Vĩnh biệt “cây đại đoàn kết” Sùng Đại Dùng

09:26, 25/02/2014

HGĐT - Một sớm ngày rét trước Tết Giáp Ngọ, tôi đến thăm ông, nhưng bà bảo, ông đi cắt thuốc. Ngôi nhà nơi điền viên lúc tuổi già của vợ chồng ông dựa mình bên một núi đá nhỏ ở tổ 2, phường Quang Trung (TPHG) vắng đi không khí thường thấy mỗi lần tôi đến hàn huyên với ông. Chiếc chậu đốt than sưởi ấm của ông và bà không còn đỏ than như mỗi mùa đông giá lạnh. Chúng tôi đón nhận tin ông qua đời ở tuổi 84.


Thật buồn… khi gần đến thời điểm kỷ niệm 50 năm, ngày hoàn thành con đường Hạnh Phúc huyền thoại chạy từ TPHG xuyên suốt miền Cao nguyên đá Đồng Văn quê ông, ông lại không được chứng kiến lớp người sau tôn vinh, ghi nhớ những đóng góp của ông và những thanh niên xung phong một thời treo mình trên đá mở đường đem hạnh phúc đến với muôn đời của Cao nguyên đá.

 

Là một trong những người con ưu tú của đồng bào Mông trên miền đá Hà Giang, tên tuổi của ông được người dân Hà Giang, Tuyên Quang biết đến như một người suốt đời cống hiến cho sự nghiệp của quần chúng. Đối với những người nghiên cứu văn hóa, nhà báo ở nhiều nơi trong nước, ông Sùng Đại Dùng là một địa chỉ, một pho tư liệu vô cùng quý giá về chính trị, văn hóa, lịch sử và dân tộc học… của miền đất Hà Giang. Sinh ra và lớn lên ở miền Cao nguyên đá, trong suốt cuộc đời công tác của mình, ông Dùng từng kinh qua nhiều cương vị từ Bí thư Đoàn thanh niên công trường mở đường Hạnh Phúc Hà Giang - Đồng Văn. Rồi ông trở thành chủ tịch UBND đầu tiên của huyện Mèo Vạc, tiếp đến là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tuyên. Nhưng có lẽ trên cương vị Chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Tuyên, Hà Giang, ông để lại dấu ấn đậm nét nhất, ở đó ông là một “cây đại đoàn kết”, bằng kinh nghiệm, bằng cái tâm, cái tầm ông đã trở thành một hình ảnh đại đoàn kết các dân tộc. Uy tín và hình ảnh của ông không bị bào mòn bởi thời gian, kể cả khi ông đã gối mỏi, chân mòn, khi ông về với đất mẹ. Cuộc đời công tác, phương pháp tuyên truyền, vận động và nhiều ứng xử để đời của ông đã, đang và sẽ là những bài học quý giá đối với lớp lớp các thế hệ, đặc biệt là mỗi cán bộ, đảng viên trong tỉnh.


Ông Dùng với các cựu thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc.
 

Nhớ về ông, không khỏi khâm phục trước ý chí kiên cường như hình ảnh cây sa mộc vươn mình trên đá. Biết bao lớp người trưởng thành từ miền đá, nhưng để hội tụ cái tâm, cái tầm như ông không nhiều. Ông chính là biểu tượng cho nghị lực trải qua những quãng đường hoạt động cách mạng, cống hiến cho dân đầy gian khó, thử thách và về đích với sự vinh quang. Biết ông qua đời, nhà báo Phương Hoa, hiện đang làm ở Báo Hà Giang rơm rớm nước mắt nhớ lại những ngày từng theo chân ông trong những chuyến công tác khi còn làm phóng viên ở Báo Hà Tuyên. Chị nói, ông Dùng giản dị và dân dã lắm, những câu nói của ông là triết lý nhưng lại rất đời thường, ai cũng hiểu cả. Có lần đến thăm, tâm sự với bà con ở xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang, nói về vấn đề phá rừng, ông Dùng sử dụng một hình ảnh thật dễ hiểu, chặt phá rừng cũng như người bị cạo trọc đầu vậy, đồi trọc thì không giữ được nước. Làm lãnh đạo, nói và làm đó là bản chất của ông, điều này là minh chứng khi làm lãnh đạo ở huyện Mèo Vạc hồi những năm 60 của thế kỷ trước, thấy rừng bị mất dần, ông kêu gọi toàn huyện trồng rừng và có lẽ ông là lãnh đạo đầu tiên ở Cao nguyên đá kêu gọi người dân trồng rừng. Cho đến giờ, ở xã Pải Lủng, Mèo Vạc vẫn còn những cây sa mộc được trồng từ thời ông làm Chủ tịch huyện, vi vu đứng giữa trời. Một lần nói chuyện với đồng bào các dân tộc ở một địa phương đang bị chia rẽ, kích động bởi những kẻ phản động, truyền đạo trái pháp luật, ông Dùng nói vừa “triết” vừa hóm hỉnh, người Dao, người Tày, người Kinh…, tuy mặc trang phục khác nhau, nhưng khi cởi ra thì chúng ta đều giống nhau hết. Chính vì phong cách sống, phong cách tuyên truyền, gắn kết rất Sùng Đại Dùng ấy mà ông được mệnh danh là “cây đại đoàn kết” của miền đất Hà Giang. Nhiều lần đi cơ sở “trồng cây đại đoàn kết” ở nhiều địa phương, ông dùng từ rất dân giã mà không mấy người có chức sắc như ông dám sử dụng. Nhưng lạ thay, với cách nói của ông, ai cũng nghe được và nhớ mãi câu nói ví von như một quan điểm nổi tiếng của ông về tinh thần đoàn kết “chúng ta như đàn lợn ăn chung một máng”.



                                          Ông Sùng Đại Dùng
 

Trở về căn nhà điền viên của ông bà Dùng lúc cuối đời, nơi mà không ít lần chúng tôi, nhiều người, nhiều nhà báo, những người yêu miền đất Hà Giang đã tìm đến với ông để được ngồi với một phần của miền đất Hà Giang và hả hê trong những câu chuyện cuộc đời đầy khúc triết và hóm hỉnh của ông. Có lần một đoàn cán bộ ở tận Hà Nội lên Hà Giang, được đi hết con đường Hạnh Phúc trên Cao nguyên đá, trước lúc về họ cứ nằng nặc một yêu cầu được đến nhà gặp ông Sùng Đại Dùng, tôi đưa đoàn đến gặp ông, dù lúc đó ông không được khỏe, giọng nói yếu và đậm âm tiếng Mông, nhưng ông vẫn niềm nở tiếp khách lạ. Nhiều người từng đọc, từng biết những điều về ông trên báo chí cứ tròn xoe mắt nhìn ông Dùng. Ngạc nhiên hơn khi một con người như ông đã trở thành huyền thoại của miền đất Hà Giang lại có một cuộc sống rất mộc mạc. Nhiều lần được hàn huyên với ông, ông nói với tôi rằng, có thể ông nói hơi nhiều nên có người không ưa, nhưng ông nói là vì lợi ích của nhân dân. Chẳng thế mà có doanh nghiệp khi làm công trình thủy điện, “vận” không khéo làm dân giận, đền bù dân không nghe, nhưng khi nghe ông Dùng nói, họ lại nghe vì đó là ý kiến của ông Dùng, một trong những người có uy tín nhất của miền đất Hà Giang.

 

Nhớ về ngày xưa, ở đất Mèo Vạc và nhiều nơi trên Cao nguyên đá còn bạt ngàn cây thuốc phiện, đẹp nhưng đầy khổ, nghèo. Để đi đến mùa hoa thuốc phiện cuối cùng, chấm dứt những bóng ma ám ảnh bao đời ở miền đá, có công đóng góp rất lớn của ông Dùng. Ông cùng với nhiều người, cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp ở miền đá bao ngày tháng lặn lội về những vùng đất nghèo khó trên Cao nguyên như Đường Thượng và những vùng biên giới đầy khắc khổ để vận động, để giải thích, để nắm bắt tâm tư và đề xuất, kiến nghị những chính sách hỗ trợ cho đồng bào từ bỏ cây thuốc phiện.

 

Cao nguyên đá mấy chục năm phát triển vượt bậc từ ngày có con đường Hạnh Phúc mà người địa phương đầu tiên góp mặt mở đường chính là ông Dùng. Tham gia công tác từ thời Cao nguyên đá còn thắp đèn dầu đến khi điện về sáng hầu khắp nẻo Cao nguyên, con đường Hạnh Phúc đã đúng nghĩa với tên gọi khi ông Dùng là một trong những người tiên phong, đi lên và trưởng thành từ con đường ấy. Lớp lớp thế hệ đồng bào Cao nguyên đá tiếp nối ông Dùng cũng từ con đường ấy để tiếp tục mở những con đường Hạnh Phúc mới cho cuộc đời mình. Ở một nơi có một góc vườn, một vách đá khuất sau những ồn ào của phố xá, bao mùa mưa nắng theo quy luật sống, từ lúc ông còn khỏe, còn đi về bằng chiếc xe máy hiệu Trung Quốc cho đến lúc ông chậm dãi và nặng nhọc những bước chân về đầu ngõ và vĩnh biệt mọi nỗi buồn vui của cuộc đời để về cõi thiên thu. Nhưng, với tôi và nhiều người quý mến ông, tất cả như vẫn đang còn diễn ra ở nơi căn nhà của ông, ở nơi đầu con đường Hạnh Phúc huyền thoại.

 

Chỉ còn 1 năm nữa là đến thời điểm chúng ta sẽ cùng sống lại những tháng năm mở đường Hạnh Phúc. Anh bạn tôi, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, một cây viết của Báo Lao Động từng ăn ngủ và chằn chọc với lịch sử của con đường Hạnh Phúc khi nghe tin ông Dùng qua đời không khỏi bàng hoàng. Cùng với đó, bao kế hoạch của Đỗ Doãn Hoàng, của tôi, của nhiều người cho năm kỷ niệm 50 năm con đường Hạnh Phúc sẽ thiếu đi một phần của lịch sử Hà Giang – ông Sùng Đại Dùng. Mùa xuân này trong giá rét thường thấy ở miền Cao nguyên, con đường Hạnh Phúc giang tay đưa ông về quê mẹ miền đá. Hoa cải vàng rực trên những nương đá bạt ngàn như thuở nào để đón ông về như một người anh hùng áo vải trong lòng nhiều người dân quê hương Hà Giang.

                                                   HG, 20.2.2014


Huy Toán

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hạnh phúc khi được gánh vác trách nhiệm xã hội
HGĐT- 6 doanh nhân - thủ lĩnh 6 doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh vừa được Quỹ Trái tim vàng Việt Nam vinh danh “Trái tim vàng nhân ái vì sự phát triển cộng đồng”. Đây là sự ghi nhận, trân trọng những đóng góp của các doanh nghiệp, đồng thời cũng khẳng định: Doanh nhân Hà Giang không chỉ giỏi trên thương trường, còn có trách nhiệm cao với cộng đồng.
25/02/2014
Kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm
HGĐT - Ngày 24.2, Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh đã tới kiểm tra và làm việc với xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ).
25/02/2014
Chú trọng công tác giáo dục, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy trong TTN
Chiều ngày 24/02, tại TP Thái Nguyên, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Công an và Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết liên tịch (NQLT) 03/TW đã tổ chức Hội nghị công tác thực hiện NQLT 03/TW về “phối hợp hành động phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên”.
25/02/2014
Đoàn kết dân tộc là sức mạnh giúp Yên Minh phát triển toàn diện
HGĐT- Trong những năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp huyện Yên Minh không ngừng đổi mới nội dung, hình thức hoạt động. Trong đó, đặc biệt quan tâm đa dạng hóa việc tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, tạo sức mạnh đoàn kết toàn dân đóng góp công sức xây huyện Yên Minh phát triển toàn diện.
25/02/2014