Phong trào tình nguyện phải thiết thực
Cán bộ Đoàn đều mong muốn thanh niên có môi trường rèn luyện phấn đấu để trưởng thành hơn, không hẳn là vị trí chức quyền mà ở sự tiến bộ về trình độ chuyên môn, nhận thức và những công việc góp ích cho xã hội.
|
Đó là tâm sự của Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh trong cuộc gặp gỡ, trao đổi với cán bộ Đoàn khối các cơ quan T.Ư ngày 13.3, tại Hà Nội.
Chỉ phổ biến văn bản, nghị quyết thì buổi sinh hoạt sẽ “nhạt” lắm !
Các cán bộ Đoàn thẳng thắn trao đổi với thủ lĩnh cao nhất của thanh niên về cái khó của công tác Đoàn trong giai đoạn hiện nay.
Bí thư Đoàn thanh niên Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thùy Linh chia sẻ, thực tế thanh niên ngày càng rời xa, chưa thực sự gắn bó với các hoạt động. Trường học là nơi dễ tập trung đoàn viên nhưng hoạt động, duy trì sinh hoạt Đoàn cũng rất khó khăn. Cùng quan điểm này, Lưu Thu Hiền, Bí thư Đoàn Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin - Truyền thông nêu thực trạng ở nhiều đơn vị, thanh niên vào Đoàn vì đang trong độ tuổi Đoàn chứ không hẳn vì lý tưởng.
Anh Nguyễn Đắc Vinh thừa nhận, sinh hoạt Đoàn định kỳ đang là vấn đề khó hiện nay, vẫn còn có nơi 3 - 6 tháng mới tổ chức sinh hoạt Đoàn một lần. Trên thực tế, một số nơi còn xem nhẹ, thậm chí không tổ chức lễ kết nạp Đoàn, cứ đến tuổi là đưa danh sách vào Đoàn. Thế nên nhiều thanh niên khi được hỏi cũng không biết mình vào Đoàn ngày nào. T.Ư Đoàn không đặt chỉ tiêu số lượng, tránh kết nạp ào ào, từng bước siết lại và nâng cao chất lượng đoàn viên. Về sinh hoạt Đoàn cũng phải chấn chỉnh lại, đoàn viên có 3 tháng không tham gia sinh hoạt, chi đoàn cứ thẳng thắn xóa tên.
Cũng theo anh Vinh, đổi mới chất lượng sinh hoạt Đoàn phụ thuộc phần lớn vào tính năng động, sáng tạo của bí thư Đoàn. “Chỉ có phổ biến văn bản, nghị quyết thì buổi sinh hoạt sẽ “nhạt” lắm. Nếu đưa các vấn đề thời sự trong cuộc sống, chọn nội dung gắn với nhiệm vụ chuyên môn, công việc hằng ngày tại đơn vị, chắc chắn thu hút được thanh niên đến với các hoạt động Đoàn”, anh Vinh nói.
|
Sáng tạo, năng động trong hoạt động tình nguyện
Đổi mới đánh giá và nâng cao chất lượng các hoạt động tình nguyện của Đoàn hiện nay cũng là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra thảo luận.
Bùi Thị Nhâm, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Khoa học - Công nghệ, cho rằng hiện vẫn còn tâm lý phải có chương trình đến những vùng đất xa xôi mới là làm tình nguyện. Thực tế không phải đơn vị nào cũng có điều kiện thời gian để làm các chương trình tình nguyện như thế. Nhâm cho rằng có thể hướng đến yếu tố tại chỗ, tình nguyện xung kích trong công việc, nhiệm vụ, dự án tại cơ quan. Theo cách này, thanh niên dần trưởng thành hơn trong chuyên môn, Đoàn có thêm kinh phí tổ chức hoạt động.
Ủng hộ quan điểm trên, anh Nguyễn Đắc Vinh cho rằng phong trào tình nguyện ra đời gần 20 năm nay, bên cạnh những hoạt động mang tính chất cổ động, giáo dục thanh niên thì hoạt động tình nguyện cần sự tập trung để có những sản phẩm thiết thực phục vụ cộng đồng, mang lại lợi tích thiết thực cho thanh niên.
“Bản thân mỗi cán bộ Đoàn có chung mong muốn, từ phong trào tình nguyện hay nhiều hoạt động khác của Đoàn là môi trường thanh niên rèn luyện, phấn đấu để trưởng thành hơn. Sự trưởng thành ở đây không hẳn là vị trí chức quyền mà còn nằm ở sự tiến bộ trình độ chuyên môn, nhận thức và những công việc có ích đóng góp cho xã hội”, anh Vinh nói.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn nhấn mạnh chọn việc tình nguyện có hiệu quả, thiết thực hay không phụ thuộc vào sự sáng tạo, năng động của cán bộ Đoàn để phong trào này có những màu sắc riêng. Theo anh Vinh, nên căn cứ vào đặc thù nhiệm vụ chuyên môn từng đơn vị, chọn những phần việc tình nguyện cụ thể, làm tại chỗ, tại địa bàn để mỗi công trình, phần việc ở khối này phát huy cao nhất tinh hoa trí tuệ của trí thức trẻ.
Ý kiến bạn đọc