Điện Biên Phủ với những người làm Báo Hà Giang
Ký ức về Điện Biên lịch sử đã có trong tôi từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, qua bài giảng của thầy, cô và câu chuyện bà kể, khi ấy Điện Biên được biết đến là một vùng núi xa xôi, một chiến trường ác liệt mà bao thế hệ cha anh đã gan dạ, dũng cảm hy sinh đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Những ngày đầu tháng ba này, chúng tôi - những người làm báo Hà Giang - được đến với Điện Biên, thăm các di tích lịch sử, trong tâm trạng háo hức xen lẫn niềm tự hào về những chiến thắng vẻ vang chấn động địa cầu.
Chúng tôi đến Điện Biên trong những ngày cả nước hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Lễ hội hoa ban được diễn ra ngay trước thềm ngày kỷ niệm. Những ngày này, thành phố Điện Biên được khoác lên mình một chiếc áo mới, hoa ban nở trắng khắp trên những cung đường, quả đồi của thành phố. Hoa ban nở nhắc cho chúng ta biết rằng, cách đây 60 năm, chính mùa hoa ban, quân và dân ta đã làm lên một chiến thắng vang dội trước thực dân Pháp... Giờ đây, khi đất nước được giải phóng, hoa ban vẫn thuần túy, tinh khiết, tỏa hương thơm tới các anh, những người con của mọi miền đất nước đã anh dũng hy sinh nằm lại chiến trường...
Đoàn cán bộ Báo Hà Giang chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, huyện Điện Biên.
Nghĩa trang liệt sỹ Độc Lập chiều tháng ba. Tiếng chuông vang xa, khói nhang nghi ngút. Những người làm Báo Đảng các tỉnh miền núi phía Bắc kính cẩn mặc niệm, tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống ở mảnh đất này. Nghĩa trang nằm đối diện đồi Độc Lập, thuộc đội 18, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, rộng khoảng 3,3 ha, được quy tập và xây dựng từ những năm 1957 – 1958. Đây là nghĩa trang quy mô cấp Quốc gia với 152 lô và hơn 2.430 ngôi mộ xây gạch chỉ, nắp mộ làm bằng bê tông, mỗi bia đá gắn một ngôi sao. Hầu hết các ngôi mộ ở nghĩa trang này đều là liệt sỹ vô danh. Theo đồng chí Lê Thùy Lan, Phó Tổng biên tập Báo Điện Biên Phủ cho biết: Hiện nay, Điện Biên có gần 6.000 liệt sỹ được quy tập và yên nghỉ trong 4 nghĩa trang: A1, Him Lam, Độc Lập và Tông Khao. Đoàn các báo Đảng rời Nghĩa trang Độc Lập, nhiều người nước mắt lăn trên gò má, ai cũng bâng khuâng nhưng rất nỗi tự hào về một giai đoạn chiến tranh ác liệt, vẻ vang của quân và dân ta.
Tiếp tục chuyến hành trình, chúng tôi đến Đồi A1. Nằm giữa thành phố Điện Biên, bao quanh Đồi A1 là những cây Tếch cổ thụ mát mẻ, dưới chân đồi là bạt ngàn hoa ban trắng đang nở rộ, che chở, tỏa hương thơm bên những ngôi mộ liệt sỹ trong Nghĩa trang Quốc gia A1. Phía xa là cánh đồng Mường Thanh bạt ngàn mầu xanh của lúa. Theo cô hướng dẫn viên du lịch cho biết: Ngoài đoàn báo Đảng các tỉnh miền núi phía Bắc tham quan, hôm nay có nhiều đoàn cựu chiến binh ở các tỉnh đến đây. Qua sự nhiệt tình của cô hướng dẫn viên, chúng tôi được khắc họa lại những trận đánh, giao tranh giữa quân ta và quân Pháp. Đồi A1 là trận đánh mở màn ngày 31.3.1954, là một trong những trận đánh quan trọng của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Mục tiêu của quân ta trong trận này là xóa sổ trung tâm đề kháng mạnh nhất của Pháp. Sau nhiều lần tấn công của quân ta với ý chí kiên cường, thông minh, gan dạ sáng 7.5.1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên cao điểm A1, báo hiệu giờ tàn của tập đoàn cứ điểm. Hiện nay, Đồi A1, bên cạnh Đài kỷ niệm còn có xác chiếc xe tăng nặng 18 tấn mà quân Pháp đã đưa từ trung tâm Mường Thanh để phản kích quân đội Việt Nam. Một hệ thống đường hầm kiên cố, với những lô cốt được xây chắc chắn. Bên cạnh đó, một di tích rất quan trọng đó là cái hố to hình phễu, dấu tích trận nổ khối bộc phá 1 tấn của quân ta làm hủy diệt mộ số lô cốt, công sự, nhiều quân địch chết và bị thương...
Rời thành phố Điện Biên, đoàn Báo Hà Giang đến thăm Khu di tích Mường Phăng, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên khoảng 35km, đây chính là nơi Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ họp bàn tác chiến, cũng là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy Chiến dịch năm xưa. Trước mắt chúng tôi là những thửa ruộng mấp mô lúa vừa được gieo, hoa ban nở trắng khắp sườn đồi. Người dân ở đây chủ yếu là dân tộc Thái, hiền hòa, chất phác quanh năm gắn bó với nông nghiệp. Khi đến đây, chúng tôi vẫn cảm nhận hình ảnh Đại tướng rất gần gũi và sống mãi trong tâm thức của mỗi người dân Mường Phăng.
Ở Điện Biên có rất nhiều di tích lịch sử còn trường tồn với thời gian và trong trái tim mỗi người con đất Việt, mốc lịch sử đó được ghi đậm trong sử sách. Hôm nay trên mảnh đất Điện Biên Phủ này, các địa danh như Mường Phăng, cánh đồng Mường Thanh, đồi A1, Hầm Đờ-cát, Căn cứ Him Lam... với chúng tôi – những người làm báo Hà Giang nơi địa đầu Tổ quốc - thêm khắc sâu niềm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, nguyện phấn đấu đóng góp công sức nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước để đền đáp những công lao của các thế hệ đi trước đã ngã xuống làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm xưa.
Ý kiến bạn đọc