Ý kiến cử tri:

Ước mơ có cây cầu treo của người dân thôn Tà Làng

17:32, 23/04/2014

HGĐT - Nằm yên bình bên bờ sông Nho Quế, ngỡ tưởng 35 hộ dân thôn Tà Làng, xã Pải Lủng (Mèo Vạc) sống yên phận với những mảnh ruộng, nương ngô. Thế nhưng, sự hiểm nguy vẫn luôn rình rập người dân khi hàng ngày phải lội sông đi làm nương trong khi dòng nước lớn có lúc tràn về bất ngờ. Vì thế, từ nhiều năm nay, ước mơ có cây “cầu treo” đã trở thành nỗi khắc khoải của người dân nơi đây.


Một số người dân ở đây cho biết, sông Nho Quế ngăn cách thôn Tà Làng với thôn Khai Hoang, xã Thượng Phùng (Mèo Vạc), trong khi đó hầu hết các hộ gia đình trong thôn Tà Làng đều có ruộng nương phía bên kia sông. Do đó, lội qua sông là cách duy nhất để đến được nương rẫy. Đây cũng là phương thức mà bà con hai xã qua lại canh tác, học hành và giao lưu buôn bán. Anh Lù A Tỷ, Trưởng thôn Tà Làng cho biết: “Đã từ rất lâu, chúng tôi hàng ngày phải lội qua dòng sông có bề rộng tới hơn 50m để sang được bờ bên kia. Đó là khi nước cạn, còn vào mùa mưa, mực nước dâng cao thì bà con hai bên phải làm mảng gỗ để sang, nhưng nhiều lúc cũng không đảm bảo an toàn”. Đặc biệt, do trên dòng sông Nho Quế có nhiều công trình thủy điện của nước bạn Trung Quốc, thời gian xả nước diễn ra bất thường, không cố định, mực nước có lúc cao dâng cao từ 3 – 4m, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho nhân dân. Tuy nhiên, để đảm bảo cho cái ăn, cái mặc, người dân thuộc địa phận hai xã Thượng Phùng và Pải Lủng vẫn phải hàng ngày lội bộ qua dòng nước, dẫu biết rằng tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào.



Dù biết rất nguy hiểm nhưng người dân thôn Tà Làng, vẫn hàng ngày phải lội qua sông Nho Quế đi làm nương.
 

Theo tìm hiểu, do có nguồn nước dồi dào, khí hậu thuận lợi và thổ nhưỡng tốt, đặc biệt có dòng sông Nho Quế chảy qua nên hầu hết người dân trong xã Pải Lủng đều tìm đến mảnh đất Tà Làng để canh tác. Do vậy, nơi đây được xem như là “điểm nhấn” trong phát triển kinh tế của địa phương. Trong thôn có 4 dân tộc anh em cùng chung sống với trên 200 nhân khẩu. Vài năm trở lại đây, qua sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cùng với chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều hộ gia đình đã không còn lo đến chuyện “cơm không đủ ăn” và hiện chỉ còn 14 hộ thuộc diện nghèo. Thế nhưng, không có cầu treo, mỗi lần người dân phải lội qua sông gặp rất nhiều vất vả và nơm nớp lo sợ. Anh Nguyễn Văn Long, người dân trong thôn Tà Làng chia sẻ: “Có nhiều lần đi làm cố cho xong thì trời tối, chuẩn bị về thì nước sông dâng cao không về được nên đành phải ngủ qua đêm ở trên nương. Đàn ông chúng tôi còn biết nhìn mặt nước, nghe tiếng sóng để biết khi nào nước sắp dâng cao mà tránh chứ các cháu nhỏ và phụ nữ thì không biết đâu, nguy hiểm lắm”. Trước nhu cầu bức thiết đó, chính quyền và nhân dân hai xã mong muốn Nhà nước đầu tư xây dựng cho địa phương một chiếc cầu treo để việc đi lại của bà con được an toàn. Trong những buổi tiếp xúc cử tri, nguyện vọng chính đáng đó cũng được nhân dân đề xuất nhiều lần, nhưng đến nay, việc đầu tư xây dựng cầu vẫn chưa được tiến hành, còn nhân dân thì chỉ biết ngày đêm mong chờ. Đồng chí Lý Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Pải Lủng cho biết: Do chiều rộng của con sông khá lớn nên để sang được bờ bên kia bằng cách lội bộ hay dùng mảng gỗ mong manh trong thời gian nhanh chóng là không thể. Đã có trường hợp người dân đi đến giữa chừng thì bất ngờ nước dâng cao, không kịp phản ứng và bị nước cuốn trôi. Gần đây nhất vào năm 2012, hai cháu học sinh trường THPT huyện Mèo Vạc trên đường đi học về, lội qua sông, nước bất ngờ dâng cao nên đã bị cuốn trôi, phải đến vài ngày sau người dân mới tìm được thi thể các cháu. Chính quyền và nhân dân nơi đây mong mỏi được xây cầu treo từng ngày, từng giờ.

 

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Thào Mí Sính, Chủ tịch HĐND huyện Mèo Vạc cho biết: Mong muốn của bà con nhân dân thôn Tà Làng là rất thiết thực và việc xây dựng cầu treo tại đây là rất cần thiết để giúp người dân giảm bớt khó khăn, nhanh chóng vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, Mèo Vạc là một huyện miền núi nghèo, nguồn lực kinh tế hạn hẹp nên việc đầu tư xây dựng cầu treo vượt quá khả năng của địa phương. Chính quyền và nhân dân huyện Mèo Vạc cũng mong muốn trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa, để việc đi lại của bà con trên vùng cao được đảm bảo, thuận tiện trong lao động sản xuất.


KIM TIẾN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Các siêu dự án du lịch- lẹt đẹt đến bao giờ? Kỳ cuối: Cơ quan chức năng mệt... vì “bơi” theo chủ đầu tư
HGĐT - Hai chủ đầu tư siêu dự án khách sạn và vườn đa dạng sinh học có độ lỳ rất cao. Mặc dù các cơ quan chức năng đã ưu ái tạo mọi điều kiện thông thoáng về thủ tục, nhiều lần chủ động mời đến giải quyết vướng mắc nhưng các chủ đầu tư luôn phớt lờ coi như không phải việc của mình.>>Kỳ II: Chủ đầu tư Vườn đa dạng sinh học... lừa dân
23/04/2014
Các siêu dự án du lịch - lẹt đẹt đến bao giờ?
HGĐT- Kỳ II: Chủ đầu tư Vườn đa dạng sinh học... lừa dânQua nhiều năm triển khai, những gì còn đọng lại của siêu dự án là... 12 cây mận. Ngoài ra, còn món nợ từ vài trăm nghìn đồng, đến vài triệu đồng nhà đầu tư mượn người dân nghèo không biết đến bao giờ mới trả. >> Kỳ I: Siêu khách sạn... ‘khát” vốn
22/04/2014
Báo Hà Giang đồng hành với sự phát triển của Agribank
HGĐT- Những năm qua, trong sự phát triển của Agribank Hà Giang, có rất nhiều người bạn cùng đồng hành. Tờ Báo Hà Giang là một trong số đó, với vai trò là nhịp cầu chuyển tải thông tin, cùng với Agribank ngày càng phát triển sâu rộng trên mảnh đất Hà Giang. Với nỗ lực phối hợp trong công tác tuyên truyền, Báo Hà Giang không chỉ góp phần củng cố hình ảnh của một Ngân hàng uy
22/04/2014
Tuổi trẻ miền cực Bắc trong “Tháng thanh niên”
HGĐT- Năm 2004, tuổi trẻ cả nước vinh dự và tự hào được Đảng và Nhà nước chọn tháng 3 hàng năm là “Tháng Thanh niên”. Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thế hệ trẻ khắp mọi miền Tổ quốc, tháng ba vừa qua, hàng nghìn thanh niên Hà Giang đã có nhiều việc làm thiết thực, hướng về cộng đồng, mang lại hiệu quả xã hội cao. Những con đường mới được mở, những hàng cây vừa trồng
22/04/2014