Quyết liệt phòng, chống dịch cúm gia cầm
HGĐT- Như tin đã đưa, tại thôn Làng Mới, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) xuất hiện chủng cúm H5N1 tại đàn gia cầm của gia đình ông Trần Minh Trí đã được tiêu hủy. Trước tình hình đó, UBND huyện Vị Xuyên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống chủng loại cúm này.
BCĐ Phòng, chống dịch (PCD) cúm gia cầm của huyện đã thành lập 4 chốt chặn kiểm dịch tại các địa điểm trọng yếu, trong đó xã Đạo Đức 2 chốt, xã Phú Linh 1 chốt, Ngọc Linh 1 chốt. Các chốt bố trí trực 24/24 giờ, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành đúng các quy định về phòng, chống dịch. Thành lập 7 tổ tiêm phòng vác – xin bao vây vùng dịch. Tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện nuôi nhốt 100% gia cầm để tiến hành tiêm phòng, theo dõi các biểu hiện của dịch bệnh. Tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm; thành lập đội kiểm soát lưu động, tiến hành điều tra tình hình buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm trên địa bàn ứng trực 24/24 giờ. Huyện cũng đã chỉ đạo Trạm Thú y phối hợp với UBND các xã, thị trấn sử dụng hóa chất khử trùng, tiêu độc; vác – xin tiêm phòng do Chi cục Thú y tỉnh hỗ trợ để dập dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như Phòng NN&PTNT, Trạm Thú y, lực lượng thú y xã, thị trấn phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh triển khai các biện pháp dập dịch.
Chốt trực 24/24 tại thôn Làng Mới.
Đồng chí Lương Văn Đoàn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ngày 11.3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đã trực tiếp đi kiểm tra công tác PCD tại huyện. Hiện nay, huyện đã huy động lực lượng cán bộ thú y ở các xã khác về xã Đạo Đức để hỗ trợ tiêm phòng cho đàn gia cầm của hơn 70 hộ tại thôn Làng Mới. Lực lượng y tế phun hóa chất tiêu độc khử trùng trong nhà; lực lượng thú y tiến hành khử trùng ngoài sân, vườn của các hộ tại thôn Làng Mới. Đảm bảo các chế độ trực PCD cho các lực lượng tại các chốt chặn cũng như thiệt hại của các gia đình bị mất đàn gia cầm.
Trong đợt dịch này có 8 người dân trong vùng dịch bị nhiễm cúm đang được điều trị cách ly tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên, tuy nhiên theo Giám đốc bệnh viện cho biết, 8 bệnh nhân này không có biểu hiện nhiễm vi rút H5N1. Mặc dù vậy, UBND huyện vẫn chỉ đạo chặt chẽ, khi người dân trong vùng dịch bị ốm, cúm, cảm, sốt thì chính quyền địa phương phải báo với cơ quan y tế vận chuyển bệnh nhân bằng xe chuyên dụng đến bệnh viện, không để người bị nhiễm tự đến cơ sở điều trị nhằm tránh lây lan.
An Dương
Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, huyện Hoàng Su Phì đang đẩy mạnh triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn sự xâm nhập của chủng cúm A/H7N9 từ Trung Quốc và sự lây lan của cúm A/H5N1 trong nước.
Lắp đặt Bảng tin tuyên truyền tại chợ biên mậu xã Thàng Tín.Ảnh: Tiến Lâm
Theo thông tin mới nhất về tình hình dịch cúm gia cầm tại nước ta, hiện cả nước đã có trên 22 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch cúm gia cầm, chủng cúm A/H5N1 với 64 ổ dịch. Còn tại Hà Giang cũng đã xuất hiện gia cầm nhiễm cúm A/H5N1 tại xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên. Vì thế, nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm vào địa bàn huyện là rất cao. Bên cạnh virus cúm A/H5N1 đã xuất hiện và bùng phát thành dịch ở nhiều địa phương trong cả nước thì tại quốc gia láng giềng Trung Quốc, tình hình dịch cúm gia cầm cũng vẫn đang diễn biến rất phức tạp với sự xuất hiện của nhiều chủng cúm, trong đó đặc biệt nguy hiểm là chủng virus cúm A/H7N9 với những diễn biến phức tạp gây chết nhiều gia cầm và số người nhiễm cúm A/H7N9 cũng vẫn đang tăng lên hàng ngày... Hà Giang là một tỉnh có đường biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc, trong đó huyện Hoàng Su Phì có 39,9 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) bao gồm: 1 chợ biên mậu, 2 lối mở và hàng trăm điểm, đường mòn, vì thế Hoàng Su Phì hiện cũng đang phải đối mặt với nguy cơ dịch cúm gia cầm xâm nhập và lây lan qua các hoạt động buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc qua biên giới. Tình hình dịch cúm gia cầm A/H7N9 hiện đã tiến sát đến biên giới Việt Trung. Nước ta đang phải đối mặt với nguy cơ “dịch chồng dịch” khi cùng lúc vừa phải dập tắt dịch cúm A/H5N1, vừa phải ngăn chặn sự xâm nhập của chủng cúm mới H7N9 từ Trung Quốc.
Theo đồng chí Lù Xuân Thắng, Trưởng trạm Thú y huyện cho biết: Từ đầu năm 2014 đến nay, tuy trên địa bàn huyện chưa phát hiện có dịch cúm gia cầm, song nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn và có thể phát sinh bất cứ lúc nào. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, trước và sau khi có công điện của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, huyện Hoàng Su Phì đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm Thú y và các lực lượng chức năng phối hợp các xã, đặc biệt là các xã có đường biên giới triển khai công tác phòng, chống dịch trên đàn gia súc, gia cầm; cử các đoàn công tác đi kiểm tra hướng dẫn và đôn đốc triển khai phòng, chống dịch tại các cơ sở; thực hiện phun hóa chất khử trùng tiêu độc, dọn vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; tăng cường công tác chống buôn lậu gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới; kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện và các xã; tập trung công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện nghiêm túc quy định 5 không đối với gia cầm và 6 điều thực hiện đối với người.
Huyện cũng đã cử các đoàn công tác đi kiểm tra tình hình phòng, chống dịch bệnh tại tuyến biên giới và các vùng trọng điểm về chăn nuôi trên địa bàn; duy trì 1 tổ công tác thường xuyên giữa các địa phương và các lực lượng chức năng để kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh thú y tại các chợ, điểm tập kết gia cầm trên địa bàn toàn huyện. Cũng theo anh Thắng, các địa phương đã phối hợp cùng các ngành chức năng bắt giữ và xử lý 1 vụ với hơn 10 con gia cầm giống được người dân cầm qua biên giới. Lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy theo đúng quy định, đồng thời tuyên truyền để người dân không tái phạm. Bên cạnh đó, huyện còn triển khai lắp đặt 7 tấm biển tuyên truyền với nội dung cách phòng và chống lây nhiễm cúm gia cầm để người dân dễ dàng nhận biết. Đến nay, đã tiến hành cấp được 600 lít hóa chất và chỉ đạo các xã tiến hành phun 1 tuần 1 lần, những nơi có chợ phiên thì tiến hành phun sau khi kết thúc buổi họp chợ...
Ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn huyện, người dân tuy đã bước đầu nhận thức được về sự nguy hiểm của dịch nhưng vẫn còn một bộ phận người dân còn tư tưởng chủ quan coi thường; hoạt động mua bán, giết mổ gia cầm sống không đúng quy định vẫn còn diễn ra phổ biến... Theo thống kê hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng trên 300 nghìn con gia cầm, chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình phức tạp cùng với tập quán chăn thả gia cầm nên khó khăn cho công tác quản lý phòng, chống dịch bệnh. Do vậy, bên cạnh việc kiểm tra, cấm nhập và giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc, điều quan trọng là cần tuyên truyền, hướng dẫn để người dân biết và tự giác tham gia chủ động phòng, chống dịch trên đàn gia cầm.
Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, cũng là lúc dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát cao nhất. Các chủng virus cúm gia cầm thường có trong đàn gia cầm hoặc trong các đàn chim di trú rồi lây sang người. Do vậy công tác phòng, chống dịch bệnh không thể lơ là, nhất là những địa phương có đường biên giới giáp Trung Quốc.
Tiến Lâm
Trong quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường, việc buôn bán vận chuyển động vật và sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm tăng nhanh, diễn ra nhiều hướng khác nhau, nhất là thời điểm trong nước cũng như các nước trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc đang đối đầu với đại dịch cúm A/H7N9. Do vậy việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không được kiểm soát chặt chẽ và không kiểm dịch đúng quy định là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh.
Điều đáng lo ngại hơn cả là một số người hành nghề buôn bán, giết mổ gia cầm chưa hiểu biết hoặc hiểu biết nhưng cố tình làm sai, vì lợi ích cá nhân cố tình mua bán, vận chuyển trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm từ vùng có dịch rồi làm lây lan dịch bệnh tới các vùng khác. Một số ổ dịch bệnh thường bắt nguồn từ các hộ buôn bán giết mổ gia cầm với quy mô lớn, mua với giá rẻ những gia cầm từ vùng dịch về hoặc không làm các thủ tục kiểm dịch động vật đã làm dịch bệnh lây lan ra nhiều hộ gia đình, thôn xóm, có nơi còn xảy ra ở diện rộng. Việc giết mổ gia cầm tuỳ tiện bừa bãi ở những nơi không đủ điều kiện vệ sinh thú y, không có sự kiểm soát của cán bộ thú y dẫn đến thịt gia cầm bị bệnh truyền nhiễm lưu hành trên thị trường làm ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời làm ô nhiễm môi trường sống...
Từ những thực trạng trên cho thấy, trước hết cần quyết liệt đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến rộng rãi về sự nguy hiểm của dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9; các hình thức phòng, chống dịch bệnh (PCDB), điều lệ kiểm dịch đến toàn thể cán bộ nhân dân để họ hiểu rõ và thực hiện nghiêm túc; lập các chương trình ngắn hạn, dài hạn tập trung PCDB ở một số vùng trọng điểm, từng bước khống chế và đi đến xây dựng các vùng an toàn về dịch bệnh để phát triển chăn nuôi hàng hóa. Để góp phần vào việc PCDB có hiệu qủa cần tăng cường công tác kiểm dịch động vật, trước hết phải củng cố các Trạm Kiểm dịch động vật xuất, nhập khẩu cũng như nội địa và cả việc đầu tư cơ sở vật chất; củng cố lực lượng cán bộ có đủ năng lực phát hiện dịch bệnh, xử lý ngăn chặn mầm bệnh từ mọi phía. Những địa phương tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cần phải thực hiện tốt pháp lệnh thú y như PCDB, tiêm phòng đầy đủ các loại vácxin theo quy định, gia súc vận chuyển đi tiêu thụ phải khỏe mạnh và sạch bệnh, thịt đưa ra thị trường tiêu thụ phải được đóng dấu kiểm soát giết mổ theo đúng quy định... P.V
Ý kiến bạn đọc