Nên có một cái nhìn cởi mở về công trình cải tạo, xây dựng điểm dừng chân Mã Pì Lèng

16:14, 28/04/2014

HGĐT- Có lẽ nửa thế kỷ trước, khi dùng chòng, dùng cuốc đục đá trên đỉnh Mã Pì Lèng (xã Pải Lủng, Mèo Vạc) để mở đường Hạnh Phúc, các thanh niên xung phong đã không thể nghĩ, mình đang góp phần xây dựng một đệ nhất hùng quan Việt Nam.



Nhà dừng chân dành cho du khách được xây dựng sẽ mang dáng dấp ngôi nhà truyền thống của người Mông vùng CNĐĐV.


Gần 50 năm sau, Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV) đã khoắc trên mình chiếc áo mới, trở thành di sản của thế giới. Nơi đây không chỉ có đá xám lạnh lẽo mà còn có cả cuộc sống ấm áp, muôn màu của cộng đồng các dân tộc. Hàng năm, có cả chục, cả trăm ngàn lượt khách đến đây. Từ đó, mở ra hướng đi cho sự phát triển KT - XH ở một nơi có 4 huyện được xếp vào diện nghèo nhất cả nước.

 

Để khai thác, bảo tồn các giá trị di sản CNĐĐV, những năm qua Hà Giang không ngừng quyết tâm. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng sự đầu tư của tỉnh cho vùng CNĐĐV là rất lớn với mục tiêu quy hoạch, xây dựng một điểm đến đáp ứng với nhu cầu của du khách, đồng thời để tôn vinh một niềm tự hào không chỉ riêng của Hà Giang. Đài vọng cảnh Mã Pì Lèng, điểm dừng chân quen thuộc của khách du lịch là một trong những điểm nhấn cần phải được cải tạo, xây dựng, hướng tới mục tiêu để du khách được an toàn và để có một điểm ngắm hoàn hảo hơn cho một hẻm vực sâu hun hút.

 

Ai đã qua Mã Pì Lèng, mới có thể cảm nhận hết cả sự hùng vĩ và… rợn gáy của hẻm vực sâu gần ngàn mét. Để hướng tới sự an toàn cho du khách, nhiều năm trước điểm dừng chân và đặt bia tưởng nhớ công lao của các thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc đã được xây dựng ở điểm cao nhất con đường qua Mã Pì Lèng. Sau nhiều năm sử dụng, công trình đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng lượng khách du lịch. Đồng thời, một số chỗ ở điểm dừng chân còn nguy hiểm đối với du khách. Nhiều vị khách đến điểm dừng chân Mã Pì Lèng giường như còn chưa thỏa mãn với điểm dừng chân bên vệ đường, đã bất chấp nguy hiểm để xuống với danh giới nguy hiểm hơn là một mỏm đá phía dưới để thỏa sức chụp ảnh và ngắm hẻm vực hun hút giữa mây trời. Theo Sở VHTT&DL, từ các khuyến nghị của Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu (CVĐCTC), việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản để bảo vệ chính di sản, đồng thời phải đảm bảo sự an toàn cho du khách là điều cần phải thực hiện đối với một CVĐCTC. Từ đó, việc cải tạo, nâng cấp điểm dừng chân, vọng cảnh Mã Pì Lèng là điều rất cần thiết. Trên cơ sở đó, Sở tham mưu cho tỉnh cải tạo, nâng cấp hạng mục này. Về phía BQL CVĐCTC - CNĐĐV cho biết, từ tháng 12.2013 đã có công văn tham vấn ý kiến của Viện Khoa học địa chất khoáng sản về cải tạo, xây dựng công trình điểm dừng chân Mã Pì Lèng. Qua xem hồ sơ thiết kế xây dựng, Viện Khoa học địa chất khoáng sản cho ý kiến tại công văn số 356, ngày 20.12.2013 đề xuất: “Phá ngôi nhà tạm (nhà vọng cảnh đã xuống cấp), gia cố sườn dốc phía bờ sông để xây dựng một ngôi nhà Mông làm điểm dừng chân. Khu vệ sinh nên được thiết kế bên dưới ngôi nhà này… Khảo sát địa hình và cảnh quan thực tế để nếu cần thiết sẽ thiết kế lối đi từ điểm dừng chân này xuống phía bờ sông tới điểm quan sát (mỏm đá phía dưới). Sử dụng nền địa hình sườn đá có sẵn và gia cố bằng vật liệu đá vôi…”.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hầu Minh Lợi, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc cho biết, công trình cải tạo, nâng cấp điểm dừng chân Mã Pì Lèng do UBND huyện làm chủ đầu tư. Công trình đươc khởi công từ tháng 3.2014 và dự kiến hoàn thành trong quý II hoặc III năm 2014. Trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế, mục đích đầu tư công trình hướng tới là đảm bảo an toàn cho du khách; cải tạo công trình cũ đã xuống cấp, tạo ra một tổng thể kiến trúc hài hòa. Trên cơ sở đó, công trình cải tạo, nâng cấp điểm dừng chân Mã Pì Lèng sẽ mang đậm sắc thái văn hóa vùng CNĐĐV với một nhà dừng chân cho khách mang dáng dấp nhà của dân tộc Mông ở phía trên và một hạng mục phục vụ cho việc ngắm cảnh, chụp ảnh ở phía dưới. Ban đầu, huyện tính phương án xây dựng các công trình đúng như nguyên bản của kiến trúc vùng cao như nhà trình tường đất, cột gỗ, một số hạng mục xây dựng bằng đá. Nhưng do công trình ở một vị trí xây dựng khó khăn, thời tiết quanh năm khắc nghiệt, đặc biệt là vào mùa đông. Do đó, để đảm bảo tính bền vững, an toàn, công trình phải được xây dựng kiên cố với khung cột bê tông, tường gạch… Sau khi hoàn thành, công trình sẽ được trang trí, lợp ngói âm dương, sơn giả tường đất, một số chỗ được sơn giả đá, gỗ để đảm bảo hài hòa với cảnh quan xung quanh… Theo Viện Khoa học địa chất khoáng sản: “Sau này nếu Sở VHTT&DL xây dựng Khu tượng đài thanh niên xung phong ở một vị trí thích hợp phía trên núi, sẽ tạo nên một tổng thể kiến trúc khá gắn kết. Khu tượng đài sẽ có thể được quan sát rất tốt từ điểm dừng chân này và ngược lại”...

 


Điểm chụp ảnh, ngắm cảnh hẻm vực và sông Nho Quế sẽ đem đến sự an toàn cho du khách.

Như vậy, việc cải tạo, xây dựng đài vọng cảnh có sự tính toán kỹ về điều kiện địa hình, thời tiết và cảnh quan. Đồng thời có sự tham vấn ý kiến từ phía Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, nơi có các nhà khoa học hàng đầu về địa chất, về di sản địa chất của cả nước, đồng thời là những người đã gắn bó, ăn ngủ và chăn trở với sự hình thành, phát triển của CVĐCTC - CNĐĐV. Theo cấp ủy, chính quyền xã Pải Lủng, việc cải tạo, xây dựng công trình là rất cần thiết, tạo điểm nhấn du lịch cũng như không hề phá vỡ cảnh quan di sản. Điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho con người. Qua trực tiếp có mặt tại điểm cải tạo, xây dựng cũng như nhiều lần qua đây, chúng tôi cho rằng, không thể bất chấp sự an toàn để thỏa mãn ý thích của một vài người nào đó thích chụp ảnh, thích liều mình men ra những mỏm đá ở miệng vực thẳm mà không có bảo hiểm.Đặt giả thiết nếu có một du khách nào đó không may trượt chân xuống vực, khi ấy người ta lại trách du lịch… không an toàn. Các hạng mục cải tạo, xây dựng trong khung cảnh của Mã Pì Lèng không đến nỗi để một số ít người nào đó kêu ca, than vãn theo cái cách rất khó hiểu như: “sự can thiệp thô bạo”, “đau xót và tiếc nuối”, hay “nhát cắt đau lòng”, “sốc, sốc thật sự”… CNĐĐV hướng tới việc trở thành một trung tâm du lịch Quốc gia. Do đó, nó không thể cứ hun hút, cứ nguy hiểm và nghèo khó và thiếu thốn mãi. Vùng đất này cần phải được khoắc trên mình chiếc áo mới một cách phù hợp. Chính vì thế, một số công trình phục vụ du lịch, đảm bảo an toàn cho con người, tạo thêm điểm nhấn một cách hài hòa, đưa du khách đến gần hơn với di sản là khuyến cáo của các chuyên gia Mạng lưới CVĐCTC đề ra mỗi lần khảo sát tại CNĐĐV.

 


                            Đại hùng quan Mã Pì Lèng vẫn là đại hùng quan. 

Người dân CNĐĐV cả ngàn đời nay vẫn sống cùng với đá, giữ đá nơi biên cương Tổ quốc và biến đá thành cơ hội phát triển. Điều đó được thể hiện qua những nương đá bạt ngàn, bờ rào đá, những ngôi nhà, những công trình quanh nhà với đầy kiến trúc, vật liệu đá... Khi CNĐĐV trở thành CVĐCTC, để bảo vệ di sản, người dân nơi đây cũng phải hy sinh, tránh khai thác đá bừa bãi, nhiều điểm khai thác đá làm vật liệu xây dựng đã phải chấm dứt, giá vật liệu xây dựng cũng vì thế mà đội lên. Để bù đắp sự khó khăn ấy cho người dân CNĐĐV, việc xây dựng các công trình, điểm nhấn nhằm khai thác di sản, phát triển du lịch, tạo ra sinh kế bền vững cho người dân là điều rất cần thiết. Có như thế, chúng ta mới có cơ hội để bảo vệ di sản ở một địa bàn có nhiều cái nhất cả nước như: Nhiều đá nhất; ít nước nhất; nhiều người Mông nhất; một trong những địa bàn nghèo nhất... Từ đó, rất cần một cái nhìn cởi mở, đồng cảm với Hà Giang, với đồng bào các dân tộc nơi đây, với công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị của CNĐĐV.


Huy Toán

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội thảo Tuổi trẻ Hà Giang tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa miền Cao nguyên đá.
HGĐT - Chiều 26.4, UBND tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức Hội thảo: Tuổi trẻ Hà Giang tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa miền Cao nguyên đá. Dự có các đồng chí: Sèn Chỉn Ly, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lò Quang Tú, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh…
28/04/2014
Kết luận nội dung tố cáo về việc UBND huyện Vị Xuyên cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Vương Đức Xiển
Ngày 25.4, Báo Hà Giang nhận được kết luận nội dung tố cáo số 71/KL-UBND, ngày 25 tháng 4 năm 2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang về việc UBND huyện Vị Xuyên cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Vương Đức Xiển, thôn Vạt, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên. Báo Hà Giang xin đăng toàn văn nội dung kết luận này.
28/04/2014
Thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn khách du lịch lên với Lễ hội chợ tình Khâu Vai.
HGĐT - Những ngày qua, trên nhiều tuyến đường ở các huyện Cao nguyên đá Đồng Văn, các đội thanh niên tình nguyện tích cực tham gia lập các điểm giới thiệu, hướng dẫn cho du khách tham quan Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và Lễ hội chợ tình Khâu Vai.
25/04/2014
Mèo Vạc tăng cường kiểm tra ATVSTP dịp Lễ hội Chợ tình
HGĐT - Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại Lễ hội Chợ tình Khau Vai năm 2014, Ban chỉ đạo ATVSTP huyện Mèo Vạc đã và đang tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, các cửa hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn toàn huyện. Đặc biệt tập trung vào kiểm tra ở thị trấn Mèo Vạc và xã Khau Vai, nơi diễn ra các hoạt động chính của lễ hội.
25/04/2014