Các siêu dự án du lịch- lẹt đẹt đến bao giờ? Kỳ cuối: Cơ quan chức năng mệt... vì “bơi” theo chủ đầu tư
HGĐT - Hai chủ đầu tư siêu dự án khách sạn và vườn đa dạng sinh học có độ lỳ rất cao. Mặc dù các cơ quan chức năng đã ưu ái tạo mọi điều kiện thông thoáng về thủ tục, nhiều lần chủ động mời đến giải quyết vướng mắc nhưng các chủ đầu tư luôn phớt lờ coi như không phải việc của mình.
Hai đại dự án du lịch triển khai trên hai quả núi, hai địa danh nổi tiếng của thành phố Hà Giang đã “quay” cơ quan chức năng như chong chóng. Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ các ngành chức năng cho rằng, phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH là trách nhiệm chung, dù có tốn nhiều thời gian, công sức, nhưng dự án được triển khai nhanh, phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực cho địa phương, dù có vất vả đến mấy họ cũng cam lòng. Nhưng ở hai dự án này, ngay từ đầu triển khai, cơ quan chức năng đã mệt vì phải chạy theo giải quyết hậu quả phát sinh, còn doanh nghiệp cứ “bình chân như vại”, thậm chí còn không thèm gặp để làm các thủ tục liên quan.
Công ty Đại Đồng đến Hà Giang theo tiếng gọi “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư. Nhưng chính sự linh hoạt, sáng tạo và lòng tốt của một tỉnh miền núi, đang mong muốn, khát khao vươn lên từ du lịch đã bị chủ đầu tư lợi dụng. Khi được tỉnh đồng ý chủ trương giao đất, Sở TN-MT, Cục thuế đã tạo thuận lợi, giải quyết nhanh các thủ tục liên quan đến việc thuê đất. Diện tích đất trong phạm vi triển khai dự án, Công ty Đại Đồng phải thực hiện nghĩa vụ thuế với số tiền trên 289 triệu đồng/năm, tính cả thời gian thuê trên 14,4 tỷ đồng. Không hiểu, số tiền này quá lớn so với năng lực tài chính thực sự của doanh nghiệp, hay cố tình chây ỳ, từ năm 2006 đến nay, Công ty Đại Đồng không đến làm thủ tục, ký hợp đồng thuê đất và chưa được giao đất ngoài thực địa, chưa nộp tiền thuê đất theo quy định. Một động thái khiến nhiều người nghi ngờ năng lực tài chính, cũng như mục đích triển khai dự án, đó là ngày 28.6.2006, Công ty Đại Đồng có văn bản gửi Sở KH-ĐT về việc giải ngân vốn AFD. Sở KH-ĐT yêu cầu cung cấp tài liệu, báo cáo tài chính của Công ty Đại Đồng chi nhánh Hà Giang, nhưng đã không nhận được hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu nên không có cơ sở làm việc với ngân hàng giải ngân vốn AFD.
Từ năm 2006-2007, các cơ quan chức năng của tỉnh thành lập nhiều đoàn công tác, xác minh năng lực của Công ty Đại Đồng và đều nhận định: Công ty Đại Đồng có dấu hiệu vi phạm trong việc lập hồ sơ đăng ký thành lập, tại thời điểm kiểm tra Công ty còn nợ tiền một số tổ chức, cá nhân nhưng không có khả năng thanh toán; không đủ năng lực tài chính để duy trì hoạt động và thực hiện dự án Vườn đa dạng sinh học. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng kiến nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của chi nhánh, hủy quyết định giao đất. Căn cứ kết quả xác minh, năm 2007 UBND tỉnh yêu cầu: Công ty Đại Đồng chỉ được thực hiện dự án với điều kiện, phải làm thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh du lịch sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học; phải có cán bộ quản lý liên quan đến nội dung hoạt động; có trách nhiệm giải quyết các vướng mắc với các tổ chức, cá nhân liên quan, phải bổ sung vào dự án tiến độ thực hiện, tiến độ triển khai vốn đầu tư, chức minh năng lực tài chính...
Phớt lờ sự ưu ái và có phần nhân nhượng của tỉnh, rất nhiều chỉ đạo không được Công ty Đại Đồng thực hiện. Giữa năm 2009, Sở TN-MT tiếp tục yêu cầu Công ty Đại Đồng báo cáo chi tiết kết quả thực hiện dự án, đồng thời liên hệ trực tiếp với Sở để ký hợp đồng thuê đất theo quy định, nhưng Công ty không đến làm việc, không báo cáo kết quả thực hiện. Liên tiếp từ năm 2010-2014, cơ quan Nhà nước tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai, có văn bản đề nghị hoàn thiện hồ sơ xin giao đất, và mời đến họp về việc sử dụng đất nhưng vẫn không thấy người của Công ty Đại Đồng.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo Sở TN-MT cho rằng: Các ngành chức năng của tỉnh đã tích cực kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện cho dự án Vườn đa dạng sinh học được triển khai theo hướng thu hút đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nhưng đáp lại thiện tình đó, Công ty Đại Đồng không thực hiện đầy đủ các quy định, dự án nhiều năm không đem lại hiệu quả, gây bức xúc trong nhân dân. UBND tỉnh, các ngành đã ban hành nhiều văn bản, nhưng trong thời gian dài Công ty Đại Đồng không thực hiện đầy đủ, thiếu tinh thần hợp tác.
Nhà đầu tư Vườn đa dạng sinh học đã vậy, còn khu nghỉ dưỡng khách sạn cao cấp “Casuarina Mountain Resort”, chủ đầu tư chỉ biết kêu, chưa chưa biết thực hiện. Cụ thể, ngay từ năm 2011, Công ty Cổ phần điện Đông Dương đề nghị điều chỉnh dự án, giảm quy mô sử dụng đất từ trên 158 nghìn m2, xuống còn gần 39 nghìn m2. Trong đó, diện tích xây dựng khu nghỉ dưỡng trên 3,3 nghìn m2, khu biệt thự cao cấp trên 3,3 nghìn m2, diện tích trồng cây sinh thái, bảo vệ cảnh quan du lịch trên 32,4 nghìn m2. Đề nghị của chủ đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận, Công ty Cổ phần điện Đông Dương có trách nhiệm hoàn thiện dự án, nhưng từ đó đến nay, chủ đầu tư không thực hiện các nội dung trong quyết định giao đất. Trước thực trạng đó, Sở TN-MT cùng các ngành chức năng, nhiều lần làm việc với Công ty, đề nghị hoàn thiện thủ tục theo quy định, tuy nhiên việc triển khai rất chậm, lỗi thuộc về phía chủ đầu tư.
Tại buổi làm việc với chúng tôi, ông Phạm Từ Công Phương than thở: Thực hiện dự án “Casuarina mountain resort”, Công ty đã thu xếp được 50% nguồn vốn, số còn lại huy động từ các ngân hàng thương mại. Nhưng đến thời điểm hiện tại, khu du lịch chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên chưa có cơ sở để ngân hàng chấp thuận cấp vốn. Nếu thực sự cần vốn triển khai dự án, nếu vì vướng thủ tục đất đai nên chưa vay được tiền, sao chủ đầu tư không tích cực cùng các ngành chức năng tháo gỡ vướng mắc, sao lại cứ ngồi than như vậy!
Thu hút đầu tư, phát triển du lịch là hướng ưu tiên được xác định dài lâu. Tỉnh ta luôn “trải thảm đỏ”, đón nhà đầu tư, nhưng cũng cần xác lập tinh thần sẵn sàng “trảm” những nhà đầu tư thiếu chân chính, những dự án ma được lập lên với nhiều dụng ý xấu.
Ý kiến bạn đọc