Dấu ấn tuổi 50

08:04, 10/04/2014

HGĐT- Nửa thế kỷ, một chặng đường dài in dấu ấn đồng hành của Báo Hà Giang cùng với sự phát triển của tỉnh, bằng ngòi bút sắc bén, các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên... tòa soạn đã cống hiến trí tuệ, tâm huyết, đam mê của mình mang đến độc giả “bức tranh” chân thực trong hơi thở cuộc sống, trở thành cầu nối cho ý Đảng, lòng dân.



Phóng viên Báo Hà Giang tác nghiệp tại vùng lũ quét xã Giáp Trung (Bắc Mê) tháng 6.2012.

Ngày 13.4.1964, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Giang họp bàn và ra Nghị quyết chuyên đề số 11-NQ/TU, v/v Nâng tờ “Tin Hà Giang” lên thành tờ “Báo Hà Giang” và ngày này chính thức trở thành mốc son lịch sử về Ngày thành lập Báo Hà Giang.


Nhớ lại những ngày đầu thành lập Báo, nhiều cán bộ nguyên là phóng viên, biên tập viên của Tòa soạn vẫn còn nhớ rõ: “Chúng tôi đa số được tuyển từ ngành Giáo dục sang làm báo, khó khăn, vất vả, thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, tác nghiệp, nhưng xác định làm báo là một nhiệm vụ quan trọng, là chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tuyên truyền nên anh em luôn đoàn kết, nỗ lực để kịp thời phán ánh thông tin đến mọi người dân, có nhiều tin, bài, ảnh có chất lượng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

 
Năm 1976, hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên, tờ báo được đổi tên là Báo Hà Tuyên. Tháng 10.1991, Hà Tuyên chia tách thành 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang. 10 cán bộ, phóng viên báo Hà Tuyên được giao nhiệm vụ lên xây dựng lại tờ Báo Hà Giang sau 16 năm sáp nhập Hà Tuyên với nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ cho nhiệm vụ xây dựng lại tỉnh Hà Giang, gắn liền với nội dung yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước. Những thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên nối tiếp nhau phát huy truyền thống tốt đẹp của người làm báo, từng bước xây dựng Báo Hà Giang ngày càng phát triển. Tờ báo Hà Giang chính thức ra 3 kỳ/tuần với lượng phát hành từ 3.000 bản/kỳ, đến nay đã tăng lên 4 kỳ/tuần, ra các ngày thứ 3, 4, 5, 7, với lượng phát hành từ 8.000 - 8.500 bản/kỳ, phát hành đến tất cả các Đảng bộ, Chi bộ cơ sở, các cơ quan, đơn vị, trường học, các xã, phường, tổ dân phố, thôn bản trong toàn tỉnh; tờ báo ảnh Hà Giang Cực Bắc ra tháng một số với nhiều thông tin chuyển tải kịp thời các sự kiện trong tỉnh đến các trường học, thôn, bản, vùng cao, vùng sâu, xa với lượng phát hành 3.000 bản/kỳ; Báo Hà Giang Điện tử (có cả truyền hình internet) với địa chỉ truy cậpwww.baohagiang.vn ra đời từ ngày 3.2.2007 đã nhanh chóng khẳng định ưu thế vượt trội của loại hình báo điện tử với trung bình khoảng 40 nghìn lượt truy cập/ngày. 20/22 phóng viên, biên tập viên có trình độ đại học, 100% là đảng viên; trụ sở Toà soạn khang trang, các công đoạn làm báo được nâng cấp, hiện đại hoá, báo in được chế bản điện tử trực tiếp tại Toà soạn. Chế độ, quyền lợi của cán bộ, phóng viên, biên tập viên được quan tâm, đảm bảo, đội ngũ phóng viên ngày càng có nhiều tác phẩm đoạt giải báo chí Trung ương và địa phương.


Trải qua những thăng trầm của lịch sử, gắn với sự phát triển của địa phương, Báo Hà Giang đã từng bước trưởng thành và khẳng định vai trò, vị trí của mình, là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh nhà. Luôn bám sát, vận dụng đúng đắn, sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, những vấn đề bức xúc trong cuộc sống để phản ánh những thông tin chân thực, sống động, bổ ích. Góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh nhà.


Với sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong giai đoạn hiện nay, tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Hà Giang hôm nay xác định rõ: Làm báo là một nghề đặc biệt, mang tính chính trị xã hội rất sâu sắc, có tính định hướng cụ thể, rõ ràng, đòi hỏi năng lực, trình độ, khả năng tư duy, phương pháp nghiệp vụ cao; tỉnh táo, dũng cảm đối mặt với tiêu cực, bất công; dám đấu tranh để chỉ ra cái sai, cái xấu; bảo vệ và cổ vũ cho cái mới, tiến bộ, tốt đẹp của mỗi con người và toàn xã hội, tạo ra sức mạnh phản biện xã hội từ nghề báo của mình. Mỗi người tự đặt ra cho mình yêu cầu, quyết tâm học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nghiệp vụ, phương pháp làm báo theo đúng lời dạy của Bác Hồ: Làm báo phải có tâm, có tầm. Thế hệ phóng viên trẻ, năng động, được đào tạo cơ bản của Toà soạn hiện nay như: Ngọc Quỳnh, Biện Luân, Khánh Toàn, Đức Dũng, Thiên Thanh, An Dương, Huy Toán, Phi Anh, Văn Nghị, Kim Tiến, Hiến Chương hay các biên tập viên tận tụy, sâu sắc: Đỗ Minh Tuấn, Đặng Phương Hoa, Hùng Hiền, Việt Thắng; hoạ sỹ Ngọc Bích; các kỹ thuật viên chế bản: Hải Quỳnh, Kim Thoa, kỹ thuật viên báo Điện tử: Như Lâm, Phan Mạnh, Thanh Thuỷ; cán bộ theo dõi bạn đọc và các CTV: Lý Ngân, kế toán Hoàng Thiệp, theo dõi phát hành báo Hoàng Bình, văn thư Đặng Bình... luôn cần mẫn, chăm chỉ, góp sức cho “hình hài” tờ báo ngày càng chất lượng hơn.


Dấu ấn tuổi 50, Báo Hà Giang đang nhận được sự cổ vũ, động viên, yêu mến và trở thành kênh thông tin, “món ăn” tinh thần không thể thiếu của độc giả. Chúng tôi, những thế hệ người làm báo của Báo Hà Giang hôm nay nguyện phấn đấu hết mình để xứng đáng với sự tin yêu đó.


BIỆN LUÂN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trách nhiệm cộng tác viên
HGĐT- Thế là đã 50 năm làm cộng tác viên của Báo Hà Giang, tuy viết bài cho Báo không đều đặn, phần do công việc bận, phần do thiếu dữ liệu để viết, song tôi tự nhận thấy viết đều hay lại không quan trọng mà quan trọng hơn là tin, bài viết đúng sự thật hay không để tránh câu“Nhà báo nói láo, nhà văn nói hay”.
10/04/2014
Nhà báo đi tăng cường
HGĐT- Trong cuộc đời làm báo của mình, có biết bao những dấu ấn không quên trong nghề cầm bút, đi cơ sở và viết, phản ánh nhịp đập, hơi thở cua cuộc sống, qua sự đổi thay từng ngày từ nông thôn xa xôi đến thị trấn, thành phố của tỉnh miền núi Hà Giang- nơi cực Bắc, địa đầu của Tổ quốc.
10/04/2014
8 cầu treo quá yếu
HGĐT- Trên địa bàn tỉnh hiện có 153 cầu treo; trong đó, 8 cầu treo quá yếu không thể sử dụng được. Các địa bàn có số lượng cầu treo nhiều nhất là: Hoàng Su Phì với 40 chiếc, Vị Xuyên 31 chiếc, tiếp theo là Bắc Quang, Bắc Mê... Trong tổng số 153 cầu treo, có nhiều chiếc được làm cách đây trên dưới chục năm; qua quá trình sử dụng và tác động của thiên nhiên nên xảy ra hiện
10/04/2014
Hỗ trợ trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi (2013-2020)
Đối với Đội viên Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (đội viên) khi được tăng cường về cơ sở sẽ được hỗ trợ ban đầu bằng 10 tháng lương cơ sở. Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách địa phương.
09/04/2014