Về miền Kinh Bắc
HGĐT- Bắc Ninh – vùng quê văn hiến và cách mạng với những làn điệu dân ca quan họ đi sâu vào lòng người đã đánh dấu năm thứ 9 “Hành trình về nguồn” của tuổi trẻ báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc năm 2014. Trong lần hội ngộ này, tuổi trẻ Báo Hà Giang thêm một lần hiểu sâu hơn về những giá trị văn hóa của miền đất Kinh Bắc cổ xưa.
Tuổi trẻ báo Đảng nghe giới thiệu về Di tích lịch sử văn hóa Đền Đô.
Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi khi đặt chân đến thành phố Bắc Ninh, đó chính là nhịp sống sôi động của mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi có truyền thống khoa bảng và nền văn hóa lâu đời. Trên chặng đường về xã Từ Sơn, những cơn mưa nhỏ không hề ngớt, nhưng không ngăn được sự hào hứng của các đoàn viên thanh niên tìm hiểu và “mục sở thị” khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Đô (tức đền Cổ Pháp), một ngôi đền được khởi dựng từ thế kỷ XI trên đất làng Đình Bảng. Đây là nơi thờ 8 vị vua đầu tiên của nhà Lý nên cũng được gọi là đền Lý Bát Đế. Năm 1952, quân Pháp dội bom, phá hủy hoàn toàn đền. Đến năm 1989, đền đã được khởi công xây dựng lại, theo đúng hình dáng và kiến trúc mà các nhà nghiên cứu lịch sử đã phác thảo, căn cứ vào dấu tích còn lại và các tài liệu lưu trữ. Theo tìm hiểu, Đền Đô gồm trên 20 hạng mục công trình được xây dựng công phu, đắp vẽ, chạm khắc tinh xảo với trung tâm đền là điện thờ, nơi đặt bài vị và tượng 8 vị vua đầu tiên của nhà Lý. Về nơi đây, mỗi người có một cảm nhận và thấy rằng chuyến đi mang một ý nghĩa rất riêng. Bạn Lý Văn Thịnh, đoàn viên Chi đoàn Báo Tuyên Quang cho biết: “Hành trình lần này thực sự có ý nghĩa, không chỉ tạo cơ hội học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn nghiệp vụ làm báo mà đây còn là dịp để tuổi trẻ báo Đảng tuyên truyền, quảng bá những nét văn hóa của các địa phương. Sau chuyến đi này, chắc chắn mình sẽ có một tác phẩm hay về mảnh đất giàu văn hóa truyền thống”.
Tiếp tục hành trình, các đoàn viên thanh niên trở về xã Phù Khê, huyện Từ Sơn thăm khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Thật xúc động và tự hào khi tuổi trẻ các báo Đảng trong “Hành trình về nguồn” lần này được trực tiếp về nơi sinh ra và lớn lên của một nhà lý luận xuất sắc, nhà chính trị tài năng, tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học tập, rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn đấu tranh cách mạng. Nơi đây đã được đầu tư tu sửa, nâng cấp các công trình. Cho đến nay các hạng mục nhà gia đình, nhà lưu niệm, nhà khách được chỉnh trang, một số vật dụng gia đình vẫn được lưu giữ nguyên bản. Vùng Kinh Bắc từ xưa tới nay không chỉ được coi là mảnh đất văn vật, nơi hội tụ của kho tàng văn hoá dân gian mà đây còn là quê hương của những nhân tài đất Việt như: Thái sư Lê Văn Thịnh hay thủy tổ Kinh Dương Vương. Vì thế, trong suốt hành trình về dâng hương tham quan những địa điểm này, đoàn viên thanh niên các báo Đảng đã cố gắng tìm hiểu kỹ lưỡng về lịch sử, thân thế những nhân kiệt ấy. Theo lời kể của anh Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh thì nơi đây vào năm 1050 Thái sư Lê Văn Thịnh được sinh ra. Tháng 2 nămtân Mão (1075), vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường, Lê Văn Thịnh dự thi và đã đỗ đầu. Lê Văn Thịnh sau khi đỗ trạng nguyên đã trở thành thái sư đầu triều Lý khi ấy. Ở tột cùng công danh, ông bị khép tội “hóa hổ giết vua” vào năm 1096 và phải đi đày. Những lý giải xung quanh người Thái sư chịu nhiều oan ức này lại dường như gắn liền với câu chuyện về một bức tượng bằng đá nguyên khối, chôn sâu dưới đất được tìm thấy năm 1991, trong một lần dọn dẹp trước cửa đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh. Đó là một bức tượng đặc biệt, một loài động vật bò sát giống rắn, nhưng có chân, miệng đầy răng, trong động thái “miệng cắn thân, chân xé mình” (theo cách miêu tả của người dân). Bức tượng này được công nhận là bảo vật Quốc gia vào năm 1992.
Đêm “giã bạn” giữa đất Kinh Bắc lưu luyến bởi những câu quan họ của các liền anh, liền chị và còn được gắn kết bởi những khúc ca rất đỗi mộc mạc của tuổi trẻ các báo Đảng. Dù rằng vẫn xao xuyến trước lời mời “người ơi người ở đừng về” nhưng “Hành trình về nguồn” năm sau xin hẹn nhau trên mảnh đất Vĩnh Phúc yêu thương.
Ý kiến bạn đọc