 thôn, bản, địa bàn xa nhất như Séo Hồ, Lũng Lìn A, Lũng Lìn B, Trù Sán, cách trung tâm xã trên dưới 15 km. Địa hình dốc, mênh mang núi đá, mùa khô rất hiếm nước, đặc biệt các xóm Cò Sùng, Tù Lủng, Trù Sán phải đi vài km mới có khe nước từ núi đá rỉ xuống. Các cán bộ Biên phòng, giáo viên ở đây cho biết, độ chục năm nay giao thông đã bớt khó khăn. Trước đây, từ dốc Xín Cái vào phải đi bộ, đoạn qua Cán Chu Phìn có dốc “9 thang” phải bò bằng “bốn chân” mới qua được. Gần đến Sơn Vĩ, chỗ giáp đường biên có dốc Há Mồm đi qua hai quả núi giống hình cái mồm há to, qua được chỗ này mệt đến nỗi phải thở cả bằng mồm. Từ năm 2001 đã có đường dân sinh, ô tô vào được trung tâm xã và một số xóm, nhưng cứ mưa to là sạt lở. Cán bộ vào Sơn Vĩ công tác thấy cơn mưa là nơm nớp lo, phải ở lại cả tuần.
Cung đường... nối những bờ vui
Niềm khát khao, mong mỏi nhiều đời của người dân Sơn Vĩ là có con đường để việc đi lại, trao đổi hàng hóa được thuận tiện, con em đến trường đỡ vất vả, cán bộ, giáo viên ra huyện họp không còn cảnh phải “canh” trời mưa và khiêng xe máy... đang thành hiện thực. Tháng 8 năm 2013, các đơn vị thi công đã đưa máy móc, nhân lực, chính thức động thổ xây dựng con đường theo tiêu chuẩn cấp III với chiều dài 12 km, nối từ thôn Sủa Nhè Lử đến trung tâm xã. Trở lại Sơn Vĩ vào cuối tháng 4 vừa qua, xe ô tô đã chạy bon bon trên con đường rải nhựa đen bóng, thoáng cái đã tới nơi. Hiện tuyến đường nối trung tâm xã được các đơn vị thi công mở đá, tạo nền, rải nhựa đạt 90% khối lượng, toàn tuyến đẹp như bức tranh mềm mại, uốn lượn ôm lấy những triền núi cao.
Đi cùng chúng tôi vào Sơn Vĩ trên con đường nhựa mới rải xong, ông Tống Văn Huấn, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết: Có được nguồn vốn đầu tư, xây dựng con đường này là cả quá trình đàm phán bền bỉ, liên tục, nhiều năm của Chính phủ Việt Nam với Ngân hàng thế giới. Các đơn vị trúng thầu xây lắp rất nỗ lực, bởi lẽ thi công ở nơi đây với điều kiện vô cùng khó khăn, áp lực tiến độ lớn, trong khi khí hậu rất khắc nghiệt, ngày mưa, ẩm ướt nhiều hơn nắng nên khó khai thác đá và rải nhựa mặt đường.
Công ty TNHH MTV Đông Bắc - đơn vị thi công gói thầu có chiều dài 6,5km, ngay từ khi triển khai đã huy động lực lượng hùng hậu các thiết bị như máy xúc, máy lu, máy khai thác đá, ô tô tải cùng hàng chục công nhân kỹ thuật, ngày đêm bám trụ trên công trường. Ông Hoàng Thắng, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Gói thầu đơn vị thi công đi qua nhiều địa hình phức tạp, vách đá dựng đứng, lởm chởm. Để hoàn thành tiến độ đề ra, trên công trường luôn có lực lượng lao động từ 65-70 người, cùng các máy móc hỗ trợ phá đá, mở vách núi, tạo mặt bằng. Lực lượng lao động được rải trên toàn tuyến, khi thời tiết thuận lợi, độ ẩm thích hợp sẽ tiến hành rải nhựa.
Theo bà Phạm Kim Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Thành, đơn vị trúng thầu thi công gói đầu thôn Sủa Nhè Lử: Địa hình, thời tiết đoạn giáp ngã 3 biên giới tuy thuận lợi, nhưng lại không có đá. Giai đoạn đầu triển khai, nhà thầu xây lắp phải sang Trung Quốc, làm việc với các đối tác nhập đá về rải mặt đường. Nhưng, ở giai đoạn nước rút, phía Trung Quốc ngừng sản xuất, hàng chục công nhân đành ngồi chơi. Khi lên kiểm tra thực tế, trước áp lực tiến độ, ông Tống Văn Huấn đã làm cầu nối chia sẻ khó khăn bằng cách: Công ty TNHH MTV Đông Bắc huy động thêm nhân lực, tập trung khai thác đá, cung cấp cho gói thầu của Công ty TNHH Tiến Thành để cùng đẩy nhanh tiến độ, cố gắng thông xe toàn tuyến trước thời hạn đóng hiệp định vay vốn.
Hiện tại, tuyến đường dài 12 km cơ bản đã hoàn thành phần những việc chính, các nhà thầu thi công đang hoàn thiện công đoạn phụ, phấn đấu bàn giao trước thời gian quy định 2 tháng. Con đường ước mơ được đầu tư, xây dựng, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến người dân Sơn Vĩ và đang thực sự mở ra cơ hội cho người dân mảnh đất cuối trời.
Ý kiến bạn đọc