Lùng Chư Phùng bình yên mỗi sớm mai
HGĐT- Tôi theo chân Trạm phó Trạm Kiểm soát Lao Chải, Nguyễn Văn Giang lên mốc phân định biên giới Quốc gia 238 Lao Chải (Việt Nam) – Múng Tủng (Trung Quốc) khi trời vừa đổ cơn mưa. Con đường đất, dốc cao như chân ruộng cầy dang dở càng trở nên nguy hiểm bởi sự trơn trượt. Nhưng khi vượt qua “thách thức” của con đường, trải nghiệm cơn mưa buốt lạnh vùng biên ải, chứng kiến những khó khăn hiện hữu của mảnh đất này, tôi mới thực sự cảm nhận được phần nào tình yêu và tinh thần trách nhiệm của người chiến sỹ biên phòng, cùng những hộ dân đang sinh sống tại khu vực mốc 238, thuộc thôn Lùng Chư Phùng, xã Lao Chải (Vị Xuyên) trước bình yên nơi biên cương Tổ quốc.
Năm 2007, thực hiện chính sách di dân ra định cư khu vực biên giới theo Chương trình 120 của Thủ tướng Chính phủ; huyện Vị Xuyên đã tổ chức di chuyển 20 hộ đồng bào dân tộc Mông trong xã ra định cư tại khu vực mốc 238. Nhưng việc di chuyển này mới chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ nên việc phát triển KT-XH của các hộ trên còn gặp rất nhiều khó khăn như: Thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, người dân chưa được sử dụng điện lưới Quốc gia. Các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ lợi ích KT-XH tế còn quá ít về số lượng, cũng như chưa đảm bảo bền vững về chất lượng, để đáp ứng yêu cầu tối thiểu phục vụ các hộ dân... Song hiện nay, khi Đề án Xây dựng điểm dân cư tập trung mốc 238 – một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta đang đến gần với người dân, điều này không chỉ góp phần làm thay đổi diện mạo vùng biên mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, để ổn định và giữ vững chủ quyền biên giới Quốc gia.
Gia đình anh Lý Seo Xìa tích cực lao động, sản xuất để giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng nơi biên cương của Tổ quốc.
Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, Lương Văn Đoàn cho biết: Hiện nay, Đề án đang được các cấp, ngành tiếp tục triển khai, thực hiện. Khi cơ sở hạ tầng tại điểm quy tụ dân cư hoàn thiện, sẽ có 30 hộ dân khác từ các xã trong huyện chuyển đến sinh sống. Những hộ này kết hợp với 20 hộ sở tại, thành lập thôn mới để phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ đường biên, mốc giới. Trong đó, 30 hộ sẽ ổn định sản xuất nông nghiệp và những hộ còn lại phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ. Đồng thời, bố trí cho mỗi hộ có từ 300-400 m2đất ở, 0,3-0,5 ha đất sản xuất lúa và 0,2 ha đất trồng màu. Cùng với đó, hệ thống đường giao thông nội vùng sẽ được đổ bê-tông rộng 3,5m. Đảm bảo 100% các hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia, có nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt; có nhà văn hoá cộng đồng và nhiều công trình hạ tầng thiết yếu khác. Mặt khác, mốc phân định biên giới Quốc gia 238 giữa Việt Nam và Trung Quốc có lối mở qua lại rất phù hợp và thuận lợi cho việc phát triển vùng kinh tế biên mậu, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân. Tính đến thời điểm này, các đơn vị thi công đã thực hiện san ủi, tạo mặt bằng được trên 2,38 ha để xây dựng khu hành chính kinh tế biên mậu. Con đường từ xã Lao Chải ra mốc 238 đã mở xong 6,7 km nền đường, tạo bước đệm quan trọng cho hoạt động phát triển kinh tế khu vực lối mở 238 trong tương lai. Khi hoạt động này phát triển, không chỉ dừng lại ở việc củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao biên giới với Đảng, Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu văn hoá, phát triển kinh tế vùng biên mà còn góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Quốc gia. Cùng với đó, Trạm Kiểm soát Lao Chải (thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy) sẽ được chuyển từ trung tâm xã Lao Chải ra khu vực sát đường biên, kết hợp với Tiểu đội dân quân tự vệ sở tại giữ vững an ninh biên giới, giúp người dân an cư lạc nghiệp; để biên cương Tổ quốc mãi là bức tường thành vững chắc che chở cho sự trường tồn và phát triển vững bền của đất nước...
Trong màn mưa, điều ấn tượng nhất với chúng tôi khi ở Lùng Chư Phùng có lẽ không phải không gian sống của các hộ dân với những ngôi nhà đơn sơ, nằm sát nhau như nơi phố thị, mà hơn hết, ở nơi ấy, dù cuộc sống hiện tại còn muôn vàn khó khăn, nhưng lời anh Lý Seo Xìa, A trưởng A dân quân thường trực (thuộc Tiểu đội dân quân tự vệ) mãi đọng lại trong tôi sự trải lòng, ấm áp: “Đời tôi, đời con, đời cháu chúng tôi sẽ ở đây, gây dựng kinh tế. Vì đất này là máu xương của cha ông ta để lại nên thế hệ sau phải tiếp tục giữ gìn, giữ gìn từng tấc đất một”.
Lùng Chư Phùng mùa này, hoa đào, hoa mận nhiều vô kể. Khi Xuân sang, bạt ngàn “rừng” đào qua giá lạnh, mưa rừng vẫn nở hoa tươi thắm. Những cây mận khẳng khiu gốc, cành vẫn bung nở những bông hoa tinh khôi, trắng cả không gian, dù sương mù giăng phủ. Phải chăng, như lời anh Xìa nói, mảnh đất này là sự hy sinh máu xương của cha ông ta để lại. Sự hy sinh ấy đã nhuộm thắm những cánh hoa đào bằng lòng thanh khiết như cành mận trắng. Để mỗi dịp Xuân về, những loài hoa ấy vẫn hằng hiện hữu như lời nhắn nhủ của cha ông đến cháu, con muôn đời: Hãy cùng gìn giữ mảnh đất thiêng liêng, nơi biên cương Tổ quốc này bình yên mãi mãi...
Ý kiến bạn đọc