Hãy dừng khai thác cát trái phép
HGĐT- Đó là mong muốn chung của người dân thôn Lùng Áng, xã Phú Linh (Vị Xuyên) trước thực tế các chủ thuyền ngày, đêm khai thác cát trái phép, ven bờ sông Lô (khu vực thôn Lùng Áng), gây ảnh hưởng không nhỏ đến đất sản xuất, sinh hoạt của người dân trong thôn.
Trưởng thôn Lùng Áng, Đặng Văn Dần cho hay: Việc khai thác cát trái phép ven bờ sông Lô, khu vực giáp ranh giữa thôn Lùng Áng với xã Đạo Đức (Vị Xuyên) đã diễn ra từ nhiều năm về trước. Sang đến năm 2013, việc làm ấy khiến người dân lo lắng khi đất ven bờ sông bắt đầu sạt, lở nghiêm trọng. Nhiều lần, chính quyền địa phương đi kiểm tra thực tế, chứng kiến cảnh 6 thuyền máy (của 3 chủ thuyền, được xác định trú tại xã Đạo Đức) ngang nhiên hút cát ven bờ sông Lô; nhưng khi xuôi taluy âm xuống đến bờ sông, biết bị phát giác, các chủ phương tiện nhanh chóng nổ máy, cho thuyền ra xa bờ nên việc có chứng cứ, buộc các đối tượng trên chịu trách nhiệm trước pháp luật chưa thực hiện được. Duy nhất, ngày 17.1.2013, tổ công tác của xã Phú Linh đã mật phục, bắt quả tang chủ thuyền Nguyễn Minh Cương, trú tại thôn Tân Đức (xã Đạo Đức) đang khai thác cát ven bờ sông Lô, khu vực thôn Lùng Áng. Qua kiểm tra hành chính, chủ phương tiện đã không xuất trình được giấy phép khai thác vật liệu thông thường. Do vậy, chính quyền xã tiến hành lập biên bản, nhắc nhở lần đầu và yêu cầu chủ thuyền viết cam kết không tái phạm hành vi vi phạm pháp luật trên.
Nhiều chủ thuyền ngang nhiên hút cát khi chưa có giấy phép khai thác vật liệu thông thường.
Theo ý kiến của người dân trong thôn, kể từ ngày viết cam kết, chủ thuyền Nguyễn Minh Cương đã ngừng khai thác cát tại khu vực thôn Lùng Áng, để chuyển sang khai thác cát phía bờ bên kia sông, thuộc khu vực xã Đạo Đức. Mặc dù, phía chủ thuyền vẫn đang trong thời gian “chờ các cơ quan chức năng cấp giấy phép khai thác vật liệu thông thường”. Lấp chỗ trống trên, nhiều chủ thuyền khác tiếp tục khai thác cát một cách trái phép. Việc làm này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều diện tích đất trồng rau màu ven sông (chủ yếu là rau ngót) của người dân, khiến họ bức xúc và không ngừng lo lắng, khi rau màu thực sự là chiếc “cần câu cơm” đang bị “cát tặc” làm phương hại.
Thôn Lùng Áng có 20 hộ dân nhưng có đến 16 hộ thuộc diện hộ nghèo. Cả thôn không có nguồn nước, đảm bảo tưới tiêu để trồng lúa nước. Nguồn thu nhập chính của họ dựa vào 3,5 ha rau ngót, được trồng ven bờ sông Lô (cho thu nhập dưới 20 triệu đồng/hộ/vụ). Nhưng hiện nay, trên 0,5 ha diện tích đất trồng rau ngót đã bị sạt, lở, chưa thể khắc phục trồng lại. Do vậy, người dân trong thôn đã chuyển sang trồng chuối để giữ đất. Nhưng họ cũng không tránh khỏi lo lắng khi mùa mưa đang đến gần, những vườn chuối kia có thể mất trắng và những diện tích rau ngót còn lại sẽ dần thu hẹp, khi đất tiếp tục sạt, lở. Hơn nữa, con đường mòn nằm ven bờ sông là nơi duy nhất để người dân trong thôn qua lại, thực hiện việc chăm sóc hoa màu và cây trồng khác đang đứng trước nguy cơ tiếp tục lún, sụt, dẫn đến mất lối đi lại. Ngoài nguồn thu chính từ rau ngót, người dân trong thôn còn trông chờ vào những vườn chuối, nương sắn và 20 ha vườn rừng (chủ yếu là cây mỡ). Tuy nhiên, diện tích rừng trồng không mang lại hiệu quả kinh tế khi chi phí, công sức vận chuyển mỗi dịp khai thác khá lớn. Bởi con đường đất liên thôn đi lại khó khăn, hiểm trở. Và điều đáng nói ở đây, những cây trồng chủ lực trên của thôn, phần nhiều diện tích nằm ven bờ sông Lô, đã và đang đứng trước nguy cơ tiếp tục sạt lở, mất dần diện tích nếu tình trạng khai thác cát trái phép không được chấm dứt...
Trước những khó khăn về phát triển kinh tế của thôn Lùng Áng, cùng với tình trạng khai thác cát trái phép đã, đang và sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến đất sản xuất, sinh hoạt của người dân trong thôn. Rất mong, những vấn đề trên sẽ được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đặc biệt lưu tâm.
Ý kiến bạn đọc